Kiểm soát lạm phát trong tình hình biến động nền kinh tế toàn cầu 2025 được thực hiện như thế nào? Ngoại hối bao gồm những gì?
Tình hình chiến tranh thương mại xảy ra diện rộng, triển vọng kinh tế thế giới suy giảm đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ưu tiên kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế. Vậy việc triển khai nhiệm vụ kiểm soát lạm phát được thực hiện thế nào?
Nội dung chính
Kiểm soát lạm phát trước tình hình biến động kinh tế toàn cầu (Hình từ internet)
Ưu tiên kiểm soát lạm phát được thực hiện như thế nào?
Tại Công điện 47/CĐ-TTg ngày 22/4/2025 có đề cập đến tình hình nền kinh tế toàn cầu, cụ thể:
Từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình thế giới xuất hiện nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, chiến tranh thương mại xảy ra diện rộng, triển vọng kinh tế thế giới suy giảm... đặt ra nhiều khó khăn, thách thức.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế
(1) Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao
- Chủ động bám sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, không để bị động, bất ngờ. Trong đó cần triển khai ngay các giải pháp thích ứng linh hoạt, hiệu quả cả trước mắt và lâu dài với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ.
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 5/2/2025; đặc biệt 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP quý I năm 2025 theo kịch bản đề ra phối hợp với Bộ Tài chính làm rõ nguyên nhân để có giải pháp đột phá, khả thi, tăng tốc phát triển trong các tháng, quý tiếp theo của năm 2025.
(2) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương
- Hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 8/1/2025 trình Chính phủ trước ngày 25/4/2025; trong đó điều chỉnh kịch bản tăng trưởng quý II và các quý còn lại của năm 2025, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên.
- Rà soát, đánh giá tác động từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam; xây dựng các chính sách hỗ trợ về tài khóa đối với doanh nghiệp, người lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 4 năm 2025.
(3) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương
- Theo dõi chặt chẽ tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn; sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
- Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; đẩy mạnh cho vay ngắn hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.
- Khẩn trương nghiên cứu, kêu gọi các ngân hàng khẩn trương chung tay xây dựng các gói tín dụng ưu đãi cho người dưới 35 tuổi mua nhà, gói tín dụng ưu đãi khoảng 500 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số vay dài hạn. Mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia gói tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đồ gỗ bị tác động bởi chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ.
Hoạt động ngoại hối là gì? Ngoại hối bao gồm những gì?
Hoạt động ngoại hối là hoạt động của người cư trú, người không cư trú trong các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối và các giao dịch khác liên quan đến ngoại hối.
Ngoại hối bao gồm:
+ Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ);
+ Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác;
+ Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác;
+ Vàng thuộc Dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;
+ Đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.
Căn cứ pháp lý: khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010.
Xem thêm:
Từ khóa: Lạm phát ngoại hối kiểm soát lạm phát thị trường vàng tín dụng đồng tiền chung
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;