Từ khóa gợi ý:
Không tìm thấy từ khóa phù hợp
Việc làm có thể bạn quan tâm
Không tìm thấy việc làm phù hợp

Nghị quyết 147/NQ-CP năm 2025 về Chiến lược tổng thể quốc gia phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 147/NQ-CP
Ngày ban hành 22/05/2025
Ngày có hiệu lực 22/05/2025
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 147/NQ-CP

Hà Nội, ngày 22 tháng 5 năm 2025

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH CHIẾN LƯỢC TỔNG THỂ QUỐC GIA PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ VỚI CÁC ĐE DỌA AN NINH PHI TRUYỀN THỐNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 18 tháng 02 năm 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia;

Căn cứ Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới;

Căn cứ Kết luận số 127-KL/TW ngày 28 tháng 02 năm 2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Chiến lược tổng thể quốc gia phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.

 


Nơi nhận:

- Bộ Chính trị;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể chính trị - xã hội;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NC (02).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Phạm Minh Chính

 

CHIẾN LƯỢC TỔNG THỂ QUỐC GIA

PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ VỚI CÁC ĐE DỌA AN NINH PHI TRUYỀN THỐNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
(Kèm theo Nghị quyết số 147/NQ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2025 của Chính phủ)

Những năm gần đây, các đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, tác động trên quy mô lớn, uy hiếp sự ổn định, phát triển mọi mặt đời sống của cộng đồng dân cư, quốc gia, khu vực và toàn cầu. Các đe dọa này có thể xuất hiện từ tự nhiên, với các biểu hiện của biến đổi khí hậu, như nhiệt độ trái đất tăng nhanh khiến băng tan, nước biển dâng, xâm nhập mặn và các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, sóng thần, động đất, hạn hán, giá rét kéo dài... làm mất đa dạng sinh học, phá hủy hệ sinh thái, ảnh hưởng đến các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện thường xuyên hơn, tốc độ lan truyền nhanh, tính chất phức tạp, hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Những đe dọa an ninh phi truyền thống do hoạt động tiêu cực của con người, nổi lên là khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, như tội phạm về ma túy, mua bán người; đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao, không gian mạng, lợi dụng quá trình toàn cầu hóa để gia tăng các hành vi phạm tội với phương thức, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, phức tạp. Hầu hết các đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, xét cả về nguyên nhân và hậu quả, vượt qua khả năng ứng phó của một quốc gia.

Tại Việt Nam, các đe dọa an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp, tác động mạnh, trên phạm vi rộng, ảnh hưởng bất lợi đối với mọi mặt đời sống xã hội. Sự phát triển của khoa học, công nghệ bên cạnh những thuận lợi là cơ bản cũng đang làm nảy sinh nhiều nguy cơ, thách thức mới đối với an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Tội phạm lợi dụng không gian mạng tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, gia tăng cả về số vụ, tính chất, mức độ, hậu quả. Bên cạnh đó, Việt Nam nằm trong nhóm nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của các đe dọa an ninh phi truyền thống từ tự nhiên, như bão, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn... Việt Nam là quốc gia ven Biển Đông, nơi tập trung 1/3 lưu lượng vận tải đường biển quốc tế, nhưng cũng là khu vực tồn tại nhiều tranh chấp, xung đột, cướp biển, thiên tai nên phải đối mặt với các đe dọa từ an ninh hàng hải gia tăng. An ninh nguồn nước bị đe dọa ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là nguồn nước sông Mê Kông, sông Hồng. Mặt khác, nhu cầu năng lượng tăng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặt ra những thách thức ngày càng lớn về bảo đảm an ninh năng lượng. Tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí ngày càng nghiêm trọng; nguy cơ cạn kiệt một số tài nguyên cũng đang hiện hữu... Ngoài ra, cơ cấu dân số đông, xu hướng già hóa, cùng những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh gia tăng đặt ra nhiều yêu cầu đối với bảo đảm an ninh lương thực, an ninh dân số, an ninh kinh tế, an ninh xã hội, an ninh con người.

Trong khi đó, sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương về phòng ngừa, ứng phó các đe dọa an ninh phi truyền thống chưa đồng bộ, chặt chẽ; hợp tác quốc tế chưa thật hiệu quả. Đặc biệt, chưa có cơ chế thống nhất để điều phối, huy động lực lượng, phương tiện phục vụ phòng ngừa, ứng phó, dẫn đến phân tán nguồn lực, thậm chí cản trở quá trình giải quyết, quản trị. Do đó, cần thiết ban hành Chiến lược tổng thể quốc gia phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược) để chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đây cũng là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng trong kỷ nguyên phát triển phồn vinh, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.

I. QUAN ĐIỂM

1. Phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống là trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ trọng yếu, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, trong đó người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện cùng với sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội; phân công trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng, rành mạch, gắn với phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương.

2. Quán triệt, thể chế đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, triển khai đồng bộ chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống. Tác động từ các đe dọa an ninh phi truyền thống phải được đánh giá, nhận diện đầy đủ, khách quan, hạn chế thấp nhất rủi ro, đe dọa đến lợi ích, an ninh quốc gia; đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, an ninh, an toàn của người dân lên trên hết, trước hết. Phòng ngừa, ứng phó các đe dọa này phải đặt trong mối quan hệ gắn bó với các vấn đề an ninh truyền thống, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; gắn liền với mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững; phù hợp với Chiến lược, Quy hoạch tổng thể quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội.

3. Luôn nêu cao tinh thần chủ động phòng ngừa, phải lấy phòng ngừa là căn bản, chiến lược với phương châm từ sớm, từ xa, từ cơ sở; chủ động loại bỏ nguyên nhân, điều kiện có thể dẫn đến phát sinh, phát triển các đe dọa an ninh phi truyền thống; đồng thời phải chủ động về cơ chế, nguồn lực, biện pháp để kịp thời ứng phó, xử lý, khắc phục hậu quả, nhanh chóng khôi phục hoạt động bình thường khi xảy ra thảm họa, sự cố. Khi vấn đề an ninh phi truyền thống xảy ra ở giai đoạn đầu thuộc chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương nào sẽ do bộ, ngành, địa phương đó chủ trì ứng phó, với sự tham gia chủ động, tích cực của các chủ thể khác; khi đã chuyển hóa thành vấn đề an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lực lượng Công an nhân dân có trách nhiệm chủ trì công tác phòng, chống; các lực lượng khác chủ động tham gia theo chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định.

4. Nhận thức toàn diện, sâu sắc, thống nhất về cách tiếp cận toàn diện, toàn dân, liên ngành, liên vùng, liên quốc gia trong phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống; dựa trên nền tảng của một cơ chế tổng thể, bao trùm, thống nhất trong điều hành các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, huy động lực lượng, tài chính, khoa học, công nghệ; bảo đảm sự đồng bộ của thể chế và hiệu lực, hiệu quả của chính sách, pháp luật; phù hợp tiềm lực, trình độ của bộ máy nhà nước và năng lực, khả năng của người dân, doanh nghiệp.

5. Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thực hiện tốt phương châm “ba chủ động” (chủ động phương án; chủ động con người; chủ động phương tiện); “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ), kết hợp với sự chi viện, hỗ trợ của Trung ương, phát huy mọi nguồn lực và trách nhiệm của cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước để kiểm soát, ứng phó hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống. Sử dụng hiệu quả, không lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội trong phòng ngừa, ứng phó.

6. Tăng cường đầu tư cho phát triển bền vững, gắn với phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống; không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi sức khỏe con người, môi trường sinh thái lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Tập trung phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao... gắn với nâng cao khả năng chống chịu, phục hồi; chủ động thích ứng với một số đe dọa an ninh phi truyền thống.

7. Nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực chính để nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để nâng cao năng lực phát hiện, dự báo chính xác, cảnh báo sớm và giảm thiểu tối đa tác động của các đe dọa này. Không ngừng hiện đại hóa các lực lượng tham gia phòng ngừa, ứng phó đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

[...]
0

CHỦ QUẢN: Công ty TNHH THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Mã số thuế: 0315459414, cấp ngày: 04/01/2019, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM.

Đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Tường Vũ

GP thiết lập trang TTĐTTH số 30/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP.HCM cấp ngày 15/06/2022.

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số: 4639/2025/10/SLĐTBXH-VLATLĐ cấp ngày 25/02/2025.

Địa chỉ trụ sở: P.702A, Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, phường Phú Nhuận, TP. HCM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
...loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu...
Thư Viện Nhà Đất
Thư Viện Nhà Đất
...hiểu pháp lý, rõ quy hoạch, giao dịch nhanh...