Làm Luật sư, hãy tuyển dụng Cử nhân luật một cách "tử tế"

(có 1 đánh giá)

Tuyển dụng cử nhân luật tử tế, từ “tử tế” ở đây mình dùng có lẽ không lột tả hết được những trăn trở, băn khoăn của mình về thực trạng tuyển dụng Cử nhân luật hiện nay của các tổ chức hành nghề Luật sư.

Là một dân luật, mình cũng có tham gia các hội nhóm trên facebook về nghề luật, tuyển dụng nghề Luật, và một sự thật phũ phàng đón nhận mình từ khi mới ra trường cũng nhưng những chuyện “chướng tai gai mắt” xảy ra trước mặt mình, mà mình chỉ biết cười trừ cho qua. Câu chuyện về những tổ chức hành nghề Luật sư, lại vi phạm pháp luật nghiêm trọng

Hồi còn đi học, lúc đó mình có làm bài nghiên cứu khoa học, được phân công một giảng viên “có uy tín” của trường mình hướng dẫn. Ông ấy cũng là Trưởng một văn phòng Luật sư tại TP Biên Hòa - Đồng Nai. Ngoài việc hướng dẫn cho mình, mình cũng được đến văn phòng trải nghiệm công việc thực tế… ừ thì lúc đó mình nghĩ rằng mình đang đánh đổi, để thu lại những kinh nghiệm trong công việc, mình chấp nhận làm việc full-time, không lương, không trợ cấp. Mãi đến khi mình tốt nghiệp, cầm tấm bằng trên tay, ông ấy cũng không hề đả động gì đến việc “deal” lại hợp đồng lao động với mình. Mình có nhắc thì ông ấy bảo là sẽ nhận mình làm, kí kết “hợp đồng học việc” với mức lương là… 1 triệu đồng/tháng. Nghe tới đây mình hơi sốc, không cần phải suy nghĩ nhiều mình “quit game” ngay hôm sau. Mình bắt đầu đi tìm việc mới.

Không lâu sau mình đi làm tại một doanh nghiệp, mức lương gấp đôi lương tối thiểu vùng, đủ sống và tiếp tục học lên cao, và đương nhiên là nó hơn rất nhiều lần cái “hợp đồng học việc” kia. Ngẫm lại thấy may quá…

Nhưng ngày qua ngày, trên mạng nhan nhản những tin tuyển dụng của các công ty luật, văn phòng luật sư với những bảng mô tả công việc “đồ sộ”, yêu cầu rất cao nhưng đến phần phúc lợi thì lại rất í ẹ… mình có thể lấy một ví dụ đển hình về phúc lợi mà đa số các tổ chức hành nghề luật sư đăng tuyển trên facebook như sau:

 

4. Quyền lợi:
- Đối với sinh viên đã tốt nghiệp:
+ Được Văn phòng xem xét mức hỗ trợ tùy theo năng lực trình độ trong quá trình tiếp nhận công việc và quá trình đạo tạo chuyên môn nghiệp vụ tại Văn phòng đảm bảo công tác trợ lý cho Luật sư.
+ Ký Hợp đồng học việc 3 tháng và được xem xét ký lại sau mỗi kỳ kết thúc Hợp đồng (phụ thuộc kế hoạch học lớp nghiệp vụ của người học việc, trường hợp vì lý do khách quan Văn phòng sẽ ký gia hạn Hợp đồng để người học việc tiếp tục công việc tại Văn phòng, trường hợp người học việc đăng ký lớp học nghiệp vụ Văn phòng chuyển sang hình thức ký Hợp đồng học việc với thời hạn 2 năm).
- Đối với người đang theo học lớp nghiệp vụ Luật sư tại Học viện Tư pháp:
+ 80% lương cơ bản
+ Được hướng dẫn miễn phí 18 tháng tập sự hành nghề Luật sư tại Văn phòng.
+ Kí hợp đồng học việc (thời hạn 2 năm)
+ Được xét thưởng (theo năm) tùy thuộc sự nỗ lực của từng người học việc trong quá trình công tác.
Sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghiệp vụ Luật sư và hết thời gian tập sự được cấp thẻ Luật sư (kí hợp đồng nhân viên chính thức):
+ 100% lương cơ bản + thưởng theo năm
+ Được hưởng các chế độ về BHXH, BHYT, BHTN theo quy định
+ Được hưởng các chế độ: nâng lương theo quy định của Văn phòng, các chế độ về hiếu, hỷ, được Văn phòng tạo điều kiện đi học các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ do Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội và các cơ quan, tổ chức khác tổ chức, tham dự các khóa tập huấn, hội nghị, hội thảo liên quan chuyên môn công việc…

 

Đọc phần phúc lợi tuyển dụng Cử nhân Luật bên trên các bạn thấy gì?

Nếu là dân luật thì ngay lập tức chúng ta có thể bắt lỗi được ngay. Trong mối quan hệ lao động, được điều chỉnh bởi Bộ luật lao động, thì phải kí hợp đồng lao động. Trong công việc có tính chất thường xuyên, lâu dài thì không được kí hợp đồng thời vụ.

Và đương nhiên trong quan hệ lao động không có cái hợp đồng gọi là “hợp đồng học việc”. Cá nhân mình thấy cái “hợp đồng” này là do các tổ chức hành nghề Luật sư chế ra để làm nhẹ đi, làm cho người lao động thấy mình đang đi học, đang đi xin cái gì đó chứ không phải là đi bán sức lao động. Trong khi đó bản chất ở đây người lao động đang đi bán sức lao động chứ không phải là học hay xin cái gì cả.

Lương thì trả lương “cơ bản”, trong khi pháp luật quy định mức lương trả cho người lao động phải ít nhất bằng lương tối thiểu vùng. Thay vì trả lương, những tổ chức này lại dùng từ “hỗ trợ” nghe đúng kiểu ban ơn cho người lao động. Cho anh học, “hỗ trợ” tiền cho anh, nghe đầy tinh thần nghĩa hiệp, giúp đỡ đàn em ấy nhỉ? Nhưng thực tế đây là sự lấp liếm, ngụy tạo câu chữ cho sự vi phạm pháp luật của mình.

Điều mình trăn trở, đau đáu lâu nay là không hiểu vì sao những tổ chức hành nghề Luật sư lại vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vậy? Đáng lẽ ra những nơi này phải là những nơi tôn trọng pháp luật trước nhất, như vậy mới đào tạo ra những Luật sư “chuẩn mực” chứ?
 

Và mình cũng không hiểu, những tổ chức hành nghề Luật sư này làm như vậy để được gì? Mức lương tối thiểu vùng sống ở Hà Nội, trong vòng 2 năm, nghĩ đến là thấy sợ. Đó là còn chưa kể đi làm nghề Luật, đi tập sự, chạy hồ sơ các kiểu thì chi phí tiền đi lại có khi còn âm luôn số tiền “hỗ trợ” mà các tổ chức hành nghề Luật sư này “ban phát”. Vậy lấy gì để NGƯỜI LAO ĐỘNG (mình xin nhấn mạnh khái niệm người lao động, chứ không phải là người học việc) tái tạo và phuc hồi sức lao động để đi làm tiếp, để sống trong những thời gian đó?

Tuyển dụng cử nhân luật tử tế

Làm Luật sư, hãy tuyển dụng Cử nhân luật một cách "tử tế"

Mình biết chắc khi viết ra bài này sẽ có những anh chị Luật sư vào phản biện rằng đây là mối quan hệ dân sự, không ai ép các bạn cử nhân luật phải đi chịu “bóc lột” như thế cả. Đúng, ý kiến này đúng, đúng là không ai ép các bạn cử nhân luật đi làm như thế cả. Nhưng mà có quá nhiều các tổ chức hành nghề Luật sư tuyển dụng Cử nhân Luật như thế thì nguồn ra các bạn cử nhân luật biết phải đi đâu? Các bạn có ý chí theo nghề biết đi đâu? Trừ những bạn thật sự giỏi, thật sự xuất sắc ra trường có thể có ngay mức lương nghìn đô thì số các bạn cử nhân luật mới ra trường còn bỡ ngỡ với nghề, kinh nghiệm thực tập chưa nhiều, kinh nghiệm nghề nghiệp chưa nhiều… những bạn này sẽ đi đâu khi mà công ty luật nào cũng tuyển dụng với các mức phúc lợi như vậy? Phải chăng có một “luật ngầm”, một “thỏa thuận” ngầm của các anh chị đi trước về việc “ép giá” các bạn cử nhân luật mới ra trường kia chăng?

Rồi mình cũng tin rằng sẽ có anh chị Luật sư đem quan điểm rằng “cử nhân luật mới ra trường không biết gì” thì làm sao mà trả lương được. Xin thưa là nếu các anh chị đánh đồng cử nhân luật ra trường đều “không biết gì” thì đó là suy nghĩ “vơ đũa”. Và giả sử họ không biết gì thật thì các anh chị có quyền không tuyển, chứ không phải tuyển vào để họ làm… không công. Ô, không biết gì mà các anh chị vẫn tuyển vào làm, không sợ các bạn ấy làm hỏng việc hay sao? Pháp luật lao động quy định về thời gian thử việc, đây chính là quãng thời gian để cả hai bên đánh giá lẫn nhau, xem thử có phù hợp với công việc hay không, sao tổ chức hành nghề Luật sư không dùng quãng thời gian này để đào tạo, đánh giá thử việc như đa số các doanh nghiệp khác đã và đang làm?


Đã làm nghề Luật, thì hãy tuyển dụng cử nhân luật thật “tử tế” vào. Tử tế ở đây đầu tiên là cứ “thượng tôn pháp luật, tôn trọng các quy định về quan hệ lao động trong Bộ luật lao động hiện hành.

 

Danh sách các công ty tuyển dụng Cử nhân luật tại Nhân Lực Ngành Luật: Bấm vào đây

4.608 
Click vào đây để xem danh sách Việc làm Cử nhân Luật hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm Cử nhân Luật
Click vào đây để xem danh sách Việc làm Cử nhân Luật hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm Cử nhân Luật