KOLs quảng cáo sai sự thật bị phạt như thế nào?

Người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật có thể xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định hiện hành.

Đăng bài: 20:35 14/04/2025

KOLs là gì?

KOL (viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Key opinion leader", tức "người dẫn dắt dư luận chủ chốt") hay còn gọi là "người có sức ảnh hưởng", là một cá nhân hay tổ chức có kiến thức sản phẩm chuyên môn và có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực hay ngành nghề của họ.

KOL được chia thành 03 nhóm chính: Celebrity, Influencer, Mass Seeder.

Celebrity (thường gọi là Celeb: Người nổi tiếng)

Là những người nổi tiếng, các ca sĩ, diễn viên hạng A có lượng fan đông đảo và có sự ảnh hưởng lớn tới cộng đồng

Influencer (người gây ảnh hưởng)

Là những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, có thể đến từ những lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Không chỉ có doanh nhân, ca sĩ, blogger, nghệ sĩ hài… mà bất kỳ người dùng online nào cũng có thể trở thành một influencer.

Mass seeder

Là những người có sức ảnh hưởng ở những nhóm khách hàng nhỏ lẻ. Những nhân vật Mass seeder thường là những người chia sẻ các nội dung từ celebs/ influencers – nhằm quảng cáo thương hiệu đến các nhóm khách hàng nhỏ này.

Tóm lại, KOLs là những cá nhân có ảnh hưởng, thường là chuyên gia hoặc người nổi tiếng trong một lĩnh vực cụ thể. Họ được công nhận vì kiến thức chuyên môn, sự sáng tạo, hoặc khả năng giao tiếp của mình và có khả năng tác động đến quan điểm hoặc hành vi của người khác, đặc biệt là trong marketing và truyền thông.

Lưu ý: Thông tin nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo.

KOLs quảng cáo sai sự thật bị phạt như thế nào?

KOLs quảng cáo sai sự thật bị phạt như thế nào? (Hình từ Internet)

KOLs quảng cáo sai sự thật bị phạt như thế nào?

Hành vi quảng cáo sai sự thật được coi là quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố (khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012).

Hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi bị cấm trong Luật quảng cáo 2012. Người nổi tiếng lợi dụng danh tiếng, tầm ảnh hưởng để quảng cáo sai, gây nhầm lẫn sẽ bị xử phạt hành chính và nặng hơn là truy cứu trách nhiêm hình sự.

Về xử phạt hành chính

Theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Lưu ý: Đây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân vi phạm, riêng đối với tổ chức vi phạm thì sẽ chịu phạt gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân cho cùng một hành vi vi phạm, theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, hành vi quảng cáo sai sự thật còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 đến 07 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 4, khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối và buộc cải chính thông tin.

Cơ sở pháp lý: khoản 5, 7, 8 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự

Ngoài bị xử phạt hành chính, quảng cáo sai sự thật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh "Quảng cáo gian dối" theo quy định tại Điều 197 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

7 Hoàng Yến

- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;

- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;

- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];

CHỦ QUẢN: Công ty TNHH THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Mã số thuế: 0315459414, cấp ngày: 04/01/2019, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM.

Đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Tường Vũ

GP thiết lập trang TTĐTTH số 30/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP.HCM cấp ngày 15/06/2022.

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số: 4639/2025/10/SLĐTBXH-VLATLĐ cấp ngày 25/02/2025.

Địa chỉ trụ sở: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
...loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu...
Thư Viện Nhà Đất
...hiểu pháp lý, rõ quy hoạch, giao dịch nhanh...