Vụ án được giải quyết ra sao khi nghi phạm giết người xong rồi tự sát?

Thực tế, trong nhiều vụ án mạng, nghi phạm gây án xong đã tìm đến cái chết. Vậy trong trường hợp hung thủ giết người tự sát, vụ án sẽ được giải quyết ra sao?

Có thể thấy hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe người khác là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý. Trong nhiều vụ án có nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm, mâu thuẫn bộc phát, nghi phạm nghĩ quẩn, sợ sự trừng phạt của pháp luật rồi tìm đến con đường tự tử.

Trong trường hợp nghi phạm là người duy nhất gây án và đã tử vong, cơ quan chức năng sẽ đình chỉ điều tra. Tuy nhiên, gia đình nạn nhân có quyền yêu cầu những người thừa kế của hung thủ bồi thường thiệt hại cho hành vi xâm phạm đến tính mạng.

Khi đó, nghi phạm sẽ phát sinh quyền thừa kế tài sản cho những người hưởng thừa kế (thường sẽ là vợ, con, cha, mẹ...). Những người này có trách nhiệm thực hiện bồi thường thiệt hại trong phạm vi tài sản mà hung thủ để lại, căn cứ theo Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Còn trong trường hợp hung thủ gây án đã chết nhưng vụ án xác định còn người chủ mưu, giúp sức hay xúi giục, cơ quan điều tra vẫn sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xử lý theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân, các đối tượng trong vụ án sẽ phải thanh toán các khoản: Chi phí cứu chữa nạn nhân trước khi chết, chi phí mai táng theo phong tục địa phương, nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần không quá 100 tháng lương tối thiểu.

Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm sẽ căn cứ vào những thiệt hại thực tế xảy ra theo quy định nêu trên, đồng thời cũng phụ thuộc vào năng lực bồi thường của hung thủ gây án. Trường hợp người gây án đã chết mà không có tài sản thì thiệt hại thuộc hoàn toàn về phía gia đình nạn nhân.

Theo Quỳnh Ny
2.621