Thư ứng tuyển là gì? Cách viết thư ứng tuyển gây ấn tượng đối với nhà tuyển dụng
Thư ứng tuyển là gì? Cách viết thư ứng tuyển để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng và tăng cơ hội nhận được lời mời phỏng vấn.
Thư ứng tuyển là gì?
Thư ứng tuyển là một văn bản gửi kèm CV, bạn có thể giới thiệu bản thân, trình bày lý do bạn ứng tuyển và thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn phù hợp với vị trí công việc.
Thư ứng tuyển khác với CV, CV mang tính liệt kê còn với thư ứng tuyển sẽ cho bạn cơ hội trình bày rõ hơn về:
- Lý do bạn chọn công ty.
- Vì sao bạn thấy bạn phù hợp với công việc đó.
- Bạn có thể mang lại giá trị gì cho công ty.
Một thư ứng tuyển tốt sẽ giúp bạn tạo thiện cảm ban đầu với nhà tuyển dụng, sẽ tăng thêm cơ hội bạn có thể vượt qua vòng “Lọc CV”.
Thư ứng tuyển là gì? Cách viết thư ứng tuyển để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng (Hình từ internet)
Cách viết thư ứng tuyển để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng và tăng cơ hội nhận được lời mời phỏng vấn
Một thư ứng tuyển chuyên nghiệp thường nằm trong khoảng từ 200 - 250 từ và được trình bày theo bố cục rõ ràng gồm 4 phần:
Phần mở đầu
Phần này thông thường dài khoảng 1 - 2 câu nhằm giới thiệu cho nhà tuyển dụng biết bạn là ai, đang ứng tuyển vị trí công việc nào, biết thông tin tuyển dụng này từ đâu.
Ví dụ:
“Kính gửi anh/chị bộ phận tuyển dụng của Công ty A,
Em tên là Nguyễn Thị B, em đang tìm kiếm cơ hội phát triển công việc trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Em rất quan tâm đến vị trí Chuyên viên sáng tạo nội dung mà Quý công ty đang tuyển dụng trên Linkedln."
Phần giới thiệu bản thân và lý do ứng tuyển
Độ dài phần này khoản 2 - 3 câu. Bạn có thể nếu ngắn gọn trình độ học vấn, kinh nghiệm công việc liên quan. Bạn nên tập trung vào các kỹ năng và thành tích có liên quan đến vị trí ứng tuyển.
Ví dụ: “Trong thời gian còn thực tập tại Công ty ABC, em đã phụ trách quản lý fanpage của công ty và giúp tăng hơn 2000 lượt theo dõi sau 2 tháng. Em thích các công việc liên quan đến sáng tạo nội dung mà mong muốn được áp dụng các kỹ năng này vào công việc tại môi trường chuyên nghiệp như Công ty A.”
Phần thể hiện thái độ nghiêm túc, thiện chí và cầu thị
Độ dài khoảng 2 câu thể hiện sự nghiêm túc, mong muốn được học hỏi và gắn bó với công ty.
Ví dụ: “Em tin rằng với khả năng học hỏi nhanh, tinh thần chủ động trong công việc và trách nhiệm cao, tôi có thể đóng góp tích cực cho đội ngũ sáng tạo nội dung của Công ty A.”
Phần kết thư
Độ dài 1 câu thể hiện sự cảm ơn và mong muốn được trao đổi thêm tại buổi phỏng vấn.
Ví dụ: “Cảm ơn anh/chị đã dành thời gian đọc thư. Em rất mong sẽ có cơ hội để trao đổi thêm với anh/chị trong buổi phỏng vấn sắp tới.”
Những lưu ý khi viết thư ứng tuyển
- Kiểm tra kỹ lỗi chính tả, định dạng trang.
- Kiểm tra thật kỹ tên công ty, vị trí ứng tuyển, font chữ.
- Không lặp lại toàn bộ nội dung của CV mà nên chọn lọc những nội dung thật nổi bật của bạn để nhấn mạnh.
Thư ứng tuyển không chỉ là hình thức mà còn là cách đơn giản nhất để bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Đầu tư một ít thời gian học cách viết thư ứng tuyển sẽ tăng thêm nhiều cơ hội nhận lời mời phỏng vấn cho bạn.
Người lao động thử việc tối đa là bao nhiêu tháng?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 về thời gian thử việc như sau:
Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
- Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
- Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
Như vậy, thời gian thử việc tối đa của người lao động là không quá 180 ngày đối với trường hợp làm công việc của người quản lý doanh nghiệp.
- Nội dung nêu trên được NhanSu.vn biên soạn và chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho các tư vấn chuyên sâu từ chuyên gia.
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng.
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];