Đã là dân luật thì không được nhầm lẫn các thuật ngữ này

(có 2 đánh giá)

Việc hiểu nhầm các thuật ngữ trong pháp luật có thể dẫn đến nhiều hậu quả pháp lý khác nhau, thậm chí có những hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Bài viết dưới đây sẽ phân biệt các thuật ngữ dễ nhầm lẫn trong ngành Luật.

>> Nguồn gốc và những đặc trưng cơ bản của pháp luật

>> Phân biệt nghi can, nghi phạm

1. Chánh án và Chánh tòa

-  Chánh án là người đứng đầu tòa án nhân dân.

Chánh án TANDTC do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm.

Chánh án TAND địa phương do Chánh án TANDTC bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

-  Chánh tòa là người đứng đầu tòa chuyên trách của TANDTC và TAND cấp tỉnh. Chánh tòa do Chánh án TAND nơi có tòa chuyên trách bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức.

(Luật tổ chức tòa án nhân dân 2014)

2. Thời hạn và thời hiệu

-  Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra.

-  Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.

(Điều 144, Điều 149 Bộ luật dân sự 2015)

3. Hoa lợi và lợi tức

-  Hoa lợi: là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại (Ví dụ: Tài sản là 1 con lợn, khi lợn sinh con thì lợn con chính là hoa lợi).

-  Lợi tức: các khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản (Ví dụ: tài sản là 1 căn hộ, lợi tức sẽ là số tiền nhận được từ việc cho thuê căn hộ đó hàng tháng).

4. Đầu thú và tự thú

-  Tự thú là tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Người nào bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể, nhưng trong quá trình Điều tra đã tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện, thì cũng được coi là tự thú đối với việc tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội của mình mà chưa bị phát hiện.

-  Đầu thú là có người đã biết mình phạm tội, nhưng biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện để cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

(Mục 7 Phần I Công văn 81/2002/TANDTC)

5. Hành vi trái pháp luật và Hành vi vi phạm pháp luật

-  Hành vi trái pháp luật là hành vi thực hiện không đúng quy định của pháp luật, được biểu hiện dưới dạng: làm 1 việc mà pháp luật cấm, không làm 1 việc mà pháp luật buộc phải làm, làm 1 việc vượt quá giới hạn pháp luật cho phép.

-  Hành vi vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, có lỗi và xâm hại đến quan hệ xã hội mà pháp luật bảo vệ.

Như vậy, hành vi vi phạm pháp luật trước hết phải là hành vi trái pháp luật, nhưng hành vi trái pháp luật chưa chắc đã là hành vi vi phạm pháp luật.

6. Công chứng và chứng thực

-  Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

(Khoản 1 Điều 2 Luật công chứng 2014)

-  Chứng thực là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.

(Khoản 2 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP)

7. Giám đốc thẩm và tái thẩm

- Giám đốc thẩm là việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị.

Trong tố tụng dân sự và hình sự, chúng ta sẽ có những khái niệm cụ thể như sau:

- Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ quy định tại Điều 326 của Bộ luật dân sự.

(Điều 325 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)

- Giám đốc thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án.

- Tái thẩm là việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa đã có hiệu lực nhưng có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung của vụ án (sự kiện khách quan).

(Điều 351 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Điều 290 BLTTHS 2003)

8. Miễn nhiệm và bãi nhiệm

- Miễn nhiệm là việc cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm (bản chất là hình thức giải quyết cho thôi việc, không giữ chức vụ đó nữa).

Lý do được miễn nhiệm:

- Không đủ sức khỏe;

- Không đủ năng lực, uy tín;

- Theo yêu cầu nhiệm vụ;

- Vì lý do khác.

(Luật cán bộ, công chức 2008)

-  Bãi nhiệm là (Chế tài kỷ luật) buộc thôi giữ chức vụ do bầu cử trước khi hết nhiệm kì đối với người được giao giữ chức vụ có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm về phẩm chất đạo đức, không còn xứng đáng giữ chức vụ được giao ở các cơ quan nhà nước.

(Luật cán bộ công chức 2008, Hiến pháp 2013)

9. Phạm nhiều tội và phạm tội nhiều lần

- Phạm nhiều tội

BLHS không quy định cụ thể khái niệm như thế nào là “phạm nhiều tội”. Tuy nhiên, Khoa học luật hình sự từ trước tới nay đều thừa nhận có hai trường hợp phạm nhiều tội.

Thứ nhất, trường hợp người phạm tội có nhiều hành vi khác nhau, mỗi hành vi cấu thành một tội. Ví dụ: bị cáo phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, sau đó lại phạm tội hiếp dâm.

Thứ hai, trường hợp một hành vi phạm tội thoả mãn đồng thời nhiều cấu thành tội phạm cụ thể khác nhau. Ví dụ: một người dùng súng bắn chết người khác là phạm hai tội: tội giết người và tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Một hành vi phạm tội thoả mãn đồng thời nhiều cấu thành tội phạm gồm có các trường hợp sau:

Một hành vi phạm tội đồng thời thoả mãn dấu hiệu của hai cấu thành tội phạm cụ thể khác nhau

Một hành vi phạm tội vừa thoả mãn một cấu thành tội phạm cụ thể vừa thoả mãn cấu thành tội phạm của hành vi đồng phạm của một tội cụ thể khác.

Một hành vi phạm tội đồng thời thoả mãn hai cấu thành tội phạm của hành vi đồng phạm của hai tội khác nhau.

- Phạm tội nhiều lần:

Là trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội cùng tính chất và cùng xâm phạm một khách thể và các hành vi có sự cách nhau một khoảng thời gian nhất định

Đối với tình tiết “phạm tội nhiều lần” tùy theo tội sẽ có hướng dẫn cụ thể:

Ví dụ: Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người" quy định tại điểm c khoản 1 Điều 104 của BLHS được hiểu là trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người từ hai lần trở lên hoặc của hai người trở lên (có thể một lần, có thể nhiều lần đối với mỗi người) và trong các lần đó chưa có lần nào bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu xử lý hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. (Theo Điểm 3.2 Điều 3 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP).

(Theo Cổng TTĐT Bộ Tư pháp)

10. “Sử dụng pháp luật" và "Áp dụng pháp luật"

- Sử dụng pháp luật là một hình thức của thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể thực hiện quyền của mình do pháp luật quy định.

Ví dụ: Ông B làm đơn khiếu nại gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền tức là ông B đang sử dụng pháp luật vì pháp luật quy định: công dân có quyền khiếu nại

- Áp dụng pháp luật là một hình thức của thực hiện pháp luật, trong đó chủ thể áp dụng pháp luật chỉ có thể là cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.

Ví dụ: Ông C đến UBND phường để đăng ký khai sinh cho con. Khi đó đại diện UBND phường xem xét sự việc để cấp giấy khai sinh cho con ông C, hoạt động này được gọi là áp dụng pháp luật.

11. Bị can và bị cáo

-  Bị can là người đã bị khởi tố về hình sự (sau giai đoạn khởi tố tùy trường hợp mà có thể bị đưa ra xét xử hoặc không).

-  Bị cáo là người đã bị Toà án quyết định đưa ra xét xử.

12. Chia doanh nghiệp và tách doanh nghiệp

-  Chia doanh nghiệp là hình thức chia các cổ đông, thành viên và tài sản công ty để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới.

Ví dụ: A -> B + C (Trong đó: A. công ty bị chia; B, C. công ty mới). Sau khi chia, công ty A chấm dứt hoạt động.

- Tách doanh nghiệp là hình thức doanh nghiệp chuyển một phần tài sản của mình hiện có để thành lập một hoặc một số công ty mới.

Ví dụ: A -> A + B + C (Trong đó: A. công ty bị tách; B, C. công ty mới). Sau khi tách doanh nghiệp A bị tách vẫn tiếp tục hoạt động.

(Luật doanh nghiệp 2014)

13. Luật sư và luật gia

-  Luật sư là Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư; đã được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư và và gia nhập một Đoàn luật sư.

(Luật luật sư 2006 (đã được SĐ, BS)

- Luật gia là thuật ngữ dùng để chỉ thành viên của Hội luật gia việt Nam, là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, đã hoặc đang làm công tác pháp luật trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức văn hoá, tổ chức giáo dục, đơn vị vũ trang nhân dân với thời gian từ ba năm trở lên, tán thành điều lệ Hội (luật gia không cần tham gia lớp đào tạo nghề luật sư và thi để được cấp chứng chỉ hành nghề).

(Điều lệ Hội luật gia Việt Nam)

14. Ngoại tệ và ngoại hối

Ngoại tệ là Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực.

Ngoại hối là một thuật ngữ pháp lý rộng và bao gồm trong đó cả ngoại tệ. Ngoại hối bao gồm: ngoại tệ, phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, Vàng dự trữ ngoại hối của Nhà nước, đồng tiền Việt Nam (VNĐ) được đưa vào hoặc ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.

(Điều 6 Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam 2010)

15. Sáng chế và phát minh

- Phát minh là việc phát hiện ra một sự vật, hiện tượng, quy luật đã có sẵn trong tự nhiên.

- Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

(Khoản 12 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (đã SĐ, BS))

Hoặc có thể hiểu “Sáng chế là việc con người sáng tạo ra những thứ không có sẵn trong tự nhiên, hoặc có sẵn trong tự nhiên, nhưng con người tác động để biến đổi cái có sẵn đó phục vụ cho mục đích của con người”.

16. Nhãn hiệu và tên thương mại

- Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

((Khoản 16 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (đã SĐ, BS))

- Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

((Khoản 21 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (đã SĐ, BS))

17. Khiếu nại và khiếu kiện

- Khiếu kiện là việc thông qua con đường tố tụng, khởi kiện lên Tòa án để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Các loại khiếu kiện:

- Khiếu kiện quyết định hành chính

- Khiếu kiện hành vi hành chính

- Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc

- Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

- Khiếu kiện danh sách cử tri.

(Luật tố tụng hành chính 2015).

- Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (tức không thông qua con đường tố tụng).

(Khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại 2011)

18. Visa và hộ chiếu

- Hộ chiếu (Passport) là giấy chứng nhận do chính phủ một nước cấp (ở đây là Việt Nam) để công dân nước đó có quyền xuất cảnh đi nước khác và nhập cảnh trở về nước mình.

- Visa (thị thực nhập cảnh) là giấy chứng nhận của cơ quan nhập cư thuộc một quốc gia để xác minh bạn (hoặc một người nào đó) được cấp phép nhập cảnh vào quốc gia đó trong một khoảng thời gian quy định tùy trường hợp như nhập cảnh 1 lần hay nhiều lần.

Ví dụ: Một công dân Việt nam múôn qua Hàn quốc cần có Hộ chiếu (Việt Nam cấp) để được phép xuất cảnh, cần visa (Hàn Quốc cấp) để được phép nhập vào Hàn Quốc. Sau đó 1 lần nữa cần Hộ chiếu để có thể nhập cảnh khi quay trở về Việt Nam khi kết thúc chuyển du lịch..

19. Văn phòng công chứng và Phòng công chứng

- Phòng công chứng là tổ chức hành nghề công chứng do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng (Dân thường gọi là công chứng nhà nước).

- Văn phòng công chứng là tổ chức hành nghề công chứng được hoạt động theo quy định của Luật công chứng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh. Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn. (Dân thường gọi là công chứng tư)

(Luật công chứng 2014)

20. Bầu và bổ nhiệm

- Bổ nhiệm là việc người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cử cán bộ, công chức giữ một chức vụ lãnh đạo có thời hạn trong cơ quan, đơn vị.

Ví dụ: Chủ tịch nước bổ nhiệm Phó Chánh án TANDTC

(Điều 2 Quyết định 27/2003/QĐ-TTg)

- Bầu là việc chọn một người để đảm nhận một chức vụ theo nhiệm kì khi chức vụ đó do một tập thể quyết định.

Ví du: Quốc hội bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

(có 2 đánh giá)
Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
3.324 
Việc làm mới nhất