Hoạt động kiểm soát nội bộ của Ngân hàng Nhà nước và 07 điều cần biết

(có 1 đánh giá)

Hoạt động kiểm soát nội bộ là gì? Việc thực hiện kiểm soát nội bộ của Ngân hàng Nhà nước được quy định thế nào? - Duy Mạnh (TPHCM)

Hoạt động kiểm soát nội bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một hoạt động quan trọng nhằm kiểm soát bên trong về cách thức hoạt động, triển khai của đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước. Vậy hoạt động kiểm soát nội bộ của Ngân hàng Nhà nước là gì?

Hoạt động kiểm soát nội bộ của Ngân hàng Nhà nước và 07 điều cần biết

Hoạt động kiểm soát nội bộ của Ngân hàng Nhà nước và 07 điều cần biết (Hình từ Internet)

1. Hoạt động kiểm soát nội bộ là gì?

Hoạt động kiểm soát nội bộ là việc giám sát, kiểm tra của tổ chức, cá nhân, người làm công tác kiểm soát nội bộ và/hoặc những người có thẩm quyền đối với các phòng, ban, bộ phận, cá nhân trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao nhằm phát hiện các bất cập, thiếu sót, vi phạm để kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý, đảm bảo việc quản lý, sử dụng các nguồn lực và hoạt động của đơn vị an toàn, hiệu quả, tuân thủ pháp luật.

2. Mục tiêu hoạt động kiểm soát nội bộ

Mục tiêu hoạt động kiểm soát nội bộ như sau:

- Đảm bảo triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch của đơn vị đúng định hướng và đạt được mục tiêu đề ra.

- Bảo đảm hoạt động của đơn vị tuân thủ pháp luật và các quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy định của Ngân hàng Nhà nước, phòng ngừa, hạn chế rủi ro; quản lý, sử dụng tài sản và các nguồn lực an toàn, hiệu quả, tiết kiệm.

- Phát hiện những tồn tại, bất cập và kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, quy chế, quy định nội bộ nhằm tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn tài sản, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị.

3. Nguyên tắc hoạt động kiểm soát nội bộ

Việc thực hiện hoạt động kiểm soát nội bộ dựa trên nguyên tắc như sau:

- Đảm bảo tính khách quan, tuân thủ pháp luật và các quy chế, quy trình nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước, quy định nội bộ của đơn vị; phù hợp quy mô, tính chất, đặc thù hoạt động của đơn vị.

- Thực hiện theo chương trình, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát được Thủ trưởng đơn vị phê duyệt và hướng dẫn nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước.

- Ưu tiên nguồn lực, thời gian thực hiện kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với những hoạt động, nghiệp vụ trọng yếu hoặc có rủi ro cao.

4. Yêu cầu hoạt động kiểm soát nội bộ

Yêu cầu hoạt động kiểm soát nội bộ được quy định như sau:

- Hoạt động kiểm soát nội bộ phải được thiết lập, duy trì đối với tất cả các hoạt động, các quy trình nghiệp vụ, các giao dịch của đơn vị.

- Hoạt động kiểm soát nội bộ phải đảm bảo thường xuyên, liên tục, gắn với các nguyên tắc kiểm soát trong hoạt động hằng ngày của đơn vị, bao gồm:

+ Việc phân công, phân cấp, ủy quyền thực hiện nhiệm vụ phải rõ ràng, minh bạch và đúng quy định; đảm bảo phân tách nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong đơn vị, tránh các xung đột lợi ích;

Đảm bảo một cá nhân không có điều kiện để thao túng hoạt động hoặc che giấu thông tin, hành vi vi phạm pháp luật và các quy chế, quy định nội bộ có liên quan nhằm trục lợi hoặc phục vụ mục đích cá nhân.

+ Đảm bảo nguyên tắc kiểm soát kép: Việc phân công thực hiện nhiệm vụ và xử lý nghiệp vụ, nhất là nghiệp vụ có rủi ro cao phải có ít nhất hai người thực hiện nhằm giám sát, kiểm soát lẫn nhau bảo đảm chấp hành đúng quy định, bảo vệ an toàn tài sản và nâng cao hiệu quả công tác, ngoại trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác.

+ Quy định và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, trao đổi thông tin nội bộ kịp thời, hiệu quả đảm bảo hoạt động của đơn vị đúng pháp luật.

- Đảm bảo trách nhiệm, quyền hạn của lãnh đạo đơn vị và từng phòng, ban trong hoạt động kiểm soát nội bộ;

Phát huy đầy đủ trách nhiệm, vai trò của Phòng/Bộ phận kiểm soát nội bộ, người làm công tác kiểm soát nội bộ trên cơ sở triển khai một cách đầy đủ, hiệu quả các quy định, quy trình nghiệp vụ có liên quan và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ trước Thủ trưởng đơn vị và pháp luật.

- Các đơn vị, phòng, ban và từng cá nhân phải thường xuyên tự rà soát, kiểm tra việc thực hiện các quy chế, quy trình nghiệp vụ và quy định nội bộ có liên quan để kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập có thể xảy ra rủi ro, kiến nghị bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp nhằm phòng ngừa rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát nội bộ của đơn vị.

- Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện công tác phân tích, đánh giá rủi ro các hoạt động nghiệp vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình để chủ động phòng ngừa và có biện pháp kiểm soát, quản lý rủi ro thích hợp.

- Đảm bảo vai trò độc lập tương đối của người làm công tác kiểm soát nội bộ chuyên trách đối với phòng, ban, bộ phận, cá nhân thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị;

Hạn chế tối đa việc người làm công tác kiểm soát nội bộ tham gia trực tiếp vào các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thuộc đối tượng kiểm tra, kiểm soát, giám sát của mình. Không bố trí người làm công tác kiểm soát nội bộ (kể cả lãnh đạo cấp phòng phụ trách kiểm soát nội bộ) là người thân của Thủ trưởng đơn vị.-Việc bố trí người làm công tác kiểm soát nội bộ chuyên trách phải đáp ứng tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, kinh nghiệm và phẩm chất đạo đức của ngạch kiểm soát viên ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

5. Phạm vi, phương pháp hoạt động kiểm soát nội bộ

Phạm vi, phương pháp hoạt động kiểm soát nội bộ như sau:

- Phạm vi hoạt động kiểm soát nội bộ bao gồm tất cả các hoạt động, các nghiệp vụ, các giao dịch do đơn vị thực hiện.

- Phương pháp kiểm soát nội bộ là phương pháp kiểm tra, giám sát tuân thủ và theo định hướng rủi ro, trong đó ưu tiên và tăng cường giám sát, kiểm tra đối với các hoạt động, nghiệp vụ trọng yếu hoặc có rủi ro cao.

6. Nội dung hoạt động kiểm soát nội bộ

Nội dung hoạt động kiểm soát nội bộ bao gồm:

- Thường xuyên rà soát văn bản để kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ nhằm quy định cụ thể nội dung công việc, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của đơn vị và từng phòng, ban, cá nhân trong điều hành và xử lý công việc bảo đảm đúng quy định, chặt chẽ, khoa học.

- Thực hiện tự kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc chấp hành chế độ hạch toán, kế toán, quản lý tài chính, tài sản, an toàn hoạt động kho quỹ, công nghệ thông tin và tính tuân thủ, hiệu quả hoạt động của các bộ phận, cá nhân trong đơn vị;

Rà soát, đánh giá về mức độ phù hợp và tính hiệu lực, hiệu quả, xác định các vấn đề còn tồn tại và đề xuất các thay đổi cần thiết đối với hệ thống kiểm soát nội bộ nhằm bảo vệ an toàn tài sản và nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động của đơn vị.

- Phân loại, quản lý và khai thác hệ thống thông tin, báo cáo của đơn vị phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo hoạt động thông suốt, liên tục.

- Thiết lập cơ chế giám sát, báo cáo, trao đổi thông tin nội bộ hữu hiệu nhằm phòng ngừa rủi ro và phục vụ công tác quản lý, điều hành đơn vị phù hợp, hiệu quả.

7. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác kiểm soát nội bộ

Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác kiểm soát nội bộ như sau:

- Thống đốc quyết định cách thức, phương pháp xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước phù hợp trên cơ sở quy định của pháp luật và yêu cầu của công tác quản lý, điều hành hoạt động Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.

- Vụ Kiểm toán nội bộ tham mưu, đề xuất Thống đốc:

+ Cách thức, phương pháp xây dựng, duy trì hệ thống kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước phù hợp, hiệu lực, hiệu quả.

+ Ban hành quy định hướng dẫn nghiệp vụ, quy trình kiểm soát nội bộ đối với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước.

+ Chỉ đạo và thực hiện kiểm tra, đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ các đơn vị; đề xuất Thống đốc các biện pháp hoàn thiện cơ chế, quy trình nghiệp vụ và tổ chức hoạt động kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

+ Đề xuất việc cung cấp, khai thác các thông tin, tài liệu liên quan để thực hiện có hiệu quả hoạt động kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước.

(CSPL: Theo Điều 3 đến Điều 9 Thông tư 06/2020/TT-NHNN.)

(có 1 đánh giá)
Quốc Đạt
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.555 
Click vào đây để xem danh sách Việc làm ngân hàng hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm ngân hàng
Click vào đây để xem danh sách Việc làm ngân hàng hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm ngân hàng
Việc làm mới nhất