Chứng thực sơ yếu lý lịch được thực hiện ở đâu? Cần mang theo những giấy tờ gì khi đi chứng thực?

(có 1 đánh giá)

Con tôi chuẩn bị đi làm và công ty có yêu cầu cháu nộp hồ sơ xin việc, trong đó có sơ yếu lý lịch và có yêu cầu chứng thực. Vậy cho tôi hỏi có thể chứng thực sơ yếu lý lịch tại đâu và cần mang theo giấy tờ gì khi đi chứng thực? Câu hỏi của anh Quang (Hà Nội).

Chứng thực sơ yếu lý lịch được thực hiện ở đâu?

Căn cứ khoản 9 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định như sau:

Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

...

9. “Người thực hiện chứng thực” là Trưởng phòng, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; công chứng viên của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng; viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự của Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

Chiếu theo quy định này thì người yêu cầu chứng thực sơ yếu lý lịch có thể thực hiện tại một trong những địa điểm sau:

(1) Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (người thực hiện chứng thực là Trường phòng hoặc Phó Trường phòng).

(2) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (người thực hiện chứng thực là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tương ứng).

(3) Phòng công chứng, Văn phòng công chứng (người thực hiện chứng thực là công chứng viên).

(4) Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (người thực hiện chứng thực là viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự).

Chứng thực sơ yếu lý lịch được thực hiện ở đâu?

Chứng thực sơ yếu lý lịch được thực hiện ở đâu? (Hình từ Internet)

Người yêu cầu chứng thực sơ yếu lý lịch cần mang theo giấy tờ gì?

Căn cứ Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định như sau:

Thủ tục chứng thực chữ ký

1. Người yêu cầu chứng thực chữ ký của mình phải xuất trình các giấy tờ sau đây:

a) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;

b) Giấy tờ, văn bản mà mình sẽ ký.

2. Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ yêu cầu chứng thực, nếu thấy đủ giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình và việc chứng thực không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 25 của Nghị định này thì yêu cầu người yêu cầu chứng thực ký trước mặt và thực hiện chứng thực như sau:

a) Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực chữ ký theo mẫu quy định;

b) Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.

Đối với giấy tờ, văn bản có từ (02) hai trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu giấy tờ, văn bản có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.

3. Đối với trường hợp chứng thực chữ ký tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thì công chức tiếp nhận hồ sơ kiểm tra các giấy tờ, nếu nhận thấy người yêu cầu chứng thực có đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều này thì đề nghị người yêu cầu chứng thực ký vào giấy tờ cần chứng thực và chuyển cho người có thẩm quyền ký chứng thực.

4. Thủ tục chứng thực chữ ký quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều này cũng được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

a) Chứng thực chữ ký của nhiều người trong cùng một giấy tờ, văn bản;

b) Chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân;

c) Chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập theo quy định của pháp luật;

d) Chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.

Như vậy, người yêu cầu chứng thực sơ yếu lý lịch cần mang theo giấy tờ sau:

- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;

- Sơ yếu lý lịch.

Sau khi nhận các giấy tờ nêu trên, người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ yêu cầu chứng thực, nếu thấy đủ giấy tờ nêu trên, tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình và việc chứng thực không thuộc các trường hợp không được chứng thực thì yêu cầu người yêu cầu chứng thực ký trước mặt và thực hiện chứng thực.

Ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm về tính xác thực thông tin của sơ yếu lý lịch?

Căn cứ Điều 15 Thông tư 01/2020/TT-BTP quy định về chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân như sau:

Chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân

1. Các quy định về chứng thực chữ ký tại Mục 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP được áp dụng để chứng thực chữ ký trên tờ khai lý lịch cá nhân. Người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng chứng thực theo mẫu quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân thì tuân theo pháp luật chuyên ngành.

2. Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình. Đối với những mục không có nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực.

Đối chiếu với quy định này thì người yêu cầu chứng thực lý lịch cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình.

Cũng theo quy định này thì đối với những mục không có nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực.

 

(có 1 đánh giá)
Theo Phạm Thị Xuân Hương
2.760