Vụ cô gái ngã thang máy tử vong ai chịu trách nhiệm

Sáng ngày 22/10, Công an quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, đơn vị đang điều tra nguyên nhân khiến 1 cô gái trong thang máy rơi từ tầng 7 xuống tầng 1 tử vong.

Trước đó, lúc 23h ngày 19/10, tại tòa nhà trên phố Kim Mã (quận Ba Đình), chị N.H.A (SN 2000, trú tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa) cùng chị N.Q.N (SN 1998, trú tại phường Kim Mã) đi thang máy từ tầng 8 xuống, tới tầng 7 bị mắc kẹt.

Trong lúc bảo vệ tòa nhà hỗ trợ mở cửa, chị A. trèo ra bất ngờ thang máy từ tầng 7 rơi xuống tầng 1 khiến chị tử vong.

Quả thật đây là sự việc đau lòng và cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra để làm rõ nguyên nhân.

Tuy nhiên dưới góc độ pháp lý thì để xác định lỗi thuộc về ai trong vụ cô gái ngã thang máy tử vong, thì cơ quan chức năng phải xác định xem xét nhiều yếu tố như:

  • Chủ đầu tư của tòa nhà là đơn vị nào,
  • Tòa nhà được bàn giao hay chưa,
  • Tòa nhà có Ban quản lý hay không,…

Theo Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH thì thang máy, thang cuốn thuộc "Danh mục các loại thiết bị, máy móc, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động".

Việc thiết kế, thi công thang máy phải đảm bảo bộ tiêu chuẩn Việt nam chẳng hạn như TCVN 6396-28:2013 Yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt thang máy - Thang máy chở người và hàng và nó chỉ được đưa vào sử dụng khi đã được kiểm định kỹ thuật an toàn, khi sử dụng phải được kiểm tra định kỳ và kiểm tra trong quá trình sử dụng. Việc quy trách nhiệm khi xảy ra tai nạn thì phải điều tra để xác định lỗi thuộc về cơ quan nào.

Như vậy, trong trường hợp thang máy đang trong thời hạn bảo hành mà gặp sự cố, có thể lỗi thuộc về đơn vị vận hành, bảo trì, bảo dưỡng thang máy.

Trường hợp thang máy hết thời hạn bảo trì, lỗi sẽ thuộc về chủ đầu tư của tòa nhà, nếu tòa nhà đã được bàn giao cho Ban quản lý thì lỗi sẽ thuộc về đơn vị này.

Việc đền bù thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được quy định rất rõ trong Bộ luật dân sự bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích.

Người có lỗi gây ra thiệt hại sẽ phải bồi thường nhưng trước khi điều tra làm rõ nguyên nhân thì doanh nghiệp trực tiếp quản lý, vận hành thang máy sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù cho người bị hại.

Theo Quỳnh Ny
2.861