Mẫu đơn xin nghỉ việc mới nhất dành cho người lao động? Hướng dẫn cách viết đơn xin nghỉ việc?

(có 1 đánh giá)

Mẫu đơn xin nghỉ việc mới nhất hiện nay dành cho người lao động? Hướng dẫn cách cách viết đơn xin nghỉ việc? Người lao động phải báo trước bao nhiêu ngày trước khi nghỉ việc?

Mẫu đơn xin nghỉ việc mới nhất hiện nay dành cho người lao động?

Đơn xin nghỉ việc là một văn bản chính thức mà người lao động gửi cho người sử dụng lao động (công ty hoặc tổ chức) để thông báo về việc họ muốn chấm dứt hợp đồng lao động và rời khỏi công việc hiện tại.

Đơn xin nghỉ việc không chỉ thể hiện lý do muốn nghỉ việc mà còn đánh giá về mặt trách nhiệm, sự chuyên nghiệp của người lao động. Vì thế, trong bất kỳ hoàn cảnh nào và bất cứ lý do nào, trước khi nghỉ việc bạn cũng cần viết đơn xin nghỉ việc.

Bạn có thể tham khảo các mẫu đơn xin nghỉ việc file word đây:

Tải về Mẫu đơn xin nghỉ việc số 01

Mẫu đơn xin nghỉ việc số 1

 

Tải về Mẫu đơn xin nghỉ việc số 02

Mẫu đơn xin nghỉ việc số 2

Hướng dẫn cách viết đơn xin nghỉ việc?

Người lao động có thể tham khảo cách viết đơn xin nghỉ việc sau đây:

1) Phần mở đầu đơn xin nghỉ việc bắt buộc phải có Quốc hiệu và tiêu ngữ.

- Quốc hiệu: ghi trên văn bản là: "CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM" được trình bày bằng chữ in hoa, kiểu chữ đứng, đậm.

- Tiêu ngữ: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” được viết bằng chữ in thường, kiểu chữ đứng, đậm; được đặt canh giữa dưới quốc hiệu; chữ cái đầu của các cụm từ được viết hoa, giữa các cụm từ có gạch nối ngắn và có cách chữ; phía dưới có đường kẻ ngang, nét liền, có độ dài bằng độ dài của dòng chữ

- Cuối cùng là tên của văn bản ghi "ĐƠN XIN NGHỈ VIỆC" được viết dưới dạng chữ in hoa, cỡ chữ lớn.

2) Phần giữa của đơn xin nghỉ việc là phần nội dung chính của đơn xin nghỉ việc. Khi viết nội dung của đơn xin nghỉ việc, bạn cần trình bày đầy đủ các nội dung theo thứ tự sau:

(1) Nơi/người nhận đơn: ghi “Kính gửi…” ghi tên nơi nhận đơn hoặc người nhận đơn là các bộ phận/người có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết đơn xin nghỉ việc.

Ví dụ: Kính gửi: Ban giám đốc Công ty TNHH ABC/ Phòng nhân sự/ Trưởng phòng Marketing.

(2) Thông tin về bản thân: ghi "Tên tôi là… tuổi... chức vụ... bộ phận…. số CCCD/thẻ Căn cước, nơi ở…". Tùy thuộc theo yêu cầu từng đơn vị mà ghi mức độ chi tiết về thông tin;

(3) Trình bày nguyện vọng xin nghỉ việc và ghi rõ lý do xin nghỉ việc ngắn gọn;

(4) Ghi rõ thời gian bàn giao công việc và thời gian mong muốn được nghỉ việc;

(5) Ghi bàn giao công việc cho ai/ làm chức vụ gì;

(6) Ghi rõ nội dung các công việc được bàn giao;

(7) Lời cam kết về thông tin đã ghi trên là sự thật và được thực hiện;

(8) Lời cảm ơn và mong muốn đạt được nguyện vọng.

Tùy vào tình hình thực tế, nội dung hoặc thứ tự các nội dung của đơn nghỉ việc có thể tùy biến hoặc đơn giản hóa. Tuy nhiên, phần thời gian xin nghỉ và lý do xin nghỉ thì bắt buộc phải có và phải được ghi cụ thể.

3) Phần kết của đơn xin nghỉ việc là mục ký và ghi rõ họ tên của người làm đơn, bộ phận duyệt đơn và mục ghi ý kiến (nếu có).

Mẫu đơn xin nghỉ việc mới nhất dành cho người lao động? Hướng dẫn cách viết đơn xin nghỉ việc?

Mẫu đơn xin nghỉ việc mới nhất dành cho người lao động? Hướng dẫn cách viết đơn xin nghỉ việc? (Hình từ Internet)

Người lao động phải báo trước bao nhiêu ngày trước khi nghỉ việc?

Theo Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động, cụ thể như sau:

Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;

b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;

c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;

d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;

e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Như vậy trừ những trường hợp không cần báo trước như quy định trên, người lao động muốn nghỉ việc phải báo trước cho người sử dụng lao động:

- Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

- Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

- Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

- Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

(có 1 đánh giá)
Theo Nguyễn Thị Thanh Xuân
2.675