Lùi thời gian đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2023 với nhiều doanh nghiệp?

(có 1 đánh giá)

Tôi nghe nói theo quy định gần đây thì có một số doanh nghiệp sẽ được lùi thời gian đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2023, vậy cho hỏi là những doanh nghiệp nào sẽ được lùi thời gian đóng kinh phí công đoàn? Trường hợp doanh nghiệp đóng chậm hơn thời gian quy định có bị phạt không? câu hỏi của chị H (Nha Trang).

Lùi thời gian đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2023 với nhiều doanh nghiệp?

Theo đó, vào ngày 31/8/2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có ban hành Quyết định 7823/QĐ-TLĐ về việc lùi đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Cụ thể tại Điều 1 Quyết định 7823/QĐ-TLĐ có đề cập đối tượng được lùi thời gian đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2023 như sau:

Điều 1. Đồng ý cho các doanh nghiệp bị giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 01/01/2023 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng được lùi đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2023.

Như vậy, đối với các doanh nghiệp bị giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 01/01/2023 bao gồm cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng thì được lùi đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2023.

Lùi thời gian đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2023 với nhiều doanh nghiệp?

Lùi thời gian đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2023 với nhiều doanh nghiệp? (Hình từ Internet)

Mức đóng kinh phí công đoàn năm 2023 được quy định như thế nào?

Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP quy định về mức đóng kinh phí công đoàn như sau:

Mức đóng và căn cứ đóng kinh phí công đoàn

Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Riêng đối với đơn vị thuộc lực lượng vũ trang quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này, quỹ tiền lương là tổng mức tiền lương của những cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng, lao động làm việc hưởng lương trong các nhà máy, doanh nghiệp, đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân; cán bộ, công nhân, viên chức, lao động làm việc hưởng lương trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khoa học-kỹ thuật, sự nghiệp và phục vụ trong Công an nhân dân.

Theo quy định này, mức đóng kinh phí công đoàn năm 2023 bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Lưu ý: Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, tại Điều 6 Nghị định 191/2013/NĐ-CP có đề cập về phương thức đóng kinh phí công đoàn cụ thể như sau:

Phương thức đóng kinh phí công đoàn

1. Cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.

Kho bạc Nhà nước nơi cơ quan, đơn vị mở tài khoản giao dịch căn cứ giấy rút kinh phí công đoàn, thực hiện việc kiểm soát chi và chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi của tổ chức công đoàn tại ngân hàng.

2. Tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.

3. Tổ chức, doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả tiền lương theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh đóng kinh phí công đoàn theo tháng hoặc quý một lần cùng với thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động trên cơ sở đăng ký với tổ chức công đoàn.

Chậm đóng kinh phí công đoàn doanh nghiệp có thể bị phạt bao nhiêu?

Vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn được quy định tại Điều 38 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn

1. Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Chậm đóng kinh phí công đoàn;

b) Đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định;

c) Đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.

2. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Chiếu theo quy định này, nếu người sử dụng lao động chậm đóng kinh phí công đoàn có thể sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt tiền từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.

Lưu ý:Mức phạt nêu trên là mức phạt áp dụng với người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm, với doanh nghiệp (tổ chức) thì mức phạt sẽ nhân hai cho cùng hành vi ( theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Ngoài ra, chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, doanh nghiệp phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn đóng chưa đủ và khoản tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

(có 1 đánh giá)
Theo Phạm Thị Xuân Hương
2.356