CV là gì? Hướng dẫn cách viết CV gây ấn tượng với nhà tuyển dụng

(có 3 đánh giá)

Xin hỏi cách viết một CV thế nào để gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng? - Ngọc Anh (TP. HCM)

1. CV là gì?

CV (hay gọi đầy đủ là Curriculum Vitae) được xem là bản tóm tắt những thông tin về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc và các kỹ năng liên quan tới vị trí công việc ứng tuyển mà ứng viên muốn gửi đến nhà tuyển dụng. 

Đây là một thành phần không thể thiếu trong bộ hồ sơ xin việc của các ứng viên. 

CV là một công cụ hiệu quả giúp nhà tuyển dụng và các ứng viên có thể hiểu nhau hơn cũng như đóng một vai trò không nhỏ trong việc ra quyết định lựa chọn ứng viên của nhà tuyển dụng.

2. Vai trò của CV đối với ứng viên và nhà tuyển dụng

2.1 Đối với ứng viên

- CV được coi như một loại phương thức giúp các ứng viên “quảng bá” bản thân với nhà tuyển dụng. 

- CV cung cấp thông tin giới thiệu bản thân ứng viên, kinh nghiệm làm việc, những mục tiêu và kỹ năng nghề nghiệp hiện có. Những thông tin giúp ứng viên tạo ấn tượng ban đầu trước nhà tuyển dụng và tăng cơ hội được mời tới buổi phỏng vấn.

2.2 Đối với nhà tuyển dụng

- CV giúp nhà tuyển dụng biết được sơ lược về những người lao động muốn xin việc tại công ty của họ. 

- Một vị trí tuyển dụng sẽ có rất nhiều hồ sơ ứng viên được gửi đến, nhà tuyển dụng sẽ mất thời gian để sàng lọc hồ sơ ứng viên. CV sẽ là cơ sở để họ có đánh giá ban đầu về các ứng viên, tiết  kiệm thời gian sàng lọc.

Cách viết CV gây ấn tượng với nhà tuyển dụng

Cách viết CV gây ấn tượng với nhà tuyển dụng (Hình từ Internet)

3. Hướng dẫn cách viết các nội dung trong CV

3.1 Thông tin cá nhân

- Đây là phần để các ứng viên nêu ra nội dung tóm tắt về các thông tin cơ bản về bản thân như họ tên, ngày/tháng/năm sinh, địa chỉ, số điện thoại và email liên lạc, … 

Những thông tin này giúp nhà tuyển dụng có thể dễ dàng liên lạc với ứng viên. 

- Bên cạnh đó, các ứng viên có những trích dẫn mục tiêu sống hay những câu nói mà mình tâm đắc một cách ngắn gọn để thể hiện bản thân, gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng.

- Một nội dung không thể thiếu trong phần này là ảnh trên CV. 

+ Thực tế cho thấy có nhiều ứng viên không quan tâm tới phần ảnh trên CV và chỉ chọn bừa một bức ảnh cho có. Điều này có thể dẫn tới việc nhà tuyển dụng mất thiện cảm với CV của ứng viên.

+ Một số yêu cầu đối với ảnh trên CV là: ảnh trực diện, màu sắc tươi sáng, rõ nét, hạn chế sử dụng các hình ảnh seo-phi, …

3.2 Trình độ học vấn

Tại phần này, các ứng viên nên ghi một số nội dung sau:

- Bậc học cao nhất, ngành nghề chuyên môn, nơi học tập, đào tạo;

- Liệt kê thêm những thành tích, giải thưởng đã đạt được trong quá trình học tập (nếu có). Ngoài ra, ứng viên có thể ghi thêm về những dự án, công trình nghiên cứu khoa học, các khóa học chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan đến vị trí ứng tuyển mà ứng viên đã tham gia.

Các thông tin giúp nhà tuyển dụng thấy được năng lực, chuyên môn cũng như sự năng động, nhiệt huyết của các ứng viên.

3.3 Kỹ năng

- Kỹ năng được xem là khả năng vận dụng những kiến thức, hiểu biết của các ứng viên giúp mình giải quyết hiệu quả công việc chuyên môn cũng như giao tiếp, ứng xử tốt trong quá trình làm việc, … 

- Các ứng viên cần phân biệt rõ giữa kỹ năng cứng, kỹ năng mềm và chỉ nên liệt kê những kỹ năng phù hợp với vị trí công việc ứng tuyển.

- Thông qua các kỹ năng đã nêu, nhà tuyển dụng có thể xem xét và đánh giá trình độ, khả năng làm việc của ứng viên. 

Do đó, các ứng viên nên trình bày các kỹ năng chính và có liên quan đến vị trí ứng tuyển, giúp cho nhà tuyển dụng thấy được rằng bạn chính là lựa chọn thích hợp cho vị trí đó.

3.4 Kinh nghiệm làm việc

- Đây là phần để ứng viên nêu ra những công việc mình đã từng làm trước đây, tuy nhiên không phải công việc nào cũng nên liệt kê hết vào CV. Điều đó sẽ làm cho CV trở nên dài và không có điểm nhấn cụ thể. 

- Ứng viên nên nêu ra những kinh nghiệm công việc có liên quan đến vị trí ứng tuyển, nhằm gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng.

- Nếu ứng viên đang là sinh viên hay chưa có kinh nghiệm làm việc thì có thể liệt kê các hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội từng tham gia hay các công việc làm thêm như: phục vụ, bán hàng, ...

3.5 Mục tiêu nghề nghiệp

- Mục tiêu nghề nghiệp chính là đích đến của sự nghiệp mà ứng viên mong muốn đạt được trong tương lai, thông qua việc định hướng và trang bị những kiến thức, kinh nghiệm cần có.

- Ứng viên cần phân biệt rõ giữa mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn để biết được bản thân cần làm gì và phải làm gì để đạt được những mục tiêu đó.

Điều này giúp cho nhà tuyển dụng thấy được bạn có sự cầu tiến trong công việc và có khả năng hoạch định, quản lý hiệu quả. Với những ứng viên có mục tiêu sự nghiệp rõ ràng và được lên kế hoạch chỉnh chu sẽ có thể nhận được đánh giá cao từ nhà tuyển dụng.

- Khi viết mục tiêu nghề nghiệp, nên tránh việc đặt mục tiêu quá cao cũng như không nên viết một cách chung chung hay thậm chí là sao chép ở đâu đó, bởi nhà tuyển dụng sẽ không thấy được sự khác biệt giữa bạn và những ứng viên còn lại.

Ngoài ra, còn nhiều nội dung khác mà các ứng viên có thể lựa chọn đưa vào CV để giúp CV của mình có nhiều thông tin hơn, giúp nhà tuyển dụng hiểu hơn về ứng viên như điểm mạnh, điểm yếu, sở thích của ứng viên, …

4. Những lưu ý khi viết CV

Một số lưu ý khi viết CV mà các ứng viên nên lưu tâm như:

- Đưa các thông tin quan trọng lên đầu vì nhà tuyển dụng thường không có nhiều thời gian để có thể đọc các thông tin ứng viên, cũng như dễ tạo ấn tượng cho nhà tuyển dụng hơn;

- Độ dài tối đa 2 trang A4, nhưng tốt nhất là 1 trang A4;

- Không được viết tắt, viết sai chính tả;

- Nên dùng từ ngữ chuyên ngành để mô tả chính xác công việc;

- Trung thực với thông tin đưa ra;

- Cung cấp các số liệu để tăng sự thuyết phục cho phần kinh nghiệm làm việc cũng như thành tích trong học tập, công việc.

Hiện nay, CV có rất nhiều loại và phong cách khác nhau. Các ứng viên có thể lựa chọn một trong các công cụ như Canva, PowerPoint hay các trang web tạo CV; xem các video hướng dẫn làm CV trên Youtube, … để tạo ra một CV giúp ứng viên “quảng bá” mình và tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng.

(có 3 đánh giá)
Theo Văn Trọng
2.903