Mẫu hợp đồng khoán việc mới nhất 2024?

(có 3 đánh giá)

Cách phân biệt hợp đồng lao động và hợp đồng khoán việc được quy định thế nào? Trường hợp người lao động tham gia hợp đồng khoán việc thì có phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không? Câu hỏi của chị U (Phan Thiết).

Mẫu hợp đồng khoán việc mới nhất 2024?

Mẫu hợp đồng khoán việc mới nhất 2024? (Hình từ Internet)

Hợp đồng khoán việc là gì? Phân biệt hợp đồng khoán việc với hợp đồng lao động?

Hiện nay, Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản liên quan không giải thích thế nào là hợp đồng khoán việc. Tuy nhiên, hợp đồng khoán việc có thể được hiểu là một loại hợp đồng dân sự, theo đó bên nhận khoán có nghĩa vụ hoàn thành công việc theo yêu cầu của bên giao khoán, bên giao khoán có nghĩa vụ trả thù lao cho bên nhận khoán khi công việc được hoàn thành.

Trong đó, hợp đồng khoán việc thường được áp dụng cho các công việc:

- Mang tính thời vụ: ngắn hạn, không ổn định.

- Có thể định lượng được khối lượng công việc: Các công việc mà sản phẩm làm ra có thể quy ra số lượng.

Ngoài ra, tùy thuộc đặc thù công việc mà hợp đồng khoán việc có thể được chia thành 02 loại chính:

(1) Hợp đồng khoán việc toàn bộ

Trong hợp đồng khoán việc toàn bộ, bên giao khoán giao toàn bộ công việc, bao gồm cả chi phí vật liệu, nhân công, công cụ lao động cho bên nhận khoán. Bên nhận khoán chỉ cần hoàn thành công việc theo yêu cầu của bên giao khoán, không cần phải lo lắng về các chi phí khác.

(2) Hợp đồng khoán việc từng phần

Trong hợp đồng khoán việc từng phần, người nhận khoán việc phải tự chuẩn bị các công cụ, dụng cụ để hoàn thành công việc; người khoán việc chỉ chi trả một khoản tiền công lao động, trong đó đã bao gồm tiền khấu hao công cụ, dụng cụ lao động.

Như vậy, hợp đồng khoán việc có những đặc thù khác với hợp đồng lao động, cụ thể:

Tiêu chí

Hợp đồng khoán việc

Hợp đồng lao động

Tính chất công việc

Thời vụ, ngắn hạn, không ổn định

Ổn định, lâu dài

Mức độ tự chủ

Cao

Thấp

Trách nhiệm hoàn thành công việc

Tự chịu trách nhiệm

Chịu trách nhiệm hoàn thành công việc được giao

Hình thức trả lương

Theo kết quả công việc

Theo thời gian làm việc

Quyền lợi

Không được hưởng các quyền lợi như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,...

Được hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật lao động

Quản lý

Không chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của bên giao khoán

Chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của bên sử dụng lao động

Mẫu hợp đồng khoán việc mới nhất 2024?

Hiện nay, pháp luật chưa quy định cụ thể về hợp đồng khoán việc. Tuy nhiên về cơ bản, hợp đồng khoán việc sẽ bao gồm những nội dung sau:

(1) Thông tin về các bên:

- Họ và tên, địa chỉ, số điện thoại, email của bên giao khoán và bên nhận khoán.

- Mã số thuế (nếu có) của bên giao khoán và bên nhận khoán.

(2) Nội dung công việc:

- Mô tả chi tiết công việc cần thực hiện.

- Khối lượng công việc (nếu có thể định lượng được).

- Chất lượng công việc yêu cầu.

- Thời gian hoàn thành công việc.

(3) Giá trị hợp đồng và phương thức thanh toán:

- Giá trị hợp đồng: số tiền thù lao mà bên giao khoán trả cho bên nhận khoán sau khi hoàn thành công việc.

- Phương thức thanh toán: thanh toán một lần hay thanh toán từng đợt.

- Thời hạn thanh toán.

(4) Trách nhiệm của các bên:

- Trách nhiệm của bên giao khoán: cung cấp đầy đủ thông tin, vật liệu, dụng cụ cần thiết cho bên nhận khoán thực hiện công việc; thanh toán thù lao cho bên nhận khoán theo đúng cam kết.

- Trách nhiệm của bên nhận khoán: hoàn thành công việc theo đúng yêu cầu về chất lượng, khối lượng và thời gian; chịu trách nhiệm về thiệt hại do mình gây ra trong quá trình thực hiện công việc.

(5) Các điều khoản khác:

- Quy định về bảo mật thông tin.

- Quy định về giải quyết tranh chấp.

- Hiệu lực của hợp đồng.

- Số lượng bản hợp đồng.

Dưới đây là mẫu hợp đồng khoán việc (chỉ mang tính chất minh họa):

Mẫu hợp đồng khoán việc

Tải về Mẫu hợp đồng khoán việc: Tải về

Người lao động tham gia hợp đồng khoán việc có bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội không?

Những đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định tại Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014, cụ thể gồm các đối tượng sau:

Đối tượng áp dụng

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

...

Theo quy định này thì người lao động kí hợp đồng khoán việc không thuộc một trong các đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Mặc dù vậy, hai bên khi giao kết hợp động khoán việc có thể thỏa thuận về việc người sử dụng lao động sẽ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Nếu có thỏa thuận đóng bảo hiểm xã hội, bên giao khoán có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho bên nhận khoán theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và đáp ứng các điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, mức đóng bảo hiểm xã hội và số tiền đóng bảo hiểm xã hội thì sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.

(có 3 đánh giá)
Theo Phạm Thị Xuân Hương
6.072