Điểm mới của bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 15 tháng 02 năm 2024

(có 2 đánh giá)

Những điểm mới của bảo hiểm thất nghiệp năm 2024 và trình tự đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp

Các điểm mới về bảo hiểm thất nghiệp năm 2024

1. Hướng dẫn hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi công ty không có người đại diện

Tại Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH đã bổ sung thêm quy định như sau:

"Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2015/TT- BLĐTBXH ngày 31 tháng 7 năm 2015 hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (sau đây viết tắt là Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH)

...

2. Bổ sung khoản 3 và khoản 4 vào Điều 4 như sau:

“3. Người lao động tại đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền có nhu cầu chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh thực hiện theo quy trình tại điểm h khoản 2 Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP."

=>> Như vậy, những đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền, khi người lao động nghỉ việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động có thể đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh làm thủ tục xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

2. Hướng dẫn tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo hướng dẫn của khoản 2 Điều 8 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH thì tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo tháng dương lịch. Mỗi tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày người lao động bắt đầu hưởng trợ cấp thất nghiệp đến ngày đó của tháng sau trừ 01 ngày. Tuy nhiên, theo quy định sửa đổi tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH có hướng dẫn thêm nếu trong trường hợp tháng sau không tồn tại ngày tương ứng, thì ngày kết thúc của tháng được xác định là ngày cuối cùng của tháng đó.

Ví dụ 4: Ông Cao Văn D được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 05 tháng, từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/5/2022. Như vậy, tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông D được xác định như sau:

Tháng hưởng thứ nhất là từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/01/2022; Tháng hưởng thứ hai là từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 28/02/2022; Tháng hưởng thứ ba là từ ngày 01/3/2022 đến hết ngày 31/3/2022; Tháng hưởng thứ tư là từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 30/4/2022; Tháng hưởng thứ năm là từ ngày 01/5/2022 đến hết ngày 31/5/2022.

Điểm mới của bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 15 tháng 02 năm 2024

Điểm mới của bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 15 tháng 02 năm 2024 (Hình từ Internet)

3. Thay đổi cách tính thời gian bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp

Trước đây, thời gian bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu được xác định = Tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp - Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đã hưởng trợ cấp thất nghiệp (Điều 9 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH). Tuy nhiên, theo Khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu xác định theo công thức mới như sau:

Tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu

=

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu khi người lao động có tháng đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có)

+

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu khi người lao động bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có)

+

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu khi người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có)

+

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu khi người lao động không đến nhận tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có)

+

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được xác nhận bổ sung sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp (đối với các trường hợp người lao động đã hưởng trợ cấp thất nghiệp có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 36 tháng khi giải quyết thì căn cứ thực tế vào thời gian đã đóng, hưởng trợ cấp thất nghiệp) (nếu có)

4. Bổ sung 01 trường hợp được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp

Theo Điều 9 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH trước đây chỉ có 4 trường hợp được bảo lưu hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, với quy định mới tại khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH thì hiện tại có 5 trường hợp được bảo lưu hưởng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

- Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động có tháng đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp

- Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp

- Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp

- Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp

- Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với trường hợp người lao động được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

5. Không còn trường hợp người lao động được miễn thông báo về tình hình tìm kiếm hằng tháng

Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH thì hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhưng nếu thuộc trường hợp đặc biệt tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này người lao động sẽ được miễn việc thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm. Tuy nhiên, từ ngày 15 tháng 02 năm 2024 khi Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thì sẽ bãi bỏ hoàn toàn các trường hợp được miễn việc thông báo tình hình tìm kiếm việc làm này. (khoản 8 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH)

Quy trình đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp 

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ (Điều 16 Nghị định 18/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP)

(1) Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;

(2) Các giấy tờ liên quan đến việc chấm dứt lao động như:

- Quyết định thôi việc

- Quyết định sa thải

- Quyết định kỷ luật buộc thôi việc

- Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc

- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

- Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có nội dung cụ thể về thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động

- Xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp hoặc hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã

- Trường hợp người lao động không có các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật và người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền thì có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp xác nhận (khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP)

(3) Sổ bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, người lao động cần chuẩn bị thêm chứng minh nhân dân/căn cước công dân (bản chính) khi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bước 2. Nộp hồ sơ (Điều 17 Nghị định 18/2015/NĐ-CP)

Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

(có 2 đánh giá)
Theo Đỗ Thị Thanh Ngọc
2.235