Từ khóa gợi ý:
Không tìm thấy từ khóa phù hợp
Việc làm có thể bạn quan tâm
Không tìm thấy việc làm phù hợp

Kế hoạch 41/KH-UBND phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2025, tỉnh Thanh Hóa

Số hiệu 41/KH-UBND
Ngày ban hành 07/03/2025
Ngày có hiệu lực 07/03/2025
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Lê Đức Giang
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 07 tháng 03 năm 2025

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC, XÂM NHẬP MẶN NĂM 2025, TỈNH THANH HÓA

Thực hiện Công điện số 128/CĐ-TTg ngày 08/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và Công văn số 9725/BNN-TL ngày 19/12/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) về việc tổ chức các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025; trên cơ sở nội dung báo cáo, đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) tại Tờ trình số 44/TTr-SNN&PTNT ngày 20/02/2025 và để chủ động trong công tác phòng, chống, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập năm 2025, tỉnh Thanh Hóa với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, mực nước sông, suối xuống thấp, tình hình các hồ chứa nước trên dòng chính lưu vực sông Mã ở nước bạn Lào đã hoàn thành, tích nước đưa vào sử dụng, đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, cũng như tiếp tục phát huy tính chủ động, tích cực của các ngành, các cấp và người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

II. TÌNH HÌNH KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN, NGUỒN NƯỚC VÀ DỰ BÁO NĂM 2025

Theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh từ tháng 3-5/2025, tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ trên so với trung bình nhiều năm (TBNN), phổ biến từ 200-400 mm; nhiệt độ không khí trung bình ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với TBNN và phổ biến từ 24-25 độ C; nắng nóng đầu mùa có thể xảy ra vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, xấp xỉ so với TBNN; mực nước trên các sông dao động theo xu thế xuống thấp dần và phổ biến ở mức thấp hơn so với TBNN cùng kỳ, có khả năng xuất hiện mực nước nhỏ nhất năm tại một số trạm; lưu lượng dòng chảy các tháng trên sông Mã tại Mường Lát và Cẩm Thủy, trên sông Chu tại Cửa Đạt có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với TBNN cùng kỳ; xâm nhập mặn vùng cửa sông, ven biển ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với TBNN; các đợt xâm nhập mặn lớn nhất năm có khả năng xảy ra trong khoảng từ tháng 3 đến đầu tháng 5.

Đến ngày 05/3/2025, trên địa bàn tỉnh có 174/610 hồ chứa thủy lợi tích đầy nước, còn lại 436/610 hồ chứa thấp hơn mực nước dâng bình thường (MNDBT); riêng mực nước 3 hồ chứa lớn (Cửa Đạt, Sông Mực, Yên Mỹ), như sau: (i) hồ Cửa Đạt (+96.44) m, thấp hơn MNDBT 13,56 m và cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 là 0,6 m; (ii) hồ Sông Mực (+29.82) m, thấp hơn MNDBT 3,18 m và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2024 là 1,18 m; (iii) hồ Yên Mỹ (+17.65) m, thấp hơn MNDBT là 2,71 m và cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 là 0,72 m.

III. NHẬN ĐỊNH KHẢ NĂNG XẢY RA THIẾU NƯỚC, HẠN HÁN, XÂM NHẬP MẶN

1. Đối với cấp nước cho sinh hoạt

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 54 công trình cấp nước sạch tập trung với công suất khoảng 419.810 m³/ngày đêm và 506 công trình cấp nước tập trung (tự chảy) với công suất khoảng 36.279 m³/ngày đêm (trong đó, có 317 công trình kém bền vững và 189 công trình không hoạt động). Qua theo dõi hàng năm, trong trường hợp nắng nóng kéo dài, mực nước các sông xuống thấp, dòng chảy thiếu hụt trên địa bàn tỉnh, có thể chịu ảnh hưởng của thiếu nước, xâm nhập mặn đến việc cấp nước sinh hoạt như sau:

- Về ảnh hưởng của thiếu nước, xâm nhập mặn: Chủ yếu là thuộc vùng Nam sông Chu, Bắc sông Mã tập trung ở khu vực ven biển và thành phố Thanh Hóa, có các công trình cấp nước bị ảnh hưởng chủ yếu là các công trình cấp nước sạch lấy nguồn nước thô từ hạ lưu sông Mã, sông Lèn, sông Hoạt, kênh De,… như: nhà máy nước Hàm Rồng; hệ thống cấp nước sinh hoạt cho thị trấn Hậu Lộc và một số xã lân cận; nhà máy nước sinh hoạt xã Ngư Lộc; công trình cấp nước sạch 7 xã, huyện Hậu Lộc; nhà máy nước sạch Bắc Nga Sơn; nhà máy nước sạch sinh hoạt huyện Hà Trung;…. Đây là những khu vực có nhu cầu sử dụng nước sạch cao do dân cư đông đúc và tập trung nhiều hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Về ảnh hưởng của thiếu nguồn: Tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, chưa thu hút được đầu tư các công trình cấp nước sạch tập trung, chưa chủ động về nguồn nước (thiếu công trình chuyển nước và công trình khai thác nước tại chỗ), cụ thể:

+ Đối với khu vực miền núi thấp, gồm 4 huyện (Như Thanh, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc), là khu vực giao giữa vùng miền núi cao và vùng đồng bằng, địa hình có nhiều đồi, núi thấp, độ dốc nhỏ và xen lẫn đồng bằng, trung du. Hàng năm, vào các tháng mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 của năm sau) thường xuyên xảy ra thiếu nước sinh hoạt do mực nước sông hạ thấp, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm (huyện Ngọc Lặc và Cẩm Thủy) hoặc thường bị ngập lụt dẫn đến ô nhiễm nguồn nước (một số xã thuộc huyện Cẩm Thủy và Thạch Thành).

+ Đối với vùng núi cao, đặc biệt khó khăn, gồm 6 huyện (Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát), đây là vùng đặc thù có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, dân cư sống rải rác, các công trình cấp nước tự chảy được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ có quy mô thôn/bản, các công trình này sau một thời gian hoạt động, phần lớn bị hư hỏng, xuống cấp, ngừng hoạt động hoặc chưa có công trình cấp nước, phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông, suối, các mó nước phía thượng nguồn,….

2. Đối với cấp nước cho sản xuất nông nghiệp

Với đặc điểm phân bố nguồn nước không đều, nhu cầu sử dụng nước ngày tăng cả về chất lượng và số lượng, lượng nước trữ được từ các công trình thủy lợi, thủy điện chưa đạt theo thiết kế; trường hợp nắng nóng kéo dài trên diện rộng, các hồ, đập tích không đủ nước so với thiết kế, mực nước sông xuống thấp, diện tích có nguy cơ bị thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn khoảng 13.300-17.200 ha, trong đó diện tích có khả năng xảy ra hạn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng từ 7.900-8.700 ha tập trung ở các khu vực, cụ thể:

- Vùng cấp nước từ các hồ, đập, công trình thủy lợi khác với diện tích 5.400-6.200 ha, trong đó:

+ Vùng cấp nước từ các hồ, đập lớn với diện tích có khả năng xảy ra thiếu nước, hạn hán ảnh hưởng đến năng suất từ 3.500-4.100 ha, tập trung chủ yếu ở khu vực đuôi kênh của các hệ thống kênh lấy nước từ hồ Cửa Đạt (hệ thống Bái Thượng, hệ thống Bắc sông Chu-Nam sông Mã), hồ Sông Mực, hồ Yên Mỹ nằm trên địa bàn các huyện: Thọ Xuân, Thiệu Hóa, thành phố Thanh Hóa, các huyện: Triệu Sơn, Yên Định, Nông Cống, thị xã Nghi Sơn,….

(Có phụ lục 1 đính kèm)

+ Vùng cấp nước từ các hồ, đập, công trình thủy lợi nhỏ với diện tích có khả năng xảy ra thiếu nước, hạn hán ảnh hưởng đến năng suất từ 1.900-2.100 ha, tập trung chủ yếu ở khu vực trung du, miền núi thuộc các vùng Nam sông Chu, Bắc sông Mã, hạ du sông Bưởi và một số vùng thừa nước nhưng thiếu các công trình tích, trữ nước; nhiều công trình bị hư hỏng, xuống cấp không trữ được nước.

(Có phụ lục 2 đính kèm)

- Vùng cấp nước từ các trạm bơm điện với diện tích khoảng 2.500 ha có khả năng ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, trong đó:

+ Vùng ven biển, ảnh hưởng thủy triều với diện tích có khả năng bị ảnh hưởng bởi thiếu nước, xâm nhập mặn khoảng 1.400 ha, chủ yếu ở các huyện, thị xã, thành phố khu vực ven biển và thành phố Thanh Hóa thuộc vùng Nam sông Chu, Bắc sông Mã. Đây là vùng các trạm bơm lấy nước từ hạ lưu sông Mã, sông Lèn, sông Hoạt, kênh De, sông Yên,… với khoảng 54 trạm bơm bị ảnh hưởng mặn và các trạm bơm lấy nước hồi quy, tạo nguồn từ các kênh tiêu, trục tiêu (kênh Hưng Long, sông Đơ, sông Quảng Châu,…), các trạm bơm nội đồng. Hàng năm, khi nắng nóng kéo dài, mực nước sông xuống thấp, độ mặn 1‰ vùng cửa sông, ven biển duy trì ở mức cao và lấn sâu vào nội địa từ 18-24 km; các trạm bơm không lấy được nước và nếu có lấy được nước thì thời gian lấy nước ngắn khoảng từ 4-6 giờ, gây khó khăn cho việc cấp nước phục vụ sản xuất, các đơn vị vận hành phải theo dõi mực nước triều, nối dài ống bơm để tranh thủ bơm trữ nước.

(Có phụ lục 3 đính kèm)

+ Vùng tưới trên các triền sông Mã, sông Chu, sông Bưởi, sông Cầu Chày với diện tích có khả năng ảnh hưởng bởi thiếu nước, hạn hán khoảng 1.100 ha, tập trung chủ yếu ở vùng Nam sông Chu, Nam sông Mã, Bắc sông Mã, hạ du sông Bưởi thuộc các huyện: Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Yên Định, Thạch Thành, Nông Cống, Cẩm Thủy. Qua theo dõi hàng năm, khi nắng nóng kéo dài trên diện rộng, mực nước sông xuống thấp, các đơn vị quản lý, vận hành phải thực hiện nối dài ống bơm hoặc sử dụng thêm các máy bơm dầu tiếp nước vào bể hút,… để cấp nước phục vụ sản xuất; đặc biệt là các trạm bơm lấy nước từ dòng chính sông Mã (hạ lưu Thủy điện Cẩm Thủy 1) gồm 62 trạm bơm tưới (Cẩm Thủy 23 trạm, Vĩnh Lộc 11 trạm, Yên Định 11 trạm, Thiệu Hóa 5 trạm, Hoằng Hóa 6 trạm, thành phố Thanh Hóa 6 trạm) và 13 trạm bơm lấy nước từ sông Chu (Thường Xuân 2 trạm, Thọ Xuân 4 trạm, Thiệu Hóa 6 trạm, thành phố Thanh Hóa 1 trạm).

(Có phụ lục 4 đính kèm)

3. Cấp nước cho Khu kinh tế, Khu công nghiệp

[...]
0

CHỦ QUẢN: Công ty TNHH THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Mã số thuế: 0315459414, cấp ngày: 04/01/2019, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM.

Đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Tường Vũ

GP thiết lập trang TTĐTTH số 30/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP.HCM cấp ngày 15/06/2022.

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số: 4639/2025/10/SLĐTBXH-VLATLĐ cấp ngày 25/02/2025.

Địa chỉ trụ sở: P.702A, Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, phường Phú Nhuận, TP. HCM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
...loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu...
Thư Viện Nhà Đất
Thư Viện Nhà Đất
...hiểu pháp lý, rõ quy hoạch, giao dịch nhanh...