Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
Số lượng lãnh đạo và chính sách cho cán bộ công chức sau sáp nhập tỉnh quy định thế nào?
Nghị quyết 76 quy định về số lượng lãnh đạo, quản lý và chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác trong cơ quan nhà nước thuộc diện sắp xếp
Sau sáp nhập tỉnh, yêu cầu số lượng lãnh đạo, quản lý và chính sách cho cán bộ công chức như thế nào?
Căn cứ Điều 11 Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15, quy định chi tiết về số lượng lãnh đạo, quản lý và chế độ, chính sách đối với cán bộ công chức viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sau sắp xếp đơn vị hành chính như sau:
[1] Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm yêu cầu tinh giản gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan nhà nước ở Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn và của tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, bảo đảm yêu cầu tinh giản gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
[2] Tổng số cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp tỉnh trước sắp xếp. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp không vượt quá tổng số cán bộ, công chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp, không kể số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện được bố trí làm việc tại đơn vị hành chính cấp xã.
[3] Tại thời điểm sắp xếp, số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc có thể nhiều hơn số lượng so với quy định. Chậm nhất là 05 năm kể từ ngày nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã có hiệu lực thi hành, số lượng và việc bố trí lãnh đạo, quản lý, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính sau sắp xếp thực hiện theo quy định.
[4] Giữ nguyên chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức chịu ảnh hưởng của việc sắp xếp đơn vị hành chính mà vẫn là cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trong thời gian 06 tháng kể từ khi có văn bản bố trí công tác. Sau thời hạn này, thực hiện chế độ, chính sách và phụ cấp chức vụ theo quy định của pháp luật.
[5] Căn cứ quy định của Chính phủ, quy định, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức có liên quan kịp thời thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy bảo đảm đúng đối tượng và quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động do sắp xếp đơn vị hành chính.
Quy định số lượng lãnh đạo, quản lý sau sáp nhập tỉnh (Hình từ internet)
Trình tự, thủ tục xây dựng và thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thực hiện thế nào?
Căn cứ Điều 9 Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15, quy định trình tự, thủ tục xây dựng và thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã như sau:
(1) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn theo các nguyên tắc sắp xếp và định hướng về tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 và Điều 5 Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15.
(2) Hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã gồm có:
- Tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã;
- Đề án về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15;
- Báo cáo tổng hợp ý kiến Nhân dân, ý kiến của Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan;
- Dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã;
- 02 tờ bản đồ, gồm 01 tờ bản đồ về hiện trạng địa giới của tất cả các đơn vị hành chính cấp xã có liên quan và 01 tờ bản đồ về phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã;
- Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
(3) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; quyết định nội dung, hình thức lấy ý kiến theo hướng dẫn của Chính phủ.
(4) Sau khi có kết quả lấy ý kiến Nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thiện đề án, gửi Hội đồng nhân dân các cấp có liên quan xem xét, biểu quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tổng hợp và gửi Bộ Nội vụ để thẩm định.
(5) Bộ Nội vụ tổ chức thẩm định nội dung đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã do địa phương chuẩn bị và tổng hợp, xây dựng đề án của Chính phủ về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của từng đơn vị hành chính cấp tỉnh, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trường hợp đơn vị hành chính cấp tỉnh có định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quy quyền phê duyệt thì Bộ Nội vụ tổng hợp nội dung đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của các đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sắp xếp, xây dựng đề án về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp tỉnh dự kiến hình thành sau sắp xếp.
(6) Hồ sơ đề án của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 30 tháng 5 năm 2025.
Hồ sơ đề án phải được Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội thẩm tra làm cơ sở trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước ngày 30 tháng 6 năm 2025 để bảo đảm có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
Xem toàn văn Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15 về sắp xếp ĐVHC.
Xem thêm:
- Quyết định 759: sau sáp nhập, chế độ chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức viên chức được bố trí làm việc tại tỉnh mới ra sao?
- Bản đồ hành chính Việt Nam sau sáp nhập tỉnh thành 2025 chính thức có khi nào? Bản đồ Việt Nam mới nhất 2025?
- Sơ đồ tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp sau sáp nhập tỉnh 2025
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];