Nếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo có thể bị phạt lên đến 30 triệu đồng

Đó là nội dung mới đáng chú ý được quy định tại Nghị định 82/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01.09.2020 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hỗ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Điều 12 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về các hành vi vi phạm liên quan đến công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch sẽ bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch;

b) Sử dụng giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Gian dối, không trung thực khi làm chứng hoặc phiên dịch;

b) Dịch không chính xác, không phù hợp với giấy tờ, văn bản cần dịch.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng; giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch để công chứng hợp đồng, giao dịch; giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng;

b) Yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo;

c) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng, giao dịch;

d) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng bản dịch;

đ) Cản trở hoạt động công chứng.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Công chứng là một dịch vụ pháp lý, có thể chỉ cần một sai sót nhỏ cũng gây thiệt hại lớn cả cho khách hàng và cho công chứng viên. Nhiệm vụ của các công chứng viên là phải đảm bảo an toàn tối đa cho các giao dịch, hợp đồng, văn bản mình công chứng, mà không được xảy ra bất cứ sai phạm nào nên việc áp dụng các quy định xử phạt cá nhân vi phạm về hành vi liên quan đến công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP mới ban hành là hoàn toàn hợp lý để tránh các rủi ro pháp lý sau này.

Mức phạt vi phạm tại Nghị định 82 mới ban hành được xem là mức phạt khá nặng so với quy định trước đó. Tại Nghị định 110/2013NĐ-CP quy định các mức phạt vi phạm liên quan đến công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch có khung hình phạt cao nhất là 10.000.000 đồng. Việc tăng mức phạt nặng nhằm biện pháp răng đe các cá nhân và giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra tại điều 12 Nghị định 82/2020/NĐ-CP cũng quy định cụ thể biện pháp khắc phục hậu quả khi xảy ra sai phạm như sau:

Buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm.

Buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo trên cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở về bản dịch đã được công chứng.

Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.

Để công chứng một hợp đồng, giao dịch, bản dịch thì trách nhiệm không chỉ nằm ở Công chứng viên mà còn ở vị trí người yêu cầu công chứng nên để có thể công chứng một cách chính xác, đảm bảo nhất thì cần phải tuân thủ các yêu cầu quy định của pháp luật.

Theo Quỳnh Ny
2.628 
Click vào đây để xem danh sách Tuyển dụng công chứng viên hoặc nhận thông báo thường xuyên về Tuyển dụng công chứng viên
Click vào đây để xem danh sách Tuyển dụng công chứng viên hoặc nhận thông báo thường xuyên về Tuyển dụng công chứng viên