Phân biệt những thuật ngữ Luật dễ gây nhầm lẫn

(có 2 đánh giá)

Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và vận dụng pháp luật thì việc hiểu rõ các thuật ngữ pháp lý là điều vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số thuật ngữ pháp lý dễ gây nhầm lẫn:

1. Đầu thú và tự thú

- Đầu thú: Là có người đã biết mình phạm tội, nhưng biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện để cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

- Tự thú: Là tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Người nào bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể, nhưng trong quá trình Điều tra đã tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện, thì cũng được coi là tự thú đối với việc tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội của mình mà chưa bị phát hiện.

(Công văn 81/2002/TANDTC)

2. Công chứng và chứng thực

- Công chứng: Là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

- Chứng thực: Là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.

(Điều 2 Luật Công chứng 2014 và Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP)

Phân biệt những thuật ngữ Luật dễ gây nhầm lẫn

3. Thời hạn và thời hiệu

- Thời hạn: Là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác.

Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra.

- Thời hiệu: Là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.

(Điều 144, 149 Bộ luật Dân sự 2015)

4. Chánh án và Chánh tòa

- Chánh án: Người đứng đầu TAND.

Chánh án TAND tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước.

Chánh án TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương do Chánh án TAND tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

- Chánh tòa: Người đứng đầu tòa chuyên trách của TANDTC và TAND cấp tỉnh.

Chánh tòa do Chánh án TAND nơi có tòa chuyên trách bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức.

(Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014)

5. Phạm nhiều tội và phạm tội nhiều lần

- Phạm nhiều tội: Là trường hợp người phạm tội có nhiều hành vi khác nhau, mỗi hành vi cấu thành một tội hoặc trường hợp một hành vi phạm tội thoả mãn đồng thời nhiều cấu thành tội phạm cụ thể khác nhau.

- Phạm tội nhiều lần: Là trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội cùng tính chất và cùng xâm phạm một khách thể và các hành vi có sự cách nhau một khoảng thời gian nhất định.

(có 2 đánh giá)
Theo Quỳnh Ny
3.545