Hình phạt nào dành cho viên chức sử dụng bằng cấp giả? Không công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp bị xử phạt thế nào?
Hình phạt nào dành cho viên chức sử dụng bằng cấp giả? Không công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp bị xử phạt như thế nào?
Viên chức là gì?
Theo Điều 2 Luật Viên chức 2010, viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Viên chức được phân loại như sau:
* Theo chức trách, nhiệm vụ, viên chức được phân loại như sau:
- Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý;
- Viên chức không giữ chức vụ quản lý là người chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.
* Theo trình độ đào tạo, viên chức được phân loại như sau:
- Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo tiến sĩ;
- Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo thạc sĩ;
- Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo đại học;
- Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo cao đẳng;
- Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp.
(Theo Điều 3 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về phân loại viên chức)
Hình phạt nào dành cho viên chức sử dụng bằng cấp giả? Không công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp bị xử phạt như thế nào? (Hình internet)
Hình phạt nào dành cho viên chức sử dụng bằng cấp giả?
* Xử lý kỷ luật
Căn cứ khoản 4 Điều 18 và khoản 4 Điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP viên chức sử dụng bằng cấp giả sẽ bị xử lý bằng hình thức kỷ luật như sau:
- Viên chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với viên chức quản lý.
- Viên chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc.
* Xử lý hình sự
Theo khoản 1 Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 nếu viên chức sử dụng bằng cấp giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức cụ thể:
- Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
+ Có tổ chức;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
+ Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
+ Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
+ Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Như vậy, viên chức sử dụng bằng giả tùy theo mức độ hành vi vi phạm sẽ bị phạt từ từ 06 tháng đến 07 năm và phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Không công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ Điều 23 Nghị định 88/2022/NĐ-CP người có hành vi không công khai hoặc công khai không đầy đủ hoặc không chính xác thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của cơ sở mình sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, buộc công khai đầy đủ, chính xác thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của cơ sở mình.
Xem thêm
Từ khóa: viên chức Giáo dục nghề nghiệp bằng cấp giả sử dụng bằng cấp giả Bộ luật Hình sự 2015 Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;