Những lợi ích và khó khăn khi học ngành luật mà sinh viên cần biết

(có 1 đánh giá)

Hiện tại em đang là sinh viên của ngành luật tại một trường đại học. Em muốn biết biết khi học ngành này sẽ có những lợi và khó nhăn nào cần phải biết? – Minh Hân (Nghệ An)

Ngành luật là một ngành học cung cấp kiến thức và kỹ năng về pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau như dân sự, hình sự, kinh tế,... Do đó khi theo học ngành này, sinh viên sẽ vừa có những lợi ích vừa vướng phải những khó khăn trong quá trình học tập.

Những lợi ích và khó khăn khi học ngành luật mà sinh viên cần biết

Những lợi ích và khó khăn khi học ngành luật mà sinh viên cần biết (Hình từ Internet)

1. Ngành luật là ngành gì?

Ngành luật là một ngành học cung cấp kiến thức và kỹ năng về pháp luật. Khi theo học ngành này, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức về các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau như dân sự, hình sự, kinh tế,... Ngoài ra còn được rèn luyện các kỹ năng tư duy logic, phân tích tổng hợp, giao tiếp, thuyết trình,...

Khi tốt nghiệp ngành luật, cơ hội việc làm đến với sinh viên rất đa dạng ở nhiều vị trí, nơi làm việc khác nhau, từ cơ quan hành chính nhà nước cho đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước, có thể kể đến một số ngành, nghề liên quan đến ngành luật như:

- Luật sư: Luật sư là người đại diện cho các cá nhân, tổ chức để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trước pháp luật.

- Cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước: Các cơ quan nhà nước như tòa án, viện kiểm sát, cơ quan công an,... luôn cần đến nguồn nhân lực có trình độ luật.

- Chuyên viên pháp lý trong các doanh nghiệp, tổ chức: Các doanh nghiệp, tổ chức cần đến các chuyên viên pháp lý để tư vấn, giải quyết các vấn đề pháp lý.

2. Những lợi ích và khó khăn khi học ngành luật mà sinh viên cần biết

Chính vì đây là một ngành tổng hợp nhiều kiến thức về tất cả các quy định pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau ở hệ thống pháp luật Việt Nam cho nên cần phải đòi hỏi sự nghiêm túc, chăm chỉ và khả năng tư duy logic tốt từ người mong muốn theo học hoặc đang trong quá trình học tập tại các cơ sở đào tạo ngành luật.

Sau đây là một số khó khăn và thuận lợi của ngành luật mà sinh viên cần biết để có thể làm chủ được ngành học này:

2.1. Thuận lợi

(1) Được trang bị những kỹ năng mềm cần thiết

Sinh viên theo ngành luật sẽ được trang bị các kỹ năng mềm chủ yếu như sau:

- Kỹ năng Nghiên cứu: Trong quá trình học, sinh viên được tiếp cận với vô vàn nguồn kiến thức, đòi hỏi sự nghiên cứu chuyên sâu để hiểu rõ và phân tích từng nội dung vấn đề, đồng thời sàng lọc những kiến thức đó và diễn đạt chúng một cách rõ ràng, mạch lạc bằng những thuật ngữ pháp lý.

- Kỹ năng Trình bày, thuyết phục: Sinh viên được rèn luyện kỹ năng trình bày, thuyết phục khi tham gia vào các cuộc debate, thuyết trình các dự án, nghiên cứu khóa học, các chương trình ngoại khóa như các phiên tòa giả định, hội thảo, tọa đàm,…

- Kỹ năng Viết: Bản chất việc học Luật là viết nhiều, được rèn luyện từng ngày qua các bài học trên lớp hay các bài tiểu luận, bài thi. Vì vậy, kỹ năng viết của sinh viên được cải thiện trước và sau rõ rệt, kèm theo đó là kỹ năng đọc hiểu cũng được phát triển hơn.

(2) Có thể vận dụng kiến thức trong mọi lĩnh vực ở cuộc sống

Tất cả mọi hoạt động trong xã hội đều có sự có mặt của pháp luật, luật pháp bao trùm lên mọi lĩnh vực, quan hệ. Khi học ngành luật, sinh viên không chỉ trau dồi, tích lũy nhiều kiến thức liên quan đến pháp luật mà trong quá trình học tập, sinh viên còn có thể tiếp cận nhiều môn học bổ túc ở các ngành học khác như tài chính – ngân hàng, văn hóa – xã hội, kinh tế,... Điều này sẽ giúp sinh viên có thêm nhiều vốn kiến thức khác nhau có thể vận dụng trong quá trình học tập hoặc đi làm ở các lĩnh vực đó.

Từ đó cho thấy việc hiểu biết pháp luật không bao giờ là dư thừa và các kiến thức học được có thể vận dụng trong công việc của mình với mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực.

(3) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, gia đình và cộng đồng

Khi học ngành luật, sinh viên sẽ biết được những quy định của pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau như dân sự, hình sự, kinh tế,... Từ đó, hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức và cách giải quyết các vấn đề pháp lý một cách hiệu quả, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đôi bên.

Từ đó cho thấy, nếu có nền tảng pháp luật vững vàng thì khi gặp một vấn đề xảy ra trong cuộc sống mà gia đình và cộng đồng cần phải nhờ sự can thiệp của pháp luật thì chính những sinh viên ngành luật có thể đưa ra những ý kiến, những tư vấn cơ bản cho những đối tượng này.

2.2. Khó khăn

Bên cạnh những lợi ích nêu trên, thì việc học ngành này cũng xuất hiện một số khó khăn mà sinh viên khi theo học sẽ gặp phải.

(1) Tiếp nhận khối lượng kiến thức lớn và phức tạp

Với chương trình đào tạo ngành luật hiện nay, thì một sinh viên theo học có thể hoàn thành chỉ gói gọn trong 4 năm Đại học. Khi học ngành này, sinh viên sẽ tiếp cận và tìm hiểu hàng trăm ngàn văn bản pháp luật Việt Nam và hàng ngàn văn bản pháp lý quốc tế luôn có thể được sửa đổi bổ sung, việc học Luật sẽ không bao giờ có điểm kết. Chưa kể nếu có ý muốn học cao hơn, tiến xa hơn trong sự nghiệp thì cần thêm sự trau dồi, tìm kiếm nhiều văn bản pháp luật ở nước khác trên thế giới.

Qua đó, sinh viên theo học ngành này cần có khả năng học tập, tiếp thu tốt, có lối tư duy, tổng hợp để nắm vững kiến thức cơ bản, sau đó nâng dần các kiến thức chuyên môn.

(2) Ngôn ngữ pháp lý khó hiểu

Vì đây là ngành học có tính đặc thù cho nên khi tiếp cận hàng ngàn văn bản pháp luật ở Việt Nam lẫn thế giới, sinh viên có thể phải tiếp nhận cho mình nhiều thuật ngữ pháp lý khó hiểu, có tính nội hàm chuyên sâu. Khi đó, yêu cầu sinh viên phải nắm bắt đúng và đẩy đủ ý nghĩa của những từ ngữ này để khi vận dụng vào cuộc sống không bị sai lệch, hạn chế rủi ro, hệ quả khác có thể xảy ra.

(3) Yêu cầu cao về đạo đức nghề nghiệp

Đạo đức nghề nghiệp của ngành luật là những chuẩn mực về hành vi, ứng xử của người hành nghề luật, bao gồm luật sư, cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, chuyên viên pháp lý trong các doanh nghiệp, tổ chức.

Những yêu cầu cụ thể về đạo đức nghề nghiệp của ngành luật có thể kể đến như: Trung thực, liêm khiết; Trách nhiệm nghề nghiệp; Tận tụy, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng cần hỗ trợ pháp lý,...

Yêu cầu cao về đạo đức nghề nghiệp của ngành luật là yêu cầu tất yếu để đảm bảo tính công bằng, thượng tôn pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức và xây dựng hình ảnh đẹp của ngành luật.

(có 1 đánh giá)
Theo Trần Thanh Rin
6.298