Tra cứu các doanh nghiệp rủi ro, vi phạm hóa đơn tại hệ thống của Tổng cục Thuế thế nào?

(có 2 đánh giá)

Được biết Tổng Cục thuế có Công văn 1798 về việc rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp. Công văn có đề cập đến 524 doanh nghiệp thuộc doanh nghiệp rủi ro, vi phạm hóa đơn. Vậy cho hỏi cách tra cứu các doanh nghiệp này thế nào? Câu hỏi của chị D.M (Long An).

Tra cứu các doanh nghiệp rủi ro, vi phạm hóa đơn tại hệ thống của Tổng cục Thuế thế nào?

Tra cứu doanh nghiệp thuộc 524 doanh nghiệp rủi ro, vi phạm tại hệ thống của Tổng cục Thuế theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập website http://tracuuhoadon.gdt.gov.vn

Bước 2: Chọn Danh sách doanh nghiệp rủi ro, vi phạm => Tra cứu doanh nghiệp rủi ro, vi phạm

Bước 3: Nhập thông tin Cơ quan thuế và mã xác thực => Tìm kiếm.

Tra cứu doanh nghiệp thuộc 524 doanh nghiệp rủi ro

Sử dụng hóa đơn khống là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn hay sử dụng hóa đơn không hợp pháp?

Hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ được quy định tại Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP như sau:

Hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ

1. Sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các trường hợp sau đây là hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp:

a) Hóa đơn, chứng từ giả;

b) Hóa đơn, chứng từ chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng;

c) Hóa đơn bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, trừ trường hợp được phép sử dụng theo thông báo của cơ quan thuế;

d) Hóa đơn điện tử không đăng ký sử dụng với cơ quan thuế;

đ) Hóa đơn điện tử chưa có mã của cơ quan thuế đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế;

e) Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

g) Hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn, chứng từ trước ngày xác định bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có thông báo của cơ quan thuế về việc bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nhưng cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã có kết luận đó là hóa đơn, chứng từ không hợp pháp.

2. Sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các trường hợp sau đây là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ:

a) Hóa đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định;

b) Hóa đơn, chứng từ khống (hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ); hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả;

c) Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn;

d) Hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác;

đ) Hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân khác (trừ hóa đơn của cơ quan thuế và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn) để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra;

e) Hóa đơn, chứng từ mà cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ.”

Theo đó, sử dụng hóa đơn khống là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn.

Tra cứu các doanh nghiệp rủi ro, vi phạm hóa đơn tại hệ thống của Tổng cục Thuế thế nào?

Tra cứu các doanh nghiệp rủi ro, vi phạm hóa đơn tại hệ thống của Tổng cục Thuế thế nào? (Hình từ Internet)

Sử dụng hóa đơn khống sẽ bị phạt hành chính bao nhiêu tiền?

Xử phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn theo quy định tại Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP như sau:

Xử phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn quy định tại Điều 4 Nghị định này, trừ trường hợp được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 16 và điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định này.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.”

Và theo khoản 4 Điều 7 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với tổ chức. Trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền sẽ bằng 1/2 tổ chức theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Như vậy, hành vi sử dụng hóa đơn khống sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 và buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.

(có 2 đánh giá)
Theo Mai Hoàng Trúc Linh
2.626 
Click vào đây để xem danh sách Tuyển dụng kế toán hoặc nhận thông báo thường xuyên về Tuyển dụng kế toán
Click vào đây để xem danh sách Tuyển dụng kế toán hoặc nhận thông báo thường xuyên về Tuyển dụng kế toán