Điều kiện hoạt động của công ty luật nước ngoài tại Việt nam
Nội dung bài viết trình bày về điều kiện hoạt động của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam theo quy định pháp luật hiện hành. Theo đó là các quy định pháp luật liên quan.
- 1. Các loại hình doanh nghiệp của công ty luật nước ngoài
- 2. Phạm vi hoạt động của công ty luật nước ngoài
- 3. Quyền và nghĩa vụ của công ty luật nước ngoài
- 4. Điều kiện hoạt động của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam
- 5. Quy trình thành lập văn phòng đại diện của công ty luật nước ngoài
- 6. Hướng dẫn đăng ký hoạt động sau khi được cấp giấy phép
- 7. Hướng dẫn chuyển đổi công ty luật nước ngoài thành công ty luật Việt Nam
- 8. So sánh cơ bản giữa công ty luật nước ngoài và công ty luật trong nước
1. Các loại hình doanh nghiệp của công ty luật nước ngoài
Tại Điều 72 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi bởi khoản 28 Điều 1 Luật Luật sư 2012) quy định công ty luật nước ngoài là một hình thức hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, trong đó công ty luật nước ngoài sẽ được tổ chức dưới dạng các loại hình doanh nghiệp như sau:
- Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài là tổ chức hành nghề luật sư do một hoặc nhiều tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thành lập tại Việt Nam.
- Công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh là tổ chức hành nghề luật sư liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam.
- Công ty luật hợp danh là tổ chức hành nghề luật sư hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam.
Giám đốc công ty luật nước ngoài là luật sư nước ngoài hoặc luật sư Việt Nam.
2. Phạm vi hoạt động của công ty luật nước ngoài
Tại Điều 70 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi bởi khoản 27 Điều 1 Luật Luật sư 2012) thì Chi nhánh, công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác, không được cử luật sư nước ngoài và luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án Việt Nam hoặc thực hiện các dịch vụ về giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam, được cử luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tư vấn pháp luật Việt Nam.
Điều kiện hoạt động của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam (Hình ảnh từ Internet)
3. Quyền và nghĩa vụ của công ty luật nước ngoài
* Công ty luật nước ngoài có các quyền sau đây:
- Thực hiện dịch vụ pháp lý về các lĩnh vực ghi trong Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động;
- Nhận thù lao từ khách hàng;
- Thuê luật sư nước ngoài, luật sư Việt Nam, lao động nước ngoài, lao động Việt Nam;
- Nhận người tập sự hành nghề luật sư Việt Nam vào tập sự hành nghề luật sư;
- Chuyển thu nhập từ hoạt động hành nghề ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Các quyền khác theo quy định của Luật Luật sư 2006, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
* Công ty luật nước ngoài có các nghĩa vụ sau đây:
- Hoạt động theo đúng lĩnh vực ghi trong Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động;
- Thực hiện đúng những nội dung đã giao kết với khách hàng;
- Bồi thường thiệt hại vật chất do lỗi mà luật sư gây ra cho khách hàng trong khi thực hiện tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý khác;
- Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các luật sư hành nghề tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;
- Chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam về lao động, kế toán, thống kê và thực hiện nghĩa vụ thuế, tài chính;
- Nhập khẩu phương tiện cần thiết cho hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Luật sư 2006, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Điều kiện hoạt động của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam
Tại Điều 68 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi bởi khoản 25 Điều 1 Luật Luật sư 2012) thì tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài đã được thành lập và đang hành nghề luật sư hợp pháp tại nước ngoài được phép hành nghề tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư 2006 khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Cam kết và bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Cam kết và bảo đảm có ít nhất hai luật sư nước ngoài, kể cả Trưởng chi nhánh, Giám đốc công ty luật nước ngoài có mặt và hành nghề tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong khoảng thời gian liên tục mười hai tháng;
- Trưởng chi nhánh, Giám đốc công ty luật nước ngoài tại Việt Nam phải có ít nhất hai năm liên tục hành nghề luật sư
5. Quy trình thành lập văn phòng đại diện của công ty luật nước ngoài
Theo Điều 78 Luật Luật sư 2006 thì quy trình thành lập văn phòng đại diện của công ty luật nước ngoài như sau:
* Bước 1: Nộp hồ sơ tại Bộ Tư pháp
Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài phải có hồ sơ thành lập công ty luật nước ngoài gửi Bộ Tư pháp. Trong hồ sơ thành lập công ty luật nước ngoài cần có các giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị thành lập công ty luật nước ngoài;
- Bản sao giấy tờ chứng minh việc thành lập hợp pháp của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp; bản sao Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam đối với hình thức liên doanh;
- Bản giới thiệu về hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài; bản giới thiệu về hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam đối với hình thức liên doanh;
- Danh sách luật sư nước ngoài dự kiến làm việc tại công ty; danh sách luật sư Việt Nam dự kiến làm việc tại công ty, bản sao Thẻ luật sư;
- Dự thảo Điều lệ công ty luật nước ngoài; hợp đồng liên doanh đối với hình thức liên doanh
* Bước 2: Cấp Giấy phép thành lập công ty luật nước ngoài
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và lệ phí, Bộ Tư pháp xem xét cấp Giấy phép thành lập công ty luật nước ngoài. Trường hợp từ chối cấp giấy phép thành lập, Bộ Tư pháp phải thông báo bằng văn bản cho Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài được biết.
Giấy phép thành lập công ty luật nước ngoài có hiệu lực kể từ ngày ký.
6. Hướng dẫn đăng ký hoạt động sau khi được cấp giấy phép
- Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập, chi nhánh, công ty luật nước ngoài phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi đặt trụ sở.
Hồ sơ đăng ký hoạt động gồm có:
- Bản sao Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài;
Giấy tờ chứng minh về trụ sở.
- Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho chi nhánh, công ty luật nước ngoài.
Chi nhánh, công ty luật nước ngoài được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.
(Theo Điều 79 Luật Luật sư 2006)
7. Hướng dẫn chuyển đổi công ty luật nước ngoài thành công ty luật Việt Nam
Tại Điều 35 Nghị định 123/2013/NĐ-CP hướng dẫn chuyển đổi công ty luật nước ngoài thành công ty luật Việt Nam như sau:
- Công ty luật trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh và công ty luật hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam (sau đây gọi chung là công ty luật nước ngoài) có thể chuyển đổi thành công ty luật Việt Nam trên cơ sở kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ của công ty luật nước ngoài.
Tên của công ty luật Việt Nam chuyển đổi phải tuân thủ quy định tại khoản 5 Điều 34 Luật Luật sư 2006 và không được trùng với tên của công ty luật nước ngoài đã chuyển đổi.
- Hồ sơ xin chuyển đổi công ty luật nước ngoài được gửi đến Bộ Tư pháp. Hồ sơ gồm có:
+ Giấy đề nghị chuyển đổi của công ty luật nước ngoài;
+ Thỏa thuận chuyển đổi giữa công ty luật nước ngoài và bên Việt Nam, trong đó nêu rõ cam kết của bên Việt Nam về việc kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ của công ty luật nước ngoài được chuyển đổi;
+ Dự thảo Điều lệ của công ty luật Việt Nam;
+ Danh sách thành viên hoặc luật sư chủ sở hữu của công ty luật Việt Nam; bản sao Thẻ luật sư của luật sư chủ sở hữu hoặc các luật sư thành viên của công ty luật Việt Nam;
+ Giấy phép thành lập của công ty luật nước ngoài được chuyển đổi.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp có văn bản chấp thuận việc chuyển đổi; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có văn bản chấp thuận của Bộ Tư pháp, công ty luật Việt Nam chuyển đổi phải làm thủ tục đăng ký việc chuyển đổi tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi công ty luật nước ngoài đăng ký hoạt động.
Hồ sơ đăng ký hoạt động của công ty luật Việt Nam gồm có:
+ Giấy đề nghị chuyển đổi;
+ Văn bản chấp thuận của Bộ Tư pháp;
+ Dự thảo Điều lệ của công ty luật Việt Nam.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp thực hiện cấp Giấy đăng ký hoạt động cho công ty luật Việt Nam chuyển đổi.
- Công ty luật nước ngoài chấm dứt hoạt động kể từ khi công ty luật Việt Nam được chuyển đổi được cấp Giấy đăng ký hoạt động.
- Thủ tục công bố nội dung đăng ký hoạt động của công ty luật Việt Nam chuyển đổi được thực hiện theo quy định tại Điều 38 Luật Luật sư 2006.
8. So sánh cơ bản giữa công ty luật nước ngoài và công ty luật trong nước
Công ty luật nước ngoài | Công ty luật trong nước | |
Loại hình doanh nghiệp | - Công ty hợp danh (giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam).
- Công ty Trách nhiệm hữu hạn + Một trăm phần trăm vốn nước ngoài là tổ chức hành nghề luật sư do một hoặc nhiều tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thành lập tại Việt Nam. + Dưới hình thức liên doanh là tổ chức hành nghề luật sư liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam. | - Công ty luật hợp danh + Do ít nhất hai luật sư thành lập. + Không có thành viên góp vốn.
- Công ty luật trách nhiệm hữu hạn + Bao gồm công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên. + Đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do ít nhất hai luật sư thành lập. + Đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên do một luật sư thành lập và làm chủ sở hữu. |
Điều kiện hành nghề đối với luật sư | - Có Chứng chỉ hành nghề luật sư đang còn hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp; - Có kinh nghiệm tư vấn pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế; - Cam kết tuân thủ Hiến pháp; pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; - Cam kết làm việc theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam; - Được tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cử vào hành nghề tại Việt Nam; hoặc được chi nhánh, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam đồng ý tuyển dụng vào làm việc tại các tổ chức đó. | - Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư. - Phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư. |
Phạm vi hành nghề | - Đối với tổ chức: Chi nhánh, công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác, không được cử luật sư nước ngoài tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trước cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam, được cử luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tư vấn pháp luật Việt Nam, tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cho khách hàng trước Toà án Việt Nam đối với các vụ, việc mà chi nhánh, công ty luật nước ngoài thực hiện tư vấn pháp luật, trừ vụ án hình sự. | - Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự. - Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật. - Thực hiện tư vấn pháp luật. - Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật. - Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật Luật sư 2006. |
-
Mức lương của Trưởng phòng pháp chế là bao nhiêu?
Cập nhật 9 ngày trước -
Bộ phận pháp lý của công ty có vai trò gì?
Cập nhật 1 tháng trước -
Mục đích của soạn thảo hợp đồng là gì? Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng đúng chuẩn?
Cập nhật 1 tháng trước -
Thông báo về việc tổ chức Kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng lần thứ năm?
Cập nhật 1 tháng trước -
Bản kiểm điểm cá nhân Đảng viên cuối năm 2024 phải nộp khi nào?
Cập nhật 1 tháng trước -
Cách viết Bản kiểm điểm cá nhân lãnh đạo quản lý chi tiết? Mẫu Bản kiểm điểm cá nhân lãnh đạo quản lý mới nhất?
Cập nhật 1 tháng trước