Mất sổ đỏ, sổ hồng là mất tài sản?

Sổ đỏ sổ, sổ hồng là loại giấy tờ vô cùng quan trọng để xác nhận quyền sở hữu tài sản: nhà, đất. Thế nhưng vì lí do nào đó mà chủ sở sổ đỏ, sổ hồng làm mất sổ hoặc bị trộm mất. Và thế là họ mang trong mình nỗi lo vì sợ người khác chuyển nhượng, thế chấp nhà đất của mình. Vậy mất sổ đỏ, sổ hồng có thật sự là mất tài sản không?

Sổ đỏ, sổ hồng là gì?

Sổ đổ, sổ hồng là người dân thường gọi để chỉ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất gọi tắt là Giấy chứng nhận.

Để mọi người khỏi phải hoang mang thì chúng tôi sẽ trả lời luôn là nếu lỡ làm mất sổ đỏ, sổ hồng thì người dân không phải quá lo lắng vì những lý do sau:

Sổ đỏ không phải là tài sản

Khoản 1 Điều 105 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Điều 115 Bộ luật này cũng quy định rõ quyền tài sản như sau:

"Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác".

Theo đó, quyền sử dụng đất là tài sản, còn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là tài sản.

Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định về Giấy chứng nhận như sau:

“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.

Như vậy, Giấy chứng nhận chỉ là giấy tờ ghi nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp (tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng khác). Hay nói cách khác, nếu mất Giấy chứng nhận thì chỉ mất giấy tờ ghi nhận quyền tài sản chứ không mất tài sản.

Vẫn được cấp lại Giấy chứng nhận khi bị mất

Căn cứ Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, khi bị mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại.

Hộ gia đình, cá nhân có Giấy chứng nhận bị mất phải khai báo với UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, trừ trường hợp mất do thiên tai, hỏa hoạn.

Sau khi tiếp nhận khai báo của hộ gia đình, cá nhân thì UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở.

Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo, hộ gia đình, cá nhân bị mất Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại.

Người khác không được chuyển nhượng, cho, tặng

Căn cứ Bộ Luật Dân sự 2015 và khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai 2013, mặc dù người sử dụng đất không có quyền định đoạt quyền sử dụng đất nhưng được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn khi có đủ điều kiện.

Theo khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013, việc chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất chỉ có hiệu lực khi được đăng ký vào sổ địa chính của cơ quan đăng ký đất đai. Mặt khác, việc chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp chỉ được thực hiện bởi chính người sử dụng đất hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.

Như vậy, khi Giấy chứng nhận bị mất thì người đang chiếm giữ Giấy chứng nhận cũng không thể chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, nhà ở nếu không có ủy quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Nỗi lo sổ đỏ, sổ hồng của mình bị người khác lấy cắp mang đi cầm cố, thế chấp tài sản

Đầu tiên chúng ta cần phải tìm hiểu thế nào là cầm cố và thế chấp tài sản

Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.”

Như là tôi cầm cố điện thoại, cầm cố xe máy cho bên nhận cầm cố để vay một khoản tiền

Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

 (Căn cứ quy định tại Điều 309 và 317 Bộ luật dân sự năm 2015)

Việc kẻ trộm lấy cắp Giấy chứng nhận đem đi vay một khoản tiền thì bản chất đó là thực hiện hợp đồng thế chấp tài sản hay nói rõ hơn là thế chấp quyền tài sản. Vì làm sao kẻ trộm có thể bưng nguyên mảnh đất căn nhà bạn đang ở mang đi cầm cố được đúng không nào.

Lại phải nói tiếp theo luật định thì người muốn thế chấp tài sản chỉ có thể dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ.

Khổ nỗi kẻ trộm có phải là chủ sở hữu giấy chứng nhận đâu thế nên khó có nơi nào cho hắn thế chấp tài sản đó. Và nếu có đi nữa thì khi điều tra ra được người lấy hay nơi nhận thế chấp giấy chứng nhận trên thì bạn có thể khiếu nại yêu cầu Tòa án tuyên giao dịch giữa người trộm sổ đỏ, sổ hồng mang đi thế chấp và người nhận thế chấp là vô hiệu vì đây là quyền sử dụng đất của gia đình bạn chứ không phải của người trộm. Giao dịch trên vô hiệu về mặt chủ thể. Hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu là hai bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận (Điều 131 Bộ luật dân sự năm 2015). Thế là sổ đỏ, sổ hồng lại về tay ta thôi.

Tóm lại sổ đỏ, sổ hồng là loại giấy tờ quan trọng thật sự nhưng có lỡ may làm mất hay gặp vấn đề rủi ro gì thì không có nghĩa quyền sở hữu đất, nhà ở của mình theo đó mất đi thế nên mọi người vẫn cứ bình tĩnh giải quyết theo trình tự thủ tục để được cấp mới lại giấy chứng nhận nhé.

Theo Quỳnh Ny
3.323