Giám đốc công ty luật nước ngoài có được là luật sư Việt Nam hay không?

(có 2 đánh giá)

Công ty luật nước ngoài là gì? Giám đốc công ty luật nước ngoài có được là luật sư Việt Nam không? Quyền, nghĩa vụ của công ty luật nước ngoài? Câu hỏi đến từ anh L.T sống ở Bình Định.

Công ty luật nước ngoài là gì?

Công ty luật nước ngoài được giải thích theo khoản 1 Điều 72 Luật Luật sư 2006, được sửa đổi bởi khoản 28 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định như sau:

“Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài là tổ chức hành nghề luật sư do một hoặc nhiều tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thành lập tại Việt Nam.

Công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh là tổ chức hành nghề luật sư liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam.

Công ty luật hợp danh là tổ chức hành nghề luật sư hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam.”

Theo đó, công ty luật nước ngoài là tổ chức do một hoặc nhiều tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thành lập tại Việt Nam với mục đích hành nghề luật ở Việt Nam.

Công ty luật nước ngoài có thể được thành lập dưới hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh hoặc công ty luật hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam.

Giám đốc công ty luật nước ngoài có được là luật sư Việt Nam hay không?

Giám đốc công ty luật nước ngoài có được là luật sư Việt Nam hay không? (Hình từ Internet)

Giám đốc công ty luật nước ngoài có được là luật sư Việt Nam không?

Tại khoản 2 Điều 72 Luật Luật sư 2006, được sửa đổi bởi khoản 28 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định như sau: “Giám đốc công ty luật nước ngoài là luật sư nước ngoài hoặc luật sư Việt Nam.”

Như vậy, theo quy định thì Giám đốc công ty luật nước ngoài là luật sư Việt Nam vẫn được.

Quyền, nghĩa vụ của công ty luật nước ngoài?

Theo Điều 73 Luật Luật sư 2006 quy định như sau:

Công ty luật nước ngoài có các quyền sau đây:

- Thực hiện dịch vụ pháp lý về các lĩnh vực ghi trong Giấy phép thành lập, Giấy đăng kýý hoạt động;

- Nhận thù lao từ khách hàng;

- Thuê luật sư nước ngoài, luật sư Việt Nam, lao động nước ngoài, lao động Việt Nam;

- Nhận người tập sự hành nghề luật sư Việt Nam vào tập sự hành nghề luật sư;

- Chuyển thu nhập từ hoạt động hành nghề ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;

- Các quyền khác theo quy định của Luật này, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Công ty luật nước ngoài có các nghĩa vụ sau đây:

- Hoạt động theo đúng lĩnh vực ghi trong Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động;

- Thực hiện đúng những nội dung đã giao kết với khách hàng;

- Bồi thường thiệt hại vật chất do lỗi mà luật sư gây ra cho khách hàng trong khi thực hiện tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý khác;

- Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các luật sư hành nghề tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;

- Chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam về lao động, kế toán, thống kê và thực hiện nghĩa vụ thuế, tài chính;

- Nhập khẩu phương tiện cần thiết cho hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;

- Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Công ty luật nước ngoài tạm ngừng hoạt động phải thông báo cho cơ quan nào?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 38 Nghị định 123/2013/NĐ-CP về tạm ngừng hoạt động của chi nhánh, công ty luật nước ngoài, cụ thể như sau:

Tạm ngừng hoạt động của chi nhánh, công ty luật nước ngoài

1. Chi nhánh, công ty luật nước ngoài có quyền tạm ngừng hoạt động nhưng phải báo cáo bằng văn bản về việc tạm ngừng và tiếp tục hoạt động với Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, cơ quan thuế ở địa phương nơi đăng ký hoạt động chậm nhất là 30 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục hoạt động. Thời gian tạm ngừng hoạt động không quá 02 năm.

2. Báo cáo về việc tạm ngừng hoạt động có những nội dung chính sau đây:

a) Tên chi nhánh, công ty luật;

b) Số, ngày, tháng, năm cấp Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật;

c) Địa chỉ trụ sở;

d) Thời gian tạm ngừng hoạt động, ngày bắt đầu và ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng hoạt động;

đ) Lý do tạm ngừng hoạt động;

e) Báo cáo về việc thanh toán nợ, giải quyết các hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng và hợp đồng lao động đã ký với luật sư, người lao động khác của chi nhánh, công ty luật.

...”

Như vậy, công ty luật nước ngoài tạm ngừng hoạt động phải báo cáo bằng văn bản với Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, cơ quan thuế ở địa phương nơi đăng ký hoạt động chậm nhất là 30 ngày trước ngày tạm ngừng.

Lưu ý: Thời gian tạm ngừng hoạt động không quá 02 năm.

(có 2 đánh giá)
Theo Nguyễn Anh Hương Thảo
2.406