Đề xuất bổ sung chức danh nghề nghiệp thư ký nghiệp vụ công chứng?

(có 1 đánh giá)

Đề xuất bổ sung chức danh nghề nghiệp thư ký nghiệp vụ công chứng? Các điểm mới về chức danh nghề nghiệp Công chứng viên trong Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)? Điểm mới về tổ chức hành nghề công chứng trong Dự thảo này? câu hỏi của chị V (Vũng Tàu).

Đề xuất bổ sung chức danh nghề nghiệp thư ký nghiệp vụ công chứng?

Thư ký nghiệp vụ công chứng được quy định tại Điều 18 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) như sau:

Thư ký nghiệp vụ công chứng (điều mới)

Thư ký nghiệp vụ công chứng có nhiệm vụ giúp công chứng viên thực hiện nghiệp vụ về công chứng theo quy định. Thư ký nghiệp vụ công chứng có các tiêu chuẩn sau:

1. Là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt.

2. Có trình độ từ cử nhân luật trở lên và không thuộc một trong các trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên.

Như vậy, theo dự thảo này có bổ sung thêm chức danh nghề nghiệp Thư ký nghiệp vụ công chứng.

Đề xuất bổ sung chức danh nghề nghiệp thư ký nghiệp vụ công chứng?

Đề xuất bổ sung chức danh nghề nghiệp thư ký nghiệp vụ công chứng? (Hình từ Internet)

Các điểm mới về chức danh nghề nghiệp Công chứng viên trong Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)?

Dưới đây là một số điểm mới về chức danh nghề nghiệp Công chứng viên trong Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi):

(1) Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công chứng viên và nhiệm kỳ của công chứng viên (Điều 8 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi))

Bổ sung quy định công chứng viên được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ là 5 năm; bổ sung quy định bổ nhiệm công chứng viên hành nghề theo địa bàn cấp tỉnh phù hợp nhu cầu của Nhà nước và xã hội.

(2) Bổ sung thêm trường hợp được miễn đào tạo nghề công chứng (Điều 10 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi))

Bổ sung thêm trường hợp được miễn đào tạo nghề công chứng gồm: Người đã có thời gian làm chấp hành viên, thừa phát lại từ 05 năm trở lên; Người đã là lãnh đạo trực tiếp quản lý nhà nước về hoạt động công chứng, chuyên viên chính, thanh tra viên chính, giảng viên chính giảng dạy trực tiếp nghề công chứng từ 05 năm trở lên.

(3) Bổ sung quy định về việc tập sự hành nghề công chứng (quy định tại Điều 11 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi))

Bổ sung quy định về việc Người tập sự phải tự liên hệ việc tập sự hành nghề công chứng, đồng thời làm rõ hơn quy định về việc công chứng viên đã hoặc đang hành nghề thì bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề công chứng thì sau 12 tháng kể từ ngày chấp hành xong quyết định kỷ luật, quyết định xử phạt vi phạm hành chính mới được hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng.

(4) Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp công chứng viên Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi))

Sửa đổi theo hướng cắt giảm 2 loại giấy tờ trong thành phần hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên gồm: Bản sao bằng cử nhân luật hoặc thạc sĩ, tiến sĩ luật; bản sao giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề công chứng.

Các nội dung khác giữ nguyên như Điều 12 Luật Công chứng hiện hành.

(5) Bổ nhiệm lại chức danh nghề nghiệp công chứng viên

Cắt giảm bản sao quyết định bổ nhiệm công chứng viên trong thành phần hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên. Các nội dung khác giữ nguyên như Điều 16 Luật Công chứng hiện hành.

(6) Quyền và nghĩa vụ của công chứng viên

- Phương án 1: Giữ nguyên như Điều 17 Luật Công chứng hiện hành.

- Phương án 2: Bổ sung số lượng giao dịch tối đa, tối thiểu mà công chứng viên thực hiện trong một quý; không được thành lập hoặc tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh.

Một số điểm mới về tổ chức hành nghề công chứng trong Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)?

(1) Nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng (Điều 19 Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi))

- Phương án 1: Bổ sung quy định các địa phương phải xây dựng Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn (căn cứ vào diện tịch, số lượng và sự phân bố dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch…); không tập trung nhiều tổ chức hành nghề công chứng trên cùng một địa bàn cấp huyện.

- Phương án 2: Giữ nguyên như Điều 18 Luật Công chứng hiện hành.

(2) Phòng công chứng (Điều 20 Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi))

- Phương án 1: Giữ nguyên Điều 19 Luật Công chứng như hiện nay

- Phương án 2: Sửa đổi, bổ sung thẩm quyền bổ nhiệm Trưởng phòng công chứng từ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sang Giám đốc Sở Tư pháp.

(3) Chuyển đổi, giải thể Phòng công chứng (Điều 22 Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi))

Sửa đổi quy định tại khoản 1 theo hướng: Phòng công chứng hoạt động không hiệu quả tại các địa bàn mà Văn phòng công chứng đã đáp ứng được nhu cầu công chứng được xem xét chuyển đổi hoặc giải thể.

Các nội dung khác giữ nguyên như Điều 21 Luật Công chứng hiện hành.

(4) Văn phòng công chứng (Điều 23 Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi))

- Sửa đổi, bổ sung khoản 1:

+ Phương án 1:

“1. Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Văn phòng công chứng do 01 Công chứng viên thành lập được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng công chứng do 02 công chứng trở lên thành lập được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh”.

+ Phương án 2: Giữ nguyên như khoản 1 Điều 22 Luật Công chứng hiện hành.

- Sửa đổi, bổ sung khoản 3 về tên gọi của Văn phòng công chứng theo hướng tên gọi của Văn phòng công chứng không bắt buộc phải kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng.

(5) Thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng (Điều 24 Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi))

Sửa đổi, bổ sung nội dung:

- Quy định cụ thể hơn về Đề án thành lập Văn phòng công chứng về sự cần thiết, điều kiện đảm bảo hoạt động….

- Quy định cơ quan tiếp nhận hồ sơ thành lập Văn phòng công chứng tại Sở Tư pháp thay vì nộp tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như quy định hiện hành.

Các nội dung khác giữ nguyên như Điều 23 Luật Công chứng hiện hành.

(6) Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng (Điều 25 Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi))

Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 25 dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) theo hướng: Việc thay đổi trụ sở của Văn phòng công chứng từ địa bàn cấp huyện này sang địa bàn cấp huyện khác bảo đảm nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng tại Điều 20 dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

(7) Thay đổi thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng (Điều 28 Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi))

- Bổ sung quy định:

(1) Công chứng viên đã chấm dứt thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng không được phép tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới hoặc hợp danh tại Văn phòng công chứng khác trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chấm dứt thành viên hợp danh;

(2) Trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh mà Văn phòng công chứng không tiếp nhận được công chứng hợp danh mới để giữ nguyên loại hình hoạt động thì trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh, Văn phòng công chứng phải chuyển đổi loại hình hoạt động từ công ty hợp danh sang doanh nghiệp tư nhân hoặc bị thu hồi quyết định cho phép thành lập theo quy định tại Điều 30 dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

- Các nội dung khác giữ nguyên như Điều 27 Luật Công chứng hiện hành.

(8) Chuyển đổi loại hình Văn phòng công chứng (điều mới) (Điều 29 Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi))

Bổ sung mới quy định về nguyên tắc chung, hồ sơ, trình tự, thủ tục về việc chuyển đổi loại hình hoạt động của Văn phòng công chứng theo loại doanh nghiệp tư nhân sang loại hình công ty hợp danh và ngược lại.

(9) Thu hồi quyết định cho phép thành lập (Điều 52 Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi))

Sửa đổi, bổ sung 2 nội dung tại điểm d, đ khoản 1 Điều 32 dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) theo hướng:

(1) Văn phòng công chứng được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh chỉ còn một công chứng viên hợp danh nhưng không thực hiện đăng ký nội dung thay đổi loại hình từ công ty hợp danh thành doanh nghiệp tư nhân trong thời hạn 06 tháng;

(2) Bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 32 dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) thành toàn bộ công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng hoặc công chứng viên duy nhất của Văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân bị miễn nhiệm chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết.

Các nội dung khác giữ nguyên như Điều 30 Luật Công chứng hiện hành.

* Tạm ngừng hoạt động Văn phòng công chứng (điều mới) (Điều 33 Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi))

Bổ sung mới quy định về tạm ngừng hoạt động của Văn phòng công chứng theo hướng:

Văn phòng công chứng bị tạm ngừng hoạt động trong các trường hợp Trưởng Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập hoặc tất cả các công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng hoặc Văn phòng công chứng không đảm bảo điều kiện hoạt động khác theo quy định của Luật Công chứng và pháp luật có liên quan.

Sở Tư pháp nơi Văn phòng công chứng đặt trụ sở ra quyết định tạm ngừng hoạt động của Văn phòng. Thời gian tạm ngừng hoạt động không quá 12 tháng. Đồng thời quy định rõ việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch, cấp bản sao văn bản công chứng trong thời gian Văn phòng công chứng tạm ngừng hoạt động.

* Nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng (Điều 36 Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi))

Bổ sung quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ đóng dấu vào văn bản công chứng ngay sau khi công chứng viên ký vào văn bản công chứng

(có 1 đánh giá)
Phạm Thị Xuân Hương
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.274 
Việc làm mới nhất