07 Mẫu viết bài văn tả một người em chỉ gặp một vài lần nhưng nhớ mãi?

07 Mẫu viết bài văn tả một người em chỉ gặp một vài lần nhưng nhớ mãi? Tuổi của học sinh tiểu học được quy định như thế nào?

Đăng bài: 14:07 14/03/2025

07 Mẫu viết bài văn tả một người em chỉ gặp một vài lần nhưng nhớ mãi?

Dưới đây là 07 mẫu viết bài văn tả một người em chỉ gặp một vài lần nhưng nhớ mãi mà học sinh có thể tham khảo:

Mẫu 01:

 Sáng sớm, đường phố Hà Nội đông đúc, tấp nập. Từng dòng xe nối đuôi nhau chạy dài vô tận. Mẹ và em cũng chạy đua trên dòng người tấp nập đó. Tới ngã tư, em thấy một chú cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Em vô cùng ấn tượng với hình ảnh đó.

   Nhìn từ xa, em đã thấy chú cảnh sát cao dong dỏng, đứng nghiêm trên một cái bục trắng tròn. Chú khoác trên mình bộ quân phục màu vàng ươm. Chú đi một đôi giày đen, trên lưng cũng thắt một chiếc thắt màu đen. Em thích nhất chiếc mũ mà chú đang đội trên đầu. Chiếc mũ có đính ngôi sao vàng lấp lánh ở giữa. Tay trái chú cầm chiếc còi, tay phải chú cầm một cái gậy điều khiển. Khi đèn giao thông chuyển sang màu đỏ, chú thổi còi liên hồi và giơ gậy ra hiệu cho các phương tiện dừng lại. Rồi chú vẫy vẫy cho phía bên đường để dòng xe chạy qua ngã tư. Em thoáng thấy gương mặt nhễ nhại mồ hôi của chú. Đôi mắt sâu đã mang những nét đỏ ngầu. Nhưng trong đôi mắt ấy lại ánh lên niềm hớn hở. Bỗng, một ông già đang đạp xe bị ngã. Chú chạy nhanh tới đó, đỡ cụ dậy, hỏi han cụ. Chú dựng chiếc xe đạp lên rồi dặn cụ đạp xe cẩn thận.

   Sau lần nhìn thấy hình ảnh đẹp ấy, ước mơ được trở thành một chiến sĩ cảnh sát của em lại càng mãnh liệt. Em đã nghĩ đến cảnh mình khoác bộ quần áo màu xanh, đứng nghiêm chào. Em sẽ quyết tâm biến ước mơ ấy trở thành hiện thực.

Mẫu 02:

Trong khi cả nước đang tưng bừng kỉ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lòng em lại nao nao nhớ đến những người đã anh dũng hi sinh để giành lại được lại độc lập cho đất nước. Mỗi lần như vậy em lại nhớ đến hình ảnh một em bé bị nhiễm chất độc màu da cam. Đó là người mà em tuy mới gặp lần đầu nhưng có ấn tượng sâu sắc.

Vào một buổi chiều mùa hè, lúc em đi dạo cùng bố mẹ chơi trong vườn hoa Kim Đồng. Ở đây, không khí trong lành. Bất chợt, em gặp một cậu bé đang tươi cười chào mọi người mua tăm. Lại gần thì em mới biết cậu ấy bị liệt cả hai chân nên phải ngồi xe lăn. Quần áo của em rất cũ, rách rưới có nhiều chỗ vá trông rất tội nghiệp. Dáng người của cậu nhỏ bé, gầy gò. Nước da của cậu ngăm đen vì phải đi nắng nhiều để bán tăm.Trên gương mặt thanh tú ấy, ánh mắt của cậu sáng ngời đầy vẻ tự tin trong cuộc sống. Những giọt mồ hôi trên má cậu cho em biết cậu rất vất vả. Em thầm thắc mắc: ”Tại sao ông trời lại sinh ra những mảnh đời éo le như vậy?” Em lần chạy đến lân la tìm hiểu. Em hỏi cô bán hàng:

Cậu bé bán tăm bị sao vậy cô?

Cô bảo:

- Cậu bé này là một trong số các em ở trại mồ côi. Bố mẹ em là thanh niên xung phong tình nguyện trực tiếp trên chiến trường. Và bố mẹ em ấy đã nhiễm chất độc da cam. Khi em ấy sinh ra thì bố mẹ em ấy qua đời.

Em đến mua hai gói tăm hộ cậu. Về đến nhà, em vẫn suy nghĩ về cậu bé.

Hình ảnh của cậu bé vẫn ở trong tâm trí em dù em lớn lên. Đó vẫn là người mà em thật ấn tượng sâu sắc.

Mẫu 03:

Nắng chiều rải nhẹ trên con đường về nhà. Trên đường đi, em chợt thấy một tốp các chú thợ điện đang đo và tháo lắp chiếc công tơ ở gần khu phố em. Trong đó, người làm em chú ý nhất là một chú thợ điện đang leo lên cột điện và xem xét công tơ.

Bỗng có người gọi tên chú. Thì ra, chú tên là Hiệp. Em đứng ngắm chú hồi lâu. Chú khoảng ba mươi tuổi. Bộ áo công nhân màu cam rất vừa vặn với vóc dáng to, cao của chú. Khuôn mặt chú vuông vắn. Tóc chú màu đen. Nước da chú ngăm ngăm màu bánh mật. Trông chú thật hiền từ.

Thấy em cứ đứng ngây người nhìn chú, chú nở một nụ cười thật tươi. Em tiến bước đến gần chú rồi chào: “Cháu chào chú ạ!” Chú xoa đầu em: “Cháu ngoan lắm, thế sau này cháu có muốn làm công việc như chú không?” Em đáp: “Cháu chưa biết được nhưng công tơ điện để làm gì thế hả chú?” Chú cười: “À! Công tơ điện dùng để đo lượng điện đã dùng cháu ạ!”

Mồ hôi trên lưng áo chú đã thấm ra ngoài nhưng chú vẫn hăng say làm việc. Tay chú nhanh thoăn thoắt. Mặc dù em không hiểu rõ công việc mà chú đang làm nhưng với thái độ làm việc như thế, em biết chú là một người rất yêu nghề. Nếu không có những thợ điện như chú sửa chữa kịp thời thì sinh hoạt của người dân sẽ gặp khó khăn. Em đang đứng thì chú quay xuống nói: ” Thôi muộn rồi đấy, cháu về đi kẻo bố mẹ lo lắng.”

Em giật mình, chú nhắc em mới nhớ. Thôi đành chia tay chú ở đây vậy. Tuy bóng dáng chú đang xa dần nhưng em sẽ mãi nhớ về chú Hiệp – một người thợ điện thân thiện và biết quan tâm tới người khác.

Mẫu 04:

Ngày hôm qua, lúc cùng bố mẹ đi chơi ở công viên, em đã gặp một người nghệ sĩ đường phố. Dù đây là lần đầu tiên gặp mặt, nhưng chú ấy đã để lại trong em những ấn tượng sâu sắc.

Chú ấy là một người đàn ông trưởng thành với dáng người cao ráo và hơi gầy. Mái tóc của chú ấy có màu nâu nhạt, xoăn nhẹ bồng bềnh lãng tử - rất giống với tưởng tượng của em về những người nghệ sĩ. Khuôn mặt chú ấy góc cạnh và có sống mũi cao. Dường như chú ấy là một người con lai thì phải. Ấn tượng nhất là đôi mắt nâu sâu thẳm và chất chứa nỗi buồn của chú ấy. Khi chơi đàn piano, đôi mắt chú ấy nhìn về phía xa xăm vô định. Như là chú ấy đang chìm đắm trong thế giới của riêng mình, mặc kệ tất cả những điều xung quanh. Những ngón tay của chú ấy nhảy múa trên phím đàn điệu nghệ đến khiến người xem phải trầm trồ. Tất cả khiến em tin rằng chú ấy là một nghệ sĩ piano thực thụ. Dù chú không mặc bộ vest lịch lãm, không biểu diễn trên sân khấu rộng lỡn thì cũng chẳng chút nào ảnh hưởng đến chú cả.

Mãi đến lúc về nhà, vẻ ngoại hình lãng tử và có chút gì đấy buồn bã của người nghệ sĩ piano đường phố kia vẫn khiến em nhớ mãi. Em rất mong sẽ được gặp chú ấy thêm lần nữa. Lúc ấy, em sẽ tiến lại và xin phép được biết tên của người nghệ sĩ này.

Mẫu 05:

Có những cuộc gặp gỡ thoáng qua, nhưng lại mang trong lòng nhiều cảm xúc đặc biệt. Và cuộc gặp gỡ của em với một em bé đánh giày ngày hôm nay là một trường hợp như vậy.

Sau khi kết thúc giờ học, bố đã đưa em đi ăn tại một quán ăn nhỏ nằm trên đường Trần Thái Tông. Khi đang thưởng thức tô phở nóng hổi, thơm phức, một em bé đánh giày đã tới gần. Em bé chỉ mới 5-6 tuổi, dáng người gầy gò, nhỏ bé, da đen nhẻm và mang theo một hộp đựng dụng cụ đánh giày nặng nề. Mùa thu đã đến Hà Nội, tiết trời se lạnh, nhưng em bé đánh giày chỉ mặc chiếc áo cộc tay mỏng manh đã bạc màu.

Em bé tiếp cận từng bàn để mời khách hàng đánh giày. Dáng người nhỏ bé và cử chỉ nhút nhát của em bé khiến mọi người cảm thấy thương tâm. Thấy vậy, bố em đã gọi em bé lại gần, ngỏ ý mời em ăn cùng, nhưng em bé đã từ chối. Không còn cách nào khác, bố em đã nhờ em bé đánh giày cho mình. Sau khi em bé hoàn thành công việc, bố em đã trả cho em 300 ngàn đồng. Ban đầu, em bé từ chối, nhưng sau khi bố em thuyết phục, em bé đã chấp nhận nhận tiền và đôi mắt em tràn đầy nước mắt, ngọt ngào cảm ơn.

Cuộc gặp gỡ này đã gửi gắm trong em rất nhiều cảm xúc đậm sâu. Em cảm thấy thương xót trước hoàn cảnh khó khăn của em bé, và em trân trọng những đức tính thật thà và lòng tự trọng của em bé. Em cũng hy vọng rằng em bé sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn, có cơ hội đi học và đến trường như những người bạn cùng trang lứa khác.

Mẫu 06:

Có những cuộc gặp gỡ thoáng qua nhưng lại để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng ta. Một trong những người em chỉ gặp một lần nhưng nhớ mãi chính là cụ già bán hàng rong mà em tình cờ gặp trên phố.

Hôm đó, trời se lạnh, em đang đi dạo cùng mẹ thì bắt gặp một cụ già gầy gò, nhỏ bé đang cặm cụi đẩy xe hàng rong ven đường. Cụ mặc một chiếc áo khoác cũ sờn, mái tóc bạc trắng và gương mặt đầy nếp nhăn, nhưng nụ cười của cụ lại vô cùng hiền hậu. Giọng nói của cụ nhẹ nhàng, ấm áp khi chào mời khách mua những gói bánh nhỏ. Cụ kể rằng mình đã già, không còn sức lao động nên bán hàng rong để kiếm sống qua ngày.

Em đã xin mẹ mua một gói bánh để ủng hộ cụ. Khi nhận tiền, cụ mỉm cười và chúc em học giỏi, ngoan ngoãn. Ánh mắt hiền từ của cụ khiến em nhớ mãi. Dù chỉ gặp một lần, nhưng em luôn tự nhủ phải biết trân trọng cuộc sống và sẻ chia với những người kém may mắn hơn.

Mẫu 07:

Một lần tham gia chuyến tham quan đến doanh trại quân đội, em đã gặp một người lính trẻ mà em chỉ gặp một lần nhưng nhớ mãi.

Anh ấy tên Nam, là một chiến sĩ mới nhập ngũ, dáng người cao lớn, khỏe mạnh. Mái tóc anh cắt ngắn gọn gàng, làn da rám nắng và ánh mắt đầy nhiệt huyết. Khi đoàn của em đến tham quan, anh là người hướng dẫn và giới thiệu về cuộc sống của các chiến sĩ trong quân đội. Giọng nói của anh trầm ấm, cách nói chuyện dí dỏm khiến ai cũng thích thú lắng nghe.

Anh kể rằng mỗi ngày các chiến sĩ phải dậy từ 5 giờ sáng, tập thể dục, rèn luyện thể lực và học tập. Dù vất vả, nhưng ai cũng yêu quý cuộc sống trong quân ngũ. Đặc biệt, anh còn chỉ cho em cách gấp chăn màn vuông vắn, một kỹ năng mà em thấy vô cùng thú vị.

Buổi tham quan kết thúc, anh Nam tươi cười chào tạm biệt và dặn dò chúng em phải học thật giỏi để sau này góp sức xây dựng đất nước. Dù chỉ gặp anh một lần, nhưng hình ảnh người lính trẻ đầy nhiệt huyết ấy đã khắc sâu trong tâm trí em, khiến em thêm yêu mến và kính trọng những người lính bảo vệ Tổ quốc.

Lưu ý, thông tin về 07 Mẫu viết bài văn tả một người em chỉ gặp một vài lần nhưng nhớ mãi? chỉ mang tính chất tham khảo!

07 Mẫu viết bài văn tả một người em chỉ gặp một vài lần nhưng nhớ mãi?

07 Mẫu viết bài văn tả một người em chỉ gặp một vài lần nhưng nhớ mãi? (Hình từ Internet)

Tuổi của học sinh tiểu học được quy định như thế nào?

Căn cứ tại Điều 33 Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, thì tuổi của học sinh tiểu học được quy định như sau:

-Tuổi của học sinh vào học lớp một là 06 tuổi và được tính theo năm.

Trẻ em khuyết tật, kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, trẻ em ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em ở nước ngoài về nước, con em người nước ngoài học tập, làm việc ở Việt Nam có thể vào học lớp một ở độ tuổi cao hơn so với quy định nhưng không quá 03 tuổi.

Trường hợp trẻ em vào học lớp một vượt quá 03 tuổi so với quy định sẽ do trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định.

- Học sinh tiểu học học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định trong trường hợp học sinh học lưu ban, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh là người khuyết tật, học sinh kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, học sinh mồ côi không nơi nương tựa, học sinh ở nước ngoài về nước và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ của học sinh tiểu học là gì?

Căn cứ tại Điều 34 Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, thì nhiệm vụ của học sinh tiểu học như sau:

- Học tập, rèn luyện theo kế hoạch giáo dục, nội quy của nhà trường; có ý thức tự giác học tập, rèn luyện để phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

- Thực hiện đầy đủ và hiệu quả nhiệm vụ học tập; biết cách tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên; chủ động, tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống; rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh cá nhân.

- Hiếu thảo với cha mẹ, ông bà; kính trọng, lễ phép với thầy giáo, cô giáo và người lớn tuổi; đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ bạn bè, em nhỏ, người già, người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn.

- Chấp hành nội quy, bảo vệ tài sản nhà trường và nơi công cộng; chấp hành trật tự an toàn giao thông; giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường.

- Góp phần vào các hoạt động xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường, địa phương.

167 Nguyễn Tuấn Kiệt

- Nội dung nêu trên được NhanSu.vn biên soạn và chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế thông tin chính thức từ nhà tuyển dụng;

- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại trước khi áp dụng;

- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];

CHỦ QUẢN: Công ty TNHH THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Mã số thuế: 0315459414, cấp ngày: 04/01/2019, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM.

Đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Tường Vũ

GP thiết lập trang TTĐTTH số 30/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP.HCM cấp ngày 15/06/2022.

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số: 4639/2025/10/SLĐTBXH-VLATLĐ cấp ngày 25/02/2025.

Địa chỉ trụ sở: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
...loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu...
Thư Viện Nhà Đất
...hiểu pháp lý, rõ quy hoạch, giao dịch nhanh...