Luật Doanh nghiệp là gì? Điểm nổi bật của Luật Doanh nghiệp 2020

(có 3 đánh giá)

Em đang là sinh viên năm 2 sắp với học môn Luật Doanh nghiệp. Em muốn biết tổng quát chung Luật doanh nghiệp là gì? Một số điểm nổi bật của Luật Doanh nghiệp 2020? – Minh Thành (Thanh Hóa)

Luật doanh nghiệp là một ngành luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và phá sản doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp là gì? Điểm nổi bật của Luật Doanh nghiệp 2020

Luật Doanh nghiệp là gì? Điểm nổi bật của Luật Doanh nghiệp 2020 (Hình từ Internet)

1. Luật Doanh nghiệp là gì?

Cụ thể hơn, Luật Doanh nghiệp (Law on Enterprises) là tổng thể các quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực doanh nghiệp cụ thể trong hoạt động thành lập doanh nghiệp, hoạt động tổ chức quản lý doanh nghiệp, hoạt động tổ chức loại doanh nghiệp và phá sản, giải thể doanh nghiệp.

Chủ thể được điều chỉnh bởi luật doanh nghiệp là các doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp.

Luật doanh nghiệp được ban hành và áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:

- Công ty trách nhiệm hữu hạn;

- Công ty cổ phần;

- Công ty hợp danh;

- Doanh nghiệp tư nhân;

- Doanh nghiệp nhà nước.

2. Một số điểm nổi bật của Luật Doanh nghiệp 2020 so với Luật Doanh nghiệp 2014

Sau gần 30 năm kể từ khi có những đạo luật đầu tiên cho doanh nghiệp, bộ mặt kinh tế - xã hội của đất nước thay đổi rõ rệt, biến Việt Nam trở thành một vùng đất có nền kinh tế năng động, nhiều tiềm năng và thu hút đầu tư.

Sau hơn 3 năm thực hiện (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021), Luật Doanh nghiệp 2020 đã thể hiện được tính nổi bật của mình bằng việc kế thừa những cái tích cực của Luật Doanh nghiệp 2014 và đồng thời cũng bổ sung, sửa đổi một số quy định mới để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước.

Sau đây là một số điểm nổi bật của Luật Doanh nghiệp 2020 so với Luật Doanh nghiệp 2014:

(1) Thêm đối tượng không được thành lập doanh nghiệp

Cụ thể, Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm nhiều đối tượng không được phép thành lập, quản lý doanh nghiệp, gồm:

- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

- Công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp);

- Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

(2) Bỏ quy định về thông báo mẫu dấu doanh nghiệp trước khi sử dụng

Nếu như Luật Doanh nghiệp 2014 quy định “Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp” thì đến Luật Doanh nghiệp 2020 đã bỏ đi quy định định này, thay vào đó mẫu con dấu sẽ doanh nghiệp quyết định về loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu.

(3) Thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước

Khái niệm doanh nghiệp nhà nước theo khoản 11 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 Luật này.

(Còn theo Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ)

(4) Sửa quy định về quyền của cổ đông phổ thông

Cụ thể, quyền của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu một tỉ lệ cổ phần phổ thông đã thay đổi.

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền của cổ đông phổ thông quy định tại khoản 2 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020.

Còn trước đó, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty để có các quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2014.

(5) Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh

Ở Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ quy định trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn.

Đến Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện luật định.

Ngoài các điểm nổi bật trên, thì Luật Doanh nghiệp 2020 còn quy định khác so với Luật Doanh nghiệp 2014 như sau:

- Rút ngắn thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh

- Bổ sung hồ sơ đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần

- Bổ sung quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết

- Quy định loại trừ trường hợp giải thể do bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

- Doanh nghiệp nhà nước phải thành lập Ban Kiểm soát

- Sửa đổi quy định xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt

- Bỏ quy định "Báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp"

- Bổ sung thêm nghĩa vụ của cổ đông

- Bổ sung trách nhiệm của người quản lý công ty cổ phần

- Thêm trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh

- Bổ sung quy định "thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt".

 

(có 3 đánh giá)
Trần Thanh Rin
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
3.682 
Việc làm mới nhất