Các hình thức kỷ luật đối với luật sư năm 2024

(có 2 đánh giá)

Luật sư thực hiện các hành vi vi phạm Luật Luật sư, Điều lệ, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư có thể bị kỷ luật với hình thức kỷ luật tương ứng mức độ và tính chất của hành vi vi phạm. 

Khi nào thì Luật sư bị xử lý kỷ luật?

Theo quy định tại Điều 85 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi năm 2012 và Điều 42 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 856/QĐ-TTg năm 2022, Luật sư có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Nội quy Đoàn Luật sư, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam và các quy định khác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật với hình thức kỷ luật tương ứng mức độ và tính chất của hành vi vi phạm. 

Các hình thức kỷ luật đối với luật sư năm 2024

Các hình thức kỷ luật đối với luật sư năm 2024 (Hình từ Internet)

Các hình thức xử lý kỷ luật luật sư năm 2024

Theo quy định tại Điều 85 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi năm 2012 và Điều 42 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 856/QĐ-TTg năm 2022 hiện hành có 4 hình thức kỷ luật luật sư, bao gồm:

(1) Kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

(2) Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

(3) Kỷ luật bằng hình thức tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn Luật sư từ 06 tháng đến 24 tháng.

(4) Kỷ luật bằng hình thức xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư: Đối với hình thức kỷ luật xóa tên khỏi danh sách của Đoàn Luật sư thì bao gồm 2 trường hợp:

- Đương nhiên bị Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư xử lý kỷ luật bằng hình thức xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư mà không phải theo thủ tục xử lý kỷ luật luật sư khi rơi vào các trường hợp sau:

+  Bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư trong các trường hợp quy định tại các điểm h và i khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư. 

+ 18 tháng không đóng phí thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam hoặc phí thành viên Đoàn Luật sư.

- Xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư theo thủ tục xử lý kỷ luật luật sư khi rơi vào các trường hợp sau:

+ Vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Nội quy Đoàn Luật sư, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. 

+ Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn Luật sư mà trong thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định kỷ luật lại có hành vi vi phạm đến mức bị xem xét xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên.

Ai là người có thẩm quyền xử lý kỷ luật Luật sư?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 85 Luật Luật sư 2006 và khoản 2 Điều 42 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 856/QĐ-TTg năm 2022 thẩm quyền xử lý kỷ luật Luật sư thuộc về Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư theo đề nghị của Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư.

Lưu ý: Trường hợp luật sư bị xem xét kỷ luật là thành viên Ban Chủ nhiệm, thành viên Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư thì không được tham gia với tư cách là thành viên Ban Chủ nhiệm, thành viên Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư khi xem xét kỷ luật đối với mình.

(có 2 đánh giá)
Theo Nguyễn Thành Đạt
2.316 
Click vào đây để xem danh sách Tuyển dụng Luật sư hoặc nhận thông báo thường xuyên về Tuyển dụng Luật sư
Click vào đây để xem danh sách Tuyển dụng Luật sư hoặc nhận thông báo thường xuyên về Tuyển dụng Luật sư