03 quy tắc ngầm bạn nên biết để thăng tiến trong sự nghiệp

Chốn công sở, dù ở bất kì nơi đâu cũng chính là một xã hội thu nhỏ. Ở đó có đủ các thành phần trong xã hội, là tập hợp của những cá thể với những cá tính khác nhau. Chính vì vậy việc sống tốt trong chốn công sở phải đòi hỏi kỹ năng, và để thăng tiến phải cần kỹ năng thật tốt.

 

Chắc hẳn ít nhất một lần bạn đã suy nghĩ rằng, tại sao trong môi trường làm việc hàng chục, hàng tram người, lại có người thăng tiến tốt, có người đi làm vẫn mãi dậm chân tại chỗ ở một vị trí công việc, không có sự tiến triển theo chiều hướng tích cực. Đi làm ai cũng mưu cầu sự thăng tiến trong sự nghiệp, tuy nhiên không phải ai cũng có thể thực hiện được mong muốn của mình. Ở trong bất kì môi trường nào, dù là một công ty lớn với hàng trăm nhân viên, hay là công ty nhỏ với lượng nhân sự chỉ vài chục, ở đâu cũng có người nổi trội hơn phần còn lại. Bài toán ở đây chúng ta cần giải, là làm thế nào để người nổi bậc hơn phần còn lại chính là chúng ta?

Bạn có phải là người đưa ra giải pháp?

Dưới góc nhìn của một người quản lý cấp cao trong một tổ chức có quy mô lớn. Họ sẽ đánh giá cao những nhân viên trong mọi tình huống đều có cách giải quyết của riêng mình chứ không phải là đợi chỉ đạo hay cầm tay chỉ việc.

Những người có tố chất lãnh đạo là những người biết nhìn ra hiện tượng, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng và cách để giải quyết hiện tượng đó. Và đây chính là điều những người lãnh đạo sẽ đánh giá cao ở một nhân viên.

Ví dụ: Trong một công ty thương mại điện tử, lượng hàng hóa A trong tháng bán có sự sụt giảm mạnh. Một nhân viên được đánh giá cao là người biết cách tìm lý do tại sao hàng A lại được bán ít? Do nhu cầu của xã hội, do thiết kế website không thuận tiện cho người mua hàng? Do nguồn hàng không đảm bảo? Họ sẽ biết liệt kê, cân đo đong đếm các nguyên nhân và có hướng xử lý nó một cách triệt để.

Bạn có thường trốn tránh công việc?

Khi đi làm, ở mỗi vị trí công việc đều có vai trò, phân công nhiệm vụ riêng. Tuy nhiên khi cùng hòa mình trong một tập thể, công việc là công việc chung của cả công ty, việc dốc sức vì tập thể trong giới hạn phạm vi khả năng của mình là điều mà mỗi nhân viên nên làm.

Một nhân viên kế toán chỉ biết làm sổ sách, một nhân viên kinh doanh chỉ biết đi bán hàng, một nhân viên pháp chế chỉ biết thiết lập quy định nội bộ, một nhân viên C&B chỉ việc lo tiền lương, bảo hiểm… Đương nhiên việc mỗi người tập trung vào một nhiệm vụ thì hiệu quả công việc sẽ tốt hơn. Tuy nhiên công việc không lúc nào cũng chạy theo một guồng máy đã thiết đặt sẵn.

Và khi phát sinh những công việc ngoài lề, khi chúng có khả năng làm thì không nên từ chối.

Ví dụ, dù là nhân viên kế toán nhưng bạn biết một chút về đồ họa thì có thể giúp công ty cải thiện một vài banner quảng cáo trên website. Hoặc là một nhân viên pháp chế nhưng bạn có thể giúp bộ phận lễ tân giải quyết hồ sơ, thủ tục ban đầu khi vị trí này bị khuyết hoặc đang bận một việc nào khác.

Khi làm những việc này, mục đích chính không phải là để lấy điểm trong mắt lãnh đạo. Mà khi làm những việc này sẽ giúp bạn trải nghiệm được nhiều việc khác nhau, giúp bạn trở nên “đa nhiệm” hơn và vô tình bạn trở lên hoạt bát, nhiệt huyết hơn mà chính bạn cũng không nhận ra sự thay đổi của mình. Sự trốn tránh việc chung, từ chối vì đó không phải là “việc của mình” vô tình theo thời gian sẽ khiến bạn có tâm lý ù lì, thiếu gắn kết với tập thể.

Bạn có biết tự tạo cơ hội cho chính mình?

Trong cuộc sống, việc nắm bắt được cơ hội chính là một yếu tố quan trọng quyết định bạn có thành công, đạt được mục tiêu của mình hay không. Tuy nhiên cơ hội không phải lúc nào cũng tự đến mà cơ hội chỉ đến với kẻ biết nổ lực.

Cuộc sống cũng giống như một trận bóng đá. Cơ hội phản công chỉ đến với những đội bóng có hàng phòng thủ kiêng cường. Cơ hội ghi bàn chỉ đến với những đội bóng có hàng công biết tạo ra áp lực lên hàng thủ đối phương…

Trong công việc cũng vậy. Lãnh đạo chỉ dám giao trọng trách cho những người có năng lực, có nhiệt huyết và đủ sự tự tin. Vậy để có được những cơ hội đó, không còn cách nào khác bạn phải tự thân nổ lực, tự tạo niềm tin cho lãnh đạo bằng những hiệu quả công việc thường ngày, từ những nổ lực phát triển bản thân trong môi trường công sở, từ những sự quyết đoán, hợp lý trong mối quan hệ với đồng nghiệp… chỉ có như vậy cơ hội mới có thể đến với bạn, và việc tiếp theo là bạn sẽ nắm bắt và phát huy nó.

 

 

 

Theo Trương Nguyễn Thạch
3.393