Luật sư nước ngoài có được làm người bào chữa hay không?

(có 2 đánh giá)

Luật sư nước ngoài có được làm người bào chữa hay không? Quyền và nghĩa vụ của luật sư nước ngoài được quy định ra sao? Ngoài luật sư thì đối tượng nào được phép làm người bào chữa?

Luật sư nước ngoài có được làm người bào chữa hay không?

Theo Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định người bào chữa như sau:

Người bào chữa

1. Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.

2. Người bào chữa có thể là:

a) Luật sư;

b) Người đại diện của người bị buộc tội;

c) Bào chữa viên nhân dân;

d) Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

...

Theo quy định này, luật sư là một trong những đối tượng được thực hiện chức năng bào chữa.

Dẫn chiếu đến Điều 2 Luật Luật sư 2006 giải thích về luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật Luật sư 2006, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng).

Như vậy, luật sư nước ngoài nếu có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật Luật sư 2006 thì được quyền làm người bào chữa.

Cụ thể về điều kiện hành nghề của luật sư nước ngoài được quy định tại Điều 74 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi Khoản 29 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 như sau:

Điều kiện hành nghề của luật sư nước ngoài

Luật sư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện sau đây thì được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam:

1. Có Chứng chỉ hành nghề luật sư đang còn hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

2. Có kinh nghiệm tư vấn pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế;

3. Cam kết tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam;

4. Được tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cử vào hành nghề tại Việt Nam hoặc được chi nhánh, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam đồng ý tuyển dụng vào làm việc tại các tổ chức đó.

Như vậy, Luật sư nước ngoài được làm người bào chữa tại Việt Nam cần đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

- Có Chứng chỉ hành nghề luật sư đang còn hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

- Có kinh nghiệm tư vấn pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế;

- Cam kết tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam;

- Được tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cử vào hành nghề tại Việt Nam hoặc được chi nhánh, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam đồng ý tuyển dụng vào làm việc tại các tổ chức đó.

Tuy nhiên cần lưu ý, luật sư nước ngoài sẽ không thể làm người bào chữa nếu thuộc một trong các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cụ thể gồm:

- Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó;

- Người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xoá án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

Luật sư nước ngoài có được làm người bào chữa hay không?

Luật sư nước ngoài có được làm người bào chữa hay không? (Hình từ Internet)

Ngoài luật sư thì đối tượng nào được phép làm người bào chữa?

Theo Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định ngoài luật sư thì các đối tượng sau có thể là người bào chữa:

- Luật sư;

- Người đại diện của người bị buộc tội;

- Bào chữa viên nhân dân;

- Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Luật sư nước ngoài khi hành nghề tại Việt Nam có những quyền và nghĩa vụ gì?

Quyền và nghĩa vụ của luật sư nước ngoài được quy định tại Điều 77 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012, cụ thể như sau:

Quyền và nghĩa vụ của luật sư nước ngoài

1. Luật sư nước ngoài có các quyền sau đây:

a) Lựa chọn hình thức hành nghề tại Việt Nam theo quy định tại Điều 75 của Luật này;

b) Chuyển thu nhập từ hoạt động hành nghề ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;

c) Các quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Luật sư nước ngoài có các nghĩa vụ sau đây:

a) Nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật;

b) Tuân theo các nguyên tắc hành nghề luật sư, nghĩa vụ của luật sư theo quy định của Luật này; Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam

Như vậy, Luật sư nước ngoài khi hành nghề tại Việt Nam có những quyền và nghĩa vụ sau:

Quyền của Luật sư nước ngoài:

- Lựa chọn hình thức hành nghề tại Việt Nam theo quy định tại Điều 75 của Luật này;

- Chuyển thu nhập từ hoạt động hành nghề ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;

- Các quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nghĩa vụ của Luật sư nước ngoài:

- Nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật;

- Tuân theo các nguyên tắc hành nghề luật sư, nghĩa vụ của luật sư theo quy định của Luật này; Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam

(có 2 đánh giá)
Theo Phạm Thị Xuân Hương
2.704