Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
Thúc đẩy phát triển du lịch 2025 theo chỉ đạo mới nhất Thủ tướng Chính phủ
Triển khai kế hoạch thúc đẩy phát triển du lịch 2025, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều yêu cầu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Pháp luật quy định những biện pháp an toàn nào khi kinh doanh sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe du khách?
Thủ tướng Chính phủ đưa ra các yêu cầu nào cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong kế hoạch thúc đẩy phát triển du lịch 2025?
Theo Công điện 34/CĐ-TTg ngày 10/4/2025 Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra các yêu cầu sau đây đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
[1] Đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến du lịch, chủ động triển khai Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025 và các năm tiếp theo.
+ Chủ động đổi mới cách thức, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp, hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá du lịch ở trong nước và nước ngoài xây dựng và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
+ Kết hợp sử dụng nguồn lực của Nhà nước và huy động hiệu quả sự tham gia của toàn xã hội trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.
+ Phát huy vai trò của phương tiện truyền thông, tạo đột phá trong hoạt động xúc tiến quảng bá thị trường trong nước, kết hợp với nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí ngành Du lịch.
+ Phối hợp với Bộ Ngoại giao nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan đại diện ở nước ngoài trong việc xúc tiến, quảng bá du lịch; khuyến khích doanh nghiệp du lịch đặt văn phòng đại diện tại nước ngoài; phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 5 năm 2025.
+ Chủ trì, phối hợp với các Độ, ngành, địa phương liên quan nâng cao hiệu quả liên kết xây dựng và triển khai các chương trình kích cầu du lịch gắn với các gói sản phẩm, dịch vụ và doanh nghiệp cụ thể, bảo đảm tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa; hoàn thành trong tháng 5 năm 2025.
[2] Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch
+ Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch. Khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược, có trách nhiệm với môi trường đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các khu du lịch quốc gia, các dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm.
+ Phát triển các loại hình, sản phẩm dịch vụ đang được quan tâm như: du lịch sức khỏe, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trăng mật, du lịch golf,... Tăng cường vận động, đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế để thúc đẩy du lịch sự kiện, hội thảo (MICE). Tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật du lịch đặc sắc cấp quốc gia, quốc tế gắn với công nghiệp giải trí để tạo “tiếng vang” thu hút, hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước.
+ Tăng cường liên kết để phát huy hiệu quả thế mạnh, lợi thế khác biệt, nổi trội của từng địa phương, từng vùng trong phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng; tăng cường kết nối sản phẩm với thị trường, chú trọng gia tăng giá trị thương hiệu sản phẩm du lịch. Thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch, tiêu dùng du lịch gắn với “xuất khẩu tại chỗ” các sản phẩm văn hóa, nông nghiệp, công nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh.
[3] Đẩy nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong phát triển du lịch
+ Ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch; phát triển du lịch thông minh; xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu và quản lý tài nguyên du lịch. Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch.
+ Khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư du lịch có trách nhiệm theo hướng đầu tư xanh và bền vững, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh.
+ Phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như du lịch sinh thái, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe; báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 5 năm 2025.
+ Phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ứng dụng rộng rãi công nghệ trong thanh toán dịch vụ du lịch hướng tới giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt; hướng dẫn và khuyến khích khách du lịch sử dụng các hình thức thanh toán điện tử trên các thiết bị thông minh.
[4] Tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận các điểm đến du lịch
+ Phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan, địa phương liên quan tăng cường chỉ đạo việc kết nối hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường biển trong nước và quốc tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước tháng 6 năm 2025; đẩy mạnh thu hút đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không, cảng biển, nhà ga phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, nhất là tại các địa phương trọng điểm đón khách du lịch thông qua việc hợp tác công - tư hoặc xã hội hóa.
+ Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường năng lực kết nối và dịch vụ thuận lợi tiếp cận các điểm đến du lịch với các trung tâm đầu mối đón khách du lịch; báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 8 năm 2025.
+ Chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý điểm đến, kiểm soát sức chứa tại khu, điểm du lịch và bảo vệ môi trường du lịch; đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch và môi trường điểm đến, xử lý nghiêm các vi phạm để tạo môi trường du lịch đồng bộ, an toàn, văn minh, thân thiện.
Thúc đẩy phát triển du lịch 2025 (Hình từ internet)
Những biện pháp an toàn nào khi kinh doanh các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe du khách?
Căn cứ Điều 9 Nghị định 168/2017/NĐ-CP, có 05 biện pháp bảo đảm an toàn khi kinh doanh các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe du khách như sau:
[1] Có cảnh báo, chỉ dẫn về điều kiện khí hậu, thời tiết, sức khỏe và các yếu tố liên quan khi cung cấp các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch.
[2] Có phương án cứu hộ, cứu nạn; bố trí lực lượng cứu hộ khách du lịch và can thiệp, xử lý, ứng cứu kịp thời các sự cố, tai nạn, rủi ro xảy ra; duy trì, bảo đảm thông tin liên lạc với khách du lịch trong suốt thời gian cung cấp sản phẩm.
[3] Bố trí, sử dụng huấn luyện viên, kỹ thuật viên, hướng dẫn viên có chuyên môn phù hợp.
[4] Phổ biến các quy định về bảo đảm an toàn cho khách du lịch; hướng dẫn các thao tác kỹ thuật cho khách du lịch trước khi cung cấp sản phẩm du lịch.
[5] Cung cấp, hướng dẫn sử dụng và giám sát việc sử dụng trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, bảo đảm an toàn cho khách du lịch.
Xem thêm:
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];