Người lao động thất nghiệp được Nhà nước hỗ trợ những chính sách nào?

(có 1 đánh giá)

Hiện nay, Nhà nước có những chính sách gì về việc làm cho người lao động? Nếu người lao động thất nghiệp sẽ được Nhà nước hỗ trợ những chính sách gì để giải quyết việc làm? Thắc mắc đến từ bạn Thanh Tùng ở Biên Hòa.

Nhà nước có những chính sách gì về việc làm cho người lao động?

Căn cứ theo Điều 5 Luật Việc làm 2013 quy định như sau:

- Có chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo việc làm cho người lao động, xác định mục tiêu giải quyết việc làm trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách về việc làm.

- Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia tạo việc làm và tự tạo việc làm có thu nhập từ mức lương tối thiểu trở lên nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển thị trường lao động.

- Có chính sách hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp.

- Có chính sách đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gắn với việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

- Có chính sách ưu đãi đối với ngành, nghề sử dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hoặc sử dụng nhiều lao động phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

- Hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, lao động nữ, lao động là người dân tộc thiểu số.

Người lao động thất nghiệp được Nhà nước hỗ trợ những chính sách nào?

Người lao động thất nghiệp được Nhà nước hỗ trợ những chính sách nào? (Hình từ Internet)

Người lao động thất nghiệp được Nhà nước hỗ trợ những chính sách nào?

Căn cứ theo Điều 10 Luật Việc làm 2013, Nhà nước hỗ trợ tín dụng ưu đãi để tạo việc làm:

Tín dụng ưu đãi tạo việc làm

Nhà nước thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác.”

Theo đó, chính sách này áp dụng đối với các đối tượng tại Điều 12 Luật Việc làm 2013 như sau:

Đối tượng vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm

1. Đối tượng được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm bao gồm:

a) Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh;

b) Người lao động.

2. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc các trường hợp sau đây được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm với mức lãi suất thấp hơn:

a) Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số;

b) Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật.”

Đồng thời, để được hưởng chính sách giải quyết việc làm này, các đối tượng nêu trên cần đáp ứng điều kiện tại Điều 13 Luật Việc làm 2013 như sau:

Điều kiện vay vốn

1. Đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành, nghề sản xuất kinh doanh, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định;

b) Dự án vay vốn có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án;

c) Có bảo đảm tiền vay.

2. Đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 của Luật này được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm hoặc thu hút thêm lao động có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án;

c) Cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án.

3. Chính phủ quy định mức vay, thời hạn, lãi suất cho vay, trình tự, thủ tục vay vốn và điều kiện bảo đảm tiền vay.”

Như vậy, người lao động sẽ được Nhà nước hỗ trợ chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm. Ngoài ra, còn có các chính sách khác nhằm hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động theo quy định của Luật Việc làm 2013 như sau:

- Chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn:

+ Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn;

+ Hỗ trợ học nghề cho người lao động ở khu vực nông thôn;

+ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tạo việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn

- Chính sách việc làm công: Chính sách việc làm công được thực hiện thông qua các dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cấp xã, bao gồm:

+ Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp;

+ Xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng;

+ Bảo vệ môi trường;

+ Ứng phó với biến đổi khí hậu;

+ Các dự án, hoạt động khác phục vụ cộng đồng tại địa phương.

- Các chính sách khác như:

+ Hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

+ Hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên;

+ Hỗ trợ phát triển thị trường lao động;

+ Các chính sách khác theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan.

Trong trường hợp người lao động bị thất nghiệp thì ngoài được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, người lao động được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm và được hỗ trợ học nghề khi đáp ứng các điều kiện quy định (Chương 6 Luật Việc làm 2013).

Nhà nước quản lý những nội dung gì về việc làm cho người lao động?

Căn cứ Điều 6 Luật Việc làm 2013 quy định cụ thể:

- Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về việc làm.

- Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về việc làm.

- Quản lý lao động, thông tin thị trường lao động, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và bảo hiểm thất nghiệp.

- Quản lý tổ chức và hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.

- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về việc làm.

- Hợp tác quốc tế về việc làm.

(có 1 đánh giá)
Theo Nguyễn Anh Hương Thảo
3.456 
Click vào đây để xem danh sách Việc làm ngành Luật hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm ngành Luật
Click vào đây để xem danh sách Việc làm ngành Luật hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm ngành Luật