Những điều quan trọng cần lưu ý khi thi vấn đáp ngành Luật
Thi vấn đáp là một những khó khăn của sinh viên ngành Luật, việc vấn đáp đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về lý thuyết cũng như các kỹ năng mềm để có thể đạt được điểm cao, vì vậy có thể cần chú ý một số vấn đề quan trọng trong bài viết dưới đây.
- 1. Tổng quan về thi vấn đáp ngành Luật
- Thi vấn đáp là gì?
- Vai trò của hình thức thi vấn đáp
- 2. Các câu hỏi thường gặp trong thi vấn đáp ngành Luật
- a. Câu hỏi về kiến thức lý thuyết nền tảng
- b. Câu hỏi về vận dụng pháp luật
- c. Câu hỏi về đánh giá, bình luận
- d. Câu hỏi mở:
- 3. Các mẹo trả lời khi thi vấn đáp ngành Luật
- a. Sự tự tin:
- b. Ứng biến linh hoạt
- c. Gây ấn tượng tốt cho giảng viên
1. Tổng quan về thi vấn đáp ngành Luật
Thi vấn đáp là gì?
Thi vấn đáp là một hình thức kiểm tra kiến thức, kỹ năng của người học thông qua việc giảng viên đặt câu hỏi và người học trực tiếp trả lời bằng miệng. Các câu hỏi chính thông thường sẽ được sắp xếp để người học lựa chọn một cách ngẫu nhiên (gọi là bốc đề thi), tuy nhiên bên cạnh đó cũng sẽ phát sinh những câu hỏi phụ liên quan để kiểm tra một cách toàn diện hơn về nội dung thi.
Vai trò của hình thức thi vấn đáp
Hình thức thi vấn đáp sẽ có những lợi ích sau mà các giảng viên muốn người học của mình có thể đạt được, điển hình nhất là:
- Đánh giá toàn diện: hình thức vấn đáp không chỉ đánh giá khả năng ghi nhớ kiến thức mà còn đánh giá khả năng tư duy, diễn đạt, ứng dụng kiến thức vào thực tế của người học. Đồng thời khi áp dụng hình thức này hầu như người học không thể gian lận được khi đứng trước sự giám sát 1-1 hoặc thậm chí nhiều hơn của giảng viên.
- Tương tác trực tiếp: Giúp giáo viên nắm bắt được những điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh để có phương pháp giảng dạy phù hợp.
- Phát triển kỹ năng mềm: Rèn luyện cho học sinh khả năng giao tiếp, tự tin, kỹ năng phản ứng, thuyết trình trước đám đông.
- Chuẩn bị cho tương lai: Giúp học sinh làm quen với các tình huống giao tiếp, phỏng vấn trong cuộc sống và công việc sau này, đặc biệt với ngành Luật có thể sẽ nhiều bạn sẽ phát biểu trực tiếp tại các phiên Tòa với nhiều tư cách tố tụng khác nhau.
Tóm lại, thi vấn đáp là một hình thức thi hữu ích, giúp người học phát triển toàn diện. Để đạt kết quả cao trong hình thức thi này, người học cần kết hợp giữa kiến thức vững vàng, kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng mềm khác thật tốt.
Những điều quan trọng cần lưu ý khi thi vấn đáp ngành Luật (Hình từ Internet)
2. Các câu hỏi thường gặp trong thi vấn đáp ngành Luật
Bỏ qua các môn đại cương thì các môn vấn đáp về Luật nội dung, Luật chuyên ngành thông thường sẽ có những loại câu hỏi sau:
a. Câu hỏi về kiến thức lý thuyết nền tảng
Các câu hỏi về kiến thức lý thuyết nền tảng hầu như đều sẽ có trong các câu hỏi chính. Thông thường sẽ có các dạng câu hỏi như sau:
Định nghĩa: Yêu cầu bạn định nghĩa các khái niệm pháp lý cơ bản như: pháp luật, nhà nước, quyền, nghĩa vụ, hợp đồng, tội phạm… Các câu hỏi này thì thường khá dễ trả lời, miễn các bạn nắm rõ được các quy định pháp luật thì đa phần đều có thể trả lời được.
Đặc trưng: Hỏi về các đặc trưng, tính chất của các chế định pháp lý. Ví dụ: Đặc trưng của hợp đồng dân sự, các yếu tố cấu thành tội phạm… Các câu hỏi này sẽ mở rộng ra một chút ngoài quy định pháp luật, ngoài việc nắm rõ quy định thì các bạn còn phải biết phân tích, diễn giải một cách phù hợp và nếu có thể liên hệ các ví dụ thực tế thì gần như đã có thể đạt trọn vẹn điểm của câu hỏi này
Phân loại, so sánh: Yêu cầu phân loại các loại hình pháp luật, các loại tội phạm, các hình thức bảo đảm thực hiện hợp đồng… Với dạng câu hỏi này các bạn cần nắm vững lý thuyết căn bản của các đối tượng cần phân biệt. Thông thường đề thi vấn đáp được đưa ra chủ yếu sẽ nhắm vào các đối tượng có sự tương đồng nhất định với nhau và yêu cầu phải so sánh được giữa chúng. Ví dụ một số câu hỏi như:
- Luật Doanh nghiệp: Phân biệt các loại hình doanh nghiệp; Công ty TNHH MTV và doanh nghiệp tư nhân khác nhau chỗ nào; Cổ đông sáng lập và cổ đông phổ thông có quyền lợi khác nhau như thế nào…
- Luật Thuế: phân biệt giữa các loại thuế; phân biệt các loại thu nhập chịu thuế TNCN, thuế suất của từng loại…
- Bộ Luật hình sự: phân biệt các loại tội phạm như trộm và cướp, cố ý gây thừng tích và giết người…
- Bộ Luật dân sự: phân biệt hủy hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng; phân biệt thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật…
b. Câu hỏi về vận dụng pháp luật
Giải quyết tình huống cụ thể: Đưa ra một tình huống pháp lý cụ thể và yêu cầu bạn phân tích, áp dụng các quy định pháp luật để giải quyết. Ví dụ trình tự, thủ tục để khởi kiện một vụ án dân sự bao gồm xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án nào, trình tự, thủ tục khởi kiện ra sao, chuẩn bị tài liệu, chứng cứ và những nội dung gì để Tòa án chấp thuận yêu cầu khởi kiện của mình…
Phân tích án lệ: Đưa ra một bản án và yêu cầu bạn phân tích cách tòa án áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án.
Soạn thảo văn bản pháp lý: Yêu cầu bạn soạn thảo một hợp đồng, đơn kiện, đơn kháng cáo...
c. Câu hỏi về đánh giá, bình luận
Đánh giá tính hợp lý của một quy định pháp luật: Đưa ra một quy định pháp luật và yêu cầu bạn đánh giá tính hợp lý, hiệu quả của quy định đó trong thực tiễn.
Đánh giá một vụ án, tính huống pháp lý: Đánh giá về quyết định của tòa án, cơ quan có thẩm quyền giải quyết và chỉ ra những điểm còn chưa hợp lý.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật: Đưa ra những kiến nghị để hoàn thiện hệ thống pháp luật.
d. Câu hỏi mở:
Câu hỏi về xu hướng phát triển của pháp luật: Thảo luận về những vấn đề pháp lý mới nổi, những thách thức mà pháp luật phải đối mặt.
Câu hỏi về quan điểm cá nhân: Yêu cầu bạn trình bày quan điểm của mình về một vấn đề pháp lý nào đó.
3. Các mẹo trả lời khi thi vấn đáp ngành Luật
Để thi vấn đáp được hiểu quả, các bạn có thể cần nắm một số mẹo sau:
a. Sự tự tin:
Đây là điều quan trọng nhất của một cuộc thi vấn đáp vì khi tự tin bạn sẽ:
Tập trung cao độ: Bạn sẽ dễ dàng tập trung vào câu hỏi, phân tích và đưa ra câu trả lời một cách chính xác và mạch lạc.
Trình bày rõ ràng: Bạn sẽ tự tin diễn đạt ý tưởng của mình một cách lưu loát, dễ hiểu, gây ấn tượng tốt với người chấm thi.
Ứng biến linh hoạt: Khi gặp câu hỏi bất ngờ, bạn sẽ bình tĩnh, tự tin tìm ra cách giải quyết.
Tạo ấn tượng tốt: Sự tự tin thể hiện qua thái độ, giọng nói, ánh mắt sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt người chấm thi.
Còn nếu thiếu tự tin bạn sẽ gặp các vấn đề sau:
Dễ bị căng thẳng: Căng thẳng sẽ khiến bạn quên kiến thức, trả lời lan man, thậm chí còn mắc những lỗi sai không đáng có.
Trình bày lúng túng: Bạn sẽ khó diễn đạt ý tưởng của mình một cách rõ ràng, gây khó khăn cho người chấm thi trong việc đánh giá.
Dễ bị mất bình tĩnh: Khi gặp câu hỏi khó, bạn sẽ dễ bị mất bình tĩnh, dẫn đến trả lời sai hoặc bỏ qua câu hỏi.
Và để bổ sung sự tự tin cho mình thì ngoài việc chuẩn bị bài thật tốt, các bạn có thể dò hỏi trước những người thi trước đó để nắm thêm về các nội dung câu hỏi, tính cách của giảng viên như thế nào để chuẩn bị tâm lý. Còn nếu bạn là những thí sinh đầu tiên thì, ừm,… cố gắng lên thôi.
b. Ứng biến linh hoạt
Thông thường ngoài các câu hỏi chính thì các giảng viên đều sẽ hỏi các câu hỏi phụ để chấm điểm cao hoặc vớt vát thêm điểm cho bạn. Và đa phần các câu hỏi này đều nằm ngoài sự chuẩn bị trong sách vở, có thể là các câu hỏi mở hoặc những câu hỏi mang tính quan điểm.
Vì vậy nếu gặp những dạng câu hỏi này thì nên lựa chọn một hướng mà mình cảm thấy dễ phân tích nhất và đi theo hướng đó để bảo vệ cho quan điểm của mình. Các dạng câu hỏi này thường sẽ không có đúng sai hoàn toàn, do đó không cần quá quan tâm đến việc đúng hay sai mà chỉ cần mình đưa ra được những căn cứ và trình bày một cách rõ ràng, bảo vệ được quan điểm của mình, thể hiện được kỹ năng tư duy, phản biện của mình là đã có thể lấy điểm được từ giảng viên.
Bên cạnh đó khi vấn đáp cũng cần phải biết chú ý sắc mặt, thái độ của giảng viên cũng như để ý kỹ các gợi ý của giảng viên, hãy lắng nghe và kiểm tra lại câu trả lời của mình, điều chỉnh cho phù hợp.
c. Gây ấn tượng tốt cho giảng viên
Như đã nói thì thi vấn đáp không chỉ chấm điểm hoàn toàn dựa trên nội dung câu trả lời mà sẽ còn dựa vào tác phong, giọng nói, cách trình bày… của bản thân. Do đó đừng ngần ngại thể hiện sự tự tin của mình để gây ấn tượng tốt với giảng viên.
Bên cạnh đó cũng cần diện trang phục lịch sự, phù hợp thể hiện sự tôn trọng với giảng viên, đồng thời đừng quên chào và cảm ơn giảng viên khi bắt đầu và khi kết thúc cuộc vấn đáp.
Ấn tượng tốt với giảng viên có thể sẽ giúp bạn có thêm được một ít điểm, đừng bỏ lỡ nhé!
Tags:
kỹ năng Thi vấn đáp ngành luật Vấn đáp luật Phỏng vấn luật Tuyển sinh luật Chuẩn bị thi luật Kỹ năng phỏng vấn luật Mẹo thi vấn đáp luật-
04 điều cần biết để trở thành nhân viên hành chính nhân sự
Cập nhật 7 tháng trước -
Thư ký là gì? Điều kiện để trở thành thư ký năm 2024
Cập nhật 7 tháng trước -
Những kỹ năng sinh viên cần có trước khi ra trường
Cập nhật 1 năm trước -
Các kỹ năng trong CV thu hút nhà tuyển dụng
Cập nhật 1 năm trước -
Kỹ năng cần có để trở thành một Luật sư giỏi
Cập nhật 1 năm trước -
7 kỹ năng cần thiết cho sinh viên ngành Luật
Cập nhật 1 năm trước
-
Mức lương của Trưởng phòng pháp chế là bao nhiêu?
Cập nhật 9 ngày trước -
Bộ phận pháp lý của công ty có vai trò gì?
Cập nhật 1 tháng trước -
Mục đích của soạn thảo hợp đồng là gì? Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng đúng chuẩn?
Cập nhật 1 tháng trước -
Thông báo về việc tổ chức Kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng lần thứ năm?
Cập nhật 1 tháng trước -
Bản kiểm điểm cá nhân Đảng viên cuối năm 2024 phải nộp khi nào?
Cập nhật 1 tháng trước -
Cách viết Bản kiểm điểm cá nhân lãnh đạo quản lý chi tiết? Mẫu Bản kiểm điểm cá nhân lãnh đạo quản lý mới nhất?
Cập nhật 1 tháng trước