Vì sao phải có thời điểm kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 2013?
Tại Bản thuyết minh về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 2013 đã có nội dung giải thích về việc phải có thời điểm kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện.
Vì sao phải có thời điểm kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện? (Hình từ Internet)
Vì sao phải có thời điểm kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 2013?
Theo Bản thuyết minh về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 2013, Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất khẳng định: “Đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 01/7/2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành”.
Vì vậy, trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 2013 cần có quy định để chính thức tuyên bố việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện đang có hiện nay trên phạm vi cả nước.
Trên cơ sở đó, các luật, nghị quyết của Quốc hội sẽ xác định một khoảng thời gian chuyển tiếp phù hợp để các cơ quan ở cấp huyện hoàn thành việc bàn giao, kết thúc hoạt động; các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã sau khi sắp xếp (bao gồm cả chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân) kịp rà soát, tiếp nhận cán bộ, công chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện, kiện toàn về tổ chức bộ máy, điều kiện làm việc để chính thức đi vào hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định mới của các luật, nghị quyết; bảo đảm các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập hoạt động thông suốt, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định mới của các luật, nghị quyết theo đúng tiến độ yêu cầu, không để gián đoạn công việc, không bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức, xã hội và người dân.
Trên đây là nội dung về “Vì sao phải có thời điểm kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 2013?”.
Đề xuất sửa đổi quy định về tổ chức đơn vị hành chính tại Điều 110 Hiến pháp 2013
Theo Bản thuyết minh về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 2013, Điều 110 Hiến pháp 2013 quy định đơn vị hành chính của nước ta gồm trên 10 loại đơn vị hành chính với tên gọi khác nhau thuộc 03 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã).
Tuy nhiên, nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Nghị quyết 60-NQ/TW năm 2025 về tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 01/7/2025, cần sửa đổi, bổ sung Điều 110 Hiến pháp 2013 theo hướng quy định mô hình địa phương 02 cấp, đồng thời không quy định quá chi tiết về hệ thống các đơn vị hành chính với tên của từng loại đơn vị ở từng cấp như hiện nay.
Trên cơ sở đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 110 như sau: Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.
Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định.
Quy định này sẽ tạo điều kiện để tiếp tục cụ thể hóa mô hình đơn vị hành chính và chính quyền địa phương 02 cấp tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cũng đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 này.
Hiện tại, dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đang dự kiến quy định xã là đơn vị hành chính ở nông thôn; phường là đơn vị hành chính ở đô thị và đặc khu là đơn vị hành chính ở hải đảo.
Việc sử dụng cụm từ “đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” là bảo đảm thống nhất với nội dung đã được quy định tại khoản 8 Điều 74 và khoản 4 Điều 96 Hiến pháp hiện nay.
Xem thêm
Từ khóa: sửa đổi Hiến pháp hiến pháp 2013 đơn vị hành chính Đơn vị hành chính cấp huyện Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 2013 Đơn vị hành chính dưới tỉnh Luật Tổ chức chính quyền địa phương
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;