Từ khóa gợi ý:
Không tìm thấy từ khóa phù hợp
Việc làm có thể bạn quan tâm
Không tìm thấy việc làm phù hợp

Nghị quyết 81/NQ-HĐND năm 2024 về kết quả phiên chất vấn, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ hai mươi mốt, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam Khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026

Số hiệu 81/NQ-HĐND
Ngày ban hành 06/12/2024
Ngày có hiệu lực 06/12/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Nam
Người ký Đặng Thanh Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 81/NQ-HĐND

Hà Nam, ngày 06 tháng 12 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ PHIÊN CHẤT VẤN, TRẢ LỜI Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI TẠI KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI MỐT, HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÓA XIX, NHIỆM KỲ 2021-2026

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
KHOÁ XIX, KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI MỐT

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ hai mươi mốt, Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất đánh giá: Phiên chất vấn, trả lời chất vấn, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri diễn ra nghiêm túc, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm cao; các vấn đề được đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh lựa chọn chất vấn, tiếp tục chất vấn là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, sức khỏe của đa số cử tri và Nhân dân trong tỉnh. Các vị đại biểu đã nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh đã trả lời, làm rõ nội dung các ý kiến, kiến nghị của Cử tri và chất vấn của các vị đại biểu; xác định nguyên nhân, trách nhiệm và cam kết khắc phục tồn tại, hạn chế với giải pháp, lộ trình giải quyết cụ thể; đồng thời, với trách nhiệm chỉ đạo chung, ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã trực tiếp trả lời, làm rõ các nội dung, vấn đề qua thảo luận và những nội dung chất vấn của các vị đại biểu thuộc thẩm quyền với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, về cơ bản, nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và trả lời chất vấn của các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã đáp ứng yêu cầu của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và của cử tri.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cử tri có ý kiến nhiều lần nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, một số giải pháp khắc phục và thời gian khắc phục chưa cụ thể. Còn một số vấn đề cử tri có ý kiến, kiến nghị, nhưng chưa được trả lời hết tại Kỳ họp.

Điều 2. Đánh giá việc thực hiện các cam kết của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành, cơ quan, đơn vị trước cử tri, Nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh, các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thông báo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả phiên chất vấn, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 và Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024; thực hiện các giải pháp, lời hứa, cam kết trước đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, cử tri và Nhân dân, nhất là, những nội dung liên quan đến sản xuất - kinh doanh; quyền, lợi ích hợp pháp và sức khỏe, đời sống của người dân.

Qua đó, nhiều nội dung đã được giải quyết, như: đã thực hiện duy tu, bảo dưỡng và triển khai giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trên một số tuyến đường tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân khi tham gia giao thông (tuyến ĐT.494B qua xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng; nút giao giữa QL.21 và ĐH.04 địa bàn xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng; điều chỉnh hệ thống hộ lan đường ngang đường sắt địa phận xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm,...). Thực hiện sửa chữa, nạo vét, cải tạo, nâng cấp một số trạm bơm, tuyến kênh, mương, đê phục vụ tưới tiêu cho sản xuất và phòng chống lũ lụt bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân và Doanh nghiệp (như: kênh tưới trạm bơm Quan Trung, huyện Lý Nhân; kênh dẫn trạm bơm Ngòi Ruột, thành phố Phủ Lý; kênh mương BH3, kênh D5, xã Trịnh Xá; tuyến đê hữu Hồng địa phận thị xã Duy Tiên, huyện Lý Nhân...). Có cơ chế chính sách, đồng thời hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất một số trường học; và nâng cao chất lượng các tiêu chí Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu tại các địa phương. Cải tạo một số trục đường điện trong các khu dân cư, di chuyển trạm biến áp theo kiến nghị của Cử tri (tại địa bàn xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên; tổ dân phố Đường Ấm, thành phố Phủ Lý). Thực hiện tu bổ, chống xuống cấp một số Di tích lịch sử, Văn hóa trên địa bàn tỉnh; bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục; tăng cường quản lý vật liệu nổ công nghiệp. Chỉ đạo rà soát, xây dựng cơ chế hỗ trợ xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà văn hóa tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh (theo hướng hỗ trợ cả các thôn, tổ dân phố không thực hiện việc sáp nhập - nội dung này dự kiến trình tại Kỳ họp chuyên đề Hội đồng nhân dân tỉnh quý I/2025).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn những ý kiến, kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu về những tồn tại, hạn chế kéo dài, đã được Hội đồng nhân dân tỉnh kết luận tại các kỳ họp trước nhưng chưa được giải quyết đúng tiến độ đã cam kết, hoặc đã giải quyết, nhưng chưa dứt điểm, chưa có nguồn lực như: việc nâng cấp, cải tạo một số tuyến đường giao thông và có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trên một số tuyến đường, một số nút giao thường xảy ra tai nạn. Việc giải quyết tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông, họp chợ trái phép, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm cản trở và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, về việc cung cấp và chất lượng nước sạch phục vụ sinh hoạt nhất là khu vực nông thôn. Việc xử lý ô nhiễm môi trường các cơ sở khai thác, chế biến vật liệu xây dựng; việc xả thải của một số nhà máy và một số khu chăn nuôi tập trung gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một số địa phương và giải quyết ý kiến, kiến nghị của Cử tri đối với đất dịch vụ 5%, 7% tiến độ chậm. Còn tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế tại các trung tâm y tế cấp huyện, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ Nhân dân. Việc thực hiện một số cơ chế, chính sách do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành về phát triển nông nghiệp còn chậm, chưa phát huy hiệu quả.

Đồng thời, còn những ý kiến thảo luận của đại biểu về những tồn tại, hạn chế cần quan tâm như: Tiến độ triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, việc rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan, tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, thi công một số dự án trọng điểm và công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, môi trường còn hạn chế. Một số cơ chế, chính sách chưa phát huy hiệu quả. Cải cách hành chính chuyển biến chậm; trách nhiệm, chất lượng công tác tham mưu của cán bộ, công chức, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành còn nhiều hạn chế...

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành, các cấp tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tập trung, quyết liệt chỉ đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ lời hứa với cử tri và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; nhất là những ý kiến, kiến nghị, chất vấn của đại biểu về những tồn tại, hạn chế đã kéo dài, cử tri có ý kiến nhiều lần và Hội đồng nhân dân tỉnh đã có kết luận, cụ thể:

1. Đối với một số chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

a) Có giải pháp để đảm bảo thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, nâng cao hiệu quả điều hành thu - chi ngân sách, tiến độ thu ngân sách kịp thời với tiến độ bố trí vốn cho các dự án đầu tư công theo kế hoạch; tăng cường quản lý các nguồn thu ngân sách, đảm bảo các nguồn chi cho các chính sách an sinh xã hội (như chế độ, chính sách cho người nghèo; chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát; chính sách cho người có công...).

b) Thực hiện rà soát tổng thể kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đánh giá tiến độ, khả năng thực hiện dự án và khả năng bố trí vốn để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Thực hiện phân bổ số vốn dự phòng đầu tư cho các dự án đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Đối với các dự án thực hiện trong 2 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030) phải tuân thủ việc phân bổ và bố trí vốn theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

c) Tập trung quyết liệt các giải pháp để khắc phục có hiệu quả những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra; phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2025 và cả giai đoạn 2021-2025; rà soát các chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến sức khỏe, quyền lợi của người dân (như chỉ tiêu về xử lý rác thải, nước sạch, số bác sỹ trên 1 vạn dân,...) để đảm bảo thực chất.

2. Đối với lĩnh vực giao thông vận tải

a) Tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB, thi công các dự án giao thông trọng điểm, liên kết vùng (như: cầu Tân Lang và tuyến đường liên kết vùng; Đường bộ song hành QL21; nút giao Phú Thứ; Tuyến đường 495B và đường nối 02 đền Trần...); phấn đấu hoàn thành trong thời gian sớm nhất để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chỉ đạo chủ đầu tư dự án có giải pháp thi công đảm bảo an toàn và thuận lợi cho người dân tại các điểm giao cắt giữa đường dân sinh với các tuyến giao thông của tỉnh (như các điểm giao với tuyến đường liên vùng 495B, đường QL1 tuyến tránh thành phố Phủ Lý...). Có giải pháp để đảm bảo hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư, kết nối liên thông, đồng bộ.

b) Thường xuyên kiểm tra, đề xuất bố trí nguồn lực, triển khai kế hoạch duy tu, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông đã xuống cấp không đảm bảo an toàn giao thông (như: Tuyến đường 496B địa bàn huyện Bình Lục; tuyến đường 498C địa bàn xã Nhật Tựu, huyện Kim Bảng; đường Lê Công Thanh kéo dài đoạn từ nút giao đường Võ Nguyên Giáp lên gần Khu trường học FPT; đoạn đường QL21 qua địa bàn xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng...).

c) Tập trung chỉ đạo, phối hợp xử lý tình trạng mất an toàn giao thông ở một số “điểm đen”; việc lấn chiếm lòng, lề đường, họp chợ trái phép mà cử tri đã có kiến nghị nhiều lần; bố trí các bãi đậu xe tại các khu đô thị, khu dân cư đông người, các khu dịch vụ, công trình công cộng, đáp ứng đủ nhu cầu đỗ xe đảm bảo an toàn giao thông. Rà soát các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh để có phương án nâng cấp, cải tạo các điểm chờ xe buýt (vị trí thuận lợi, dễ quan sát; bố trí mái che, ghế ngồi cho người dân chờ xe buýt) đáp ứng nguyện vọng của cử tri.

3. Lĩnh vực tài nguyên môi trường

a) Khẩn trương hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xem xét giải quyết đối với đất dịch vụ (5%, 7%) cho người dân. Rà soát lại Dự án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở trên địa bàn tỉnh do Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư để có giải pháp đôn đốc, đảm bảo tiến độ. Hướng dẫn, tháo gỡ cho các địa phương trong công tác quản lý, sử dụng quỹ đất công ích, đảm bảo quản lý, sử dụng hiệu quả.

Thực hiện rà soát, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thị xã, thành phố phù hợp với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả, đôn đốc tiến độ thực hiện việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất của các dự án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

b) Rà soát việc quy định định mức phát thải rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; thực hiện thường xuyên, hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; khắc phục dứt điểm tình trạng ùn ứ, chậm xử lý rác thải tại các điểm trung chuyển, tập kết rác thải nhất là ở khu vực nông thôn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, khoáng sản; tập trung xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường trong khai thác khoáng sản, chế biến vật liệu xây dựng; khẩn trương phục hồi môi trường đối với các khu vực mỏ đã hết thời gian khai thác; xử lý ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, sông Đáy; việc xả thải của một số nhà máy, làng nghề và các khu chăn nuôi (như ô nhiễm nguồn nước kênh BH23 địa bàn huyện Thanh Liêm; việc xả thải của một số nhà máy tại khu công nghiệp Đồng Văn III, Đồng Văn IV, Châu Sơn,..).

[...]
0

CHỦ QUẢN: Công ty TNHH THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Mã số thuế: 0315459414, cấp ngày: 04/01/2019, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM.

Đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Tường Vũ

GP thiết lập trang TTĐTTH số 30/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP.HCM cấp ngày 15/06/2022.

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số: 4639/2025/10/SLĐTBXH-VLATLĐ cấp ngày 25/02/2025.

Địa chỉ trụ sở: P.702A, Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, phường Phú Nhuận, TP. HCM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
...loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu...
Thư Viện Nhà Đất
Thư Viện Nhà Đất
...hiểu pháp lý, rõ quy hoạch, giao dịch nhanh...