Cách phân biệt Công ty Luật “xịn” và Công ty Luật “đểu”

(có 4 đánh giá)

Đầu tiên tôi xin nhấn mạnh, "xịn" ở đây cần được hiểu là Công ty Luật thành lập theo đúng quy định của Luật Luật sư. Còn "đểu" là được hiểu là Công ty không phải là tổ chức hành nghề Luật sư, không được thành lập theo Luật Luật sư nhưng cố tình gây nhầm lẫn rằng đó là Tổ chức hành nghề Luật sư.

>> Phân biệt Văn phòng luật sư và Công ty luật

Nghề Luật sư là mục tiêu của một nhóm các bạn Cử nhân Luật mới ra trường. Để theo đuổi được nghề, thì Cử nhân Luật cần phải làm việc ở các tổ chức hành nghề Luật sư, một phần là để trau dồi kinh nghiệm, một phần là theo quy định thì một trong những bước quan trọng để trở thành Luật sư là phải trải qua quá trình tập sự tại tổ chức hành nghề Luật sư. Chính vì vậy, không ít trường hợp chấp nhận lương thấp, thậm chí làm không lương để thực hiện ước mơ, theo đuổi đam mê làm Luật sư của mình.

Việc “chọn mặt gửi vàng”, “chọn công ty, gửi sự cống hiến” hết sức quan trọng với Cử nhân Luật. Chúng ta chưa bàn đến mức độ uy tín, sự nhiệt huyết và chuyên môn của Luật sư hướng dẫn. Trước tiên, điều quan tâm lớn nhất của mỗi Cử nhân Luật mới ra trường, là liệu Công ty mình làm có phải là “Công ty Luật” “xịn” hay không? Có hoạt động theo quy định của Luật Luật sư hay không? Có được đăng ký và quản lý bởi Sở Tư pháp hay không?...

Thật vậy, trên thị trường hiện nay không ít những Công ty cố tình sử dụng những thành tố như “Law” “Luật” “Lawfirm” để gây hiểu lầm cho khách hàng, cho người lao động. Và không ít người nhầm lẫn, và nghĩ rằng đó là tổ chức hành nghề Luật sư.

Ví dụ: Công ty Cổ phần Alibaba Lawfirm.

Đây là một công ty con thuộc tập đoàn Địa ốc Alibaba đầy tai tiếng. Thành tố Lawfirm khiến người lao động, khách hàng, những người không quá am tường về Luật pháp lầm tưởng rằng đây là công ty Luật. Nhưng thực tế không phải, bởi tổ chức hành nghề Luật sư theo Luật Luật sư không được tổ chức dưới hình thức công ty Cổ phần.

Trên là một ví dụ cụ thể, sau đây tôi xin chia sẻ một số cách để phân biệt đâu là “công ty Luật xịn” đâu là “Công ty Luật đểu” để các bạn Cử nhân Luật lưu ý, để “trao thân gửi phận”.

Cách phân biệt Công ty Luật “xịn” và Công ty Luật “đểu”

Hình từ Internet

1. Hình thức tổ chức của Tổ chức hành nghề Luật sư

Theo quy định của Luật Luật sư hiện hành, tổ chức hành nghề Luật sư được tổ chức như sau:

- Văn phòng Luật sư: Tổ chức dưới dạng Doanh nghiệp tư nhân;

Tên của Văn phòng Luật sư sẽ bắt đầu bằng thành tố “Văn phòng Luật sư”, tiếp nối là tên riêng tùy thuộc theo cách đặt của chủ sở hữu:

VD: Văn phòng Luật sư Tín Nghĩa, Văn phòng Luật sư Hải Đăng…

- Công ty Luật: Công ty Luật được tổ chức dưới 02 hình thức:

+ Công ty TNHH: Bao gồm Công ty Luật TNHH 1 thành viên, Công ty Luật TNHH 2 thành viên trở lên;

Ví dụ: Công ty Luật TNHH Hãng Luật Hưng Yên

Đối với tên của Tổ chức hành nghề Luật sư đúng theo quy định của Luật Luật sư thì thành tố “Luật” phải đứng trước thành tố “TNHH”.

+ Công ty Hợp danh: Công ty Luật hợp danh được tổ chức dưới hình thức Công ty hợp danh, tuy nhiên đặc biệt công ty Luật hợp danh không có thành viên góp vốn.

VD: Công ty Luật hợp danh Phương Đông.

Với tên của loại hình này, thành tố “Luật” cũng phải đứng trước loại hình công ty.

2. Công ty Cổ phần chắc chắn không thể là Tổ chức hành nghề Luật sư

Như đã đề cập, Tổ chức hành nghề Luật sư chi được tổ chức dưới 3 dạng: VPLS, Công ty Luật TNHH và Công ty Luật Hợp danh. Tất cả những công ty là Công ty Cổ phần không thể là Công ty Luật.

3. Tra cứu mã số thuế:

Để phân biệt đâu là công ty Luật “xịn”, có một thủ thuật nhỏ bạn cần biết. Đó là tra cứu mã số thuế của Công ty này.

Sau đó, dùng mã số thuế tra cứu trên trang https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/Trangchu.aspx

Nếu với mã số thuế tương ứng, bạn tra cứu ra kết quả trên trang này thì chắc chắn đây là Công ty thương mại, được điều chỉnh bởi Luật doanh nghiệp chứ không phải là Tổ chức hành nghề Luật sư.

(có 4 đánh giá)
Theo Trương Nguyễn Thạch
5.767