Những điều cần biết về người làm công tác pháp chế nhà nước?

(có 2 đánh giá)

Người làm công tác pháp chế nhà nước có những ai? Những điều cần biết về người làm công tác pháp chế nhà nước? Đối với những người hiện đang làm công tác pháp chế nhà nước mà chưa có trình độ cử nhân luật thì có được tiếp tục hành nghề không? câu hỏi của anh M (Huế).

Người làm công tác pháp chế nhà nước gồm những ai?

Người làm công tác pháp chế được hiểu là những cá nhân đảm nhiệm nghiên cứu, soạn thảo, thẩm định, và phổ biến văn bản pháp luật, hoạt động trong các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp.

Cụ thể tại Điều 11 Nghị định 55/2011/NĐ-CP có quy định người làm công tác pháp chế nhà nước gồm các đối tượng sau:

Người làm công tác pháp chế

Người làm công tác pháp chế bao gồm:

1. Công chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Cán bộ pháp chế được điều động, tuyển dụng vào tổ chức pháp chế ở các đơn vị quân đội nhân dân, công an nhân dân.

3. Viên chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập.

4. Nhân viên pháp chế được tuyển dụng theo chế độ hợp đồng lao động vào tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước.

Theo đó, người làm công tác pháp chế nhà nước bao gồm 04 đối tượng sau:

- Công chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Cán bộ pháp chế được điều động, tuyển dụng vào tổ chức pháp chế ở các đơn vị quân đội nhân dân, công an nhân dân.

- Viên chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập.

- Nhân viên pháp chế được tuyển dụng theo chế độ hợp đồng lao động vào tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước.

Những điều cần biết về người làm công tác pháp chế nhà nước?

Những điều cần biết về người làm công tác pháp chế nhà nước? (Hình từ Internet)

Tiêu chuẩn, chế độ của người làm công tác pháp chế nhà nước được quy định thế nào?

Tiêu chuẩn và chế độ của người làm công tác pháp chế nhà nước được quy định tại Điều 12 Nghị định 55/2011/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Yêu cầu về tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế

- Công chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải là công chức từ ngạch chuyên viên và tương đương, có trình độ cử nhân luật trở lên.

- Viên chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập phải là viên chức có chức danh nghề nghiệp, có trình độ cử nhân luật trở lên.

- Người đứng đầu tổ chức pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên và có ít nhất năm năm trực tiếp làm công tác pháp luật.

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào tiêu chuẩn của công chức, viên chức pháp chế quy định tại điểm a và điểm b khoản này, hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn đối với cán bộ pháp chế trong quân đội nhân dân và công an nhân dân.

Chế độ của người làm công tác pháp chế nhà nước

- Công chức, cán bộ và viên chức pháp chế quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 11 Nghị định 55/2011/NĐ-CP được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế.

Lưu ý: Doanh nghiệp nhà nước có thể vận dụng tiêu chuẩn, chế độ của người làm công tác pháp chế quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để lựa chọn, bố trí, sử dụng và quyết định chế độ đối với nhân viên pháp chế.

Đối với những người hiện đang làm công tác pháp chế nhà nước mà chưa có trình độ cử nhân luật thì có được tiếp tục hành nghề không?

Tại Điều 17 Nghị định 55/2011/NĐ-CP và Điều 18 Nghị định 55/2011/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 17. Quy định chuyển tiếp

1. Trong thời hạn mười hai tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước hoàn thành việc kiện toàn tổ chức pháp chế thuộc phạm vi quản lý của mình.

2. Đối với những người hiện đang làm công tác pháp chế mà chưa có trình độ cử nhân luật thì phải tham gia chương trình đào tạo về pháp luật và bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế do Bộ Tư pháp tổ chức.

Sau năm năm, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, người làm công tác pháp chế phải có trình độ cử nhân luật.

Điều 18. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 8 năm 2011 và thay thế Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Như vậy, đối với những người hiện đang làm công tác pháp chế nhà nước mà chưa có trình độ cử nhân luật thì phải tham gia chương trình đào tạo về pháp luật và bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế do Bộ Tư pháp tổ chức.

Ngoài ra cần lưu ý, kể từ 25 tháng 8 năm 2016, người làm công tác pháp chế nhà nước bắt buộc phải có trình độ cử nhân luật.

(có 2 đánh giá)
Theo Phạm Thị Xuân Hương
3.211