Công nghiệp quốc phòng, an ninh là gì? Nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định mới nhất?
Công nghiệp quốc phòng, an ninh được quy định như thế nào từ ngày 1/7/2025? Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh phải tuân thủ các nguyên tắc nào?
Thế nào là công nghiệp quốc phòng, an ninh?
Công nghiệp quốc phòng, an ninh là bộ phận quan trọng, ngành đặc thù của công nghiệp quốc gia, thành phần cơ bản của thực lực, tiềm lực quốc phòng, an ninh; có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm, dịch vụ khác phục vụ quốc phòng, an ninh; góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội (căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024).
Về vị trí, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024
Công nghiệp quốc phòng là thành phần của công nghiệp quốc phòng, an ninh, có nhiệm vụ sau đây:
+ Thực hiện sản xuất quốc phòng;
+ Bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang nhân dân, cơ yếu và các lực lượng thực thi pháp luật khác;
+ Cất trữ vật tư kỹ thuật cho công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp;
+ Đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng;
+ Hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng;
+ Tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
+ Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Về vị trí, nhiệm vụ của công nghiệp an ninh
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024
Công nghiệp an ninh là thành phần của công nghiệp quốc phòng, an ninh, có nhiệm vụ sau đây:
+ Thực hiện sản xuất an ninh;
+ Bảo đảm phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng Công an nhân dân, cơ yếu và các lực lượng thực thi pháp luật khác;
+ Cất trữ vật tư kỹ thuật cho công nghiệp an ninh;
+ Đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp an ninh;
+ Hợp tác quốc tế về công nghiệp an ninh;
+ Tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
+ Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh (Hình từ internet)
Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh phải tuân thủ các nguyên tắc nào?
Căn cứ Điều 5 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024 quy định 07 nguyên tắc cần tuân thủ trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, cụ thể
[1] Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước.
[2] Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
[3] Tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, chủ động hội nhập quốc tế, trong đó nội lực là yếu tố quyết định.
[4] Phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống.
[5] Cơ cấu tổ chức bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu quả, hoạt động đồng bộ, thống nhất, phù hợp với đặc thù lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
[6] Gắn kết chặt chẽ và phát huy tối đa năng lực của công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh; bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh trùng lặp trong đầu tư xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.
[7] Động viên công nghiệp được chuẩn bị và thực hiện từ thời bình; bảo đảm chủ động, kịp thời, đầy đủ, đáp ứng nhu cầu khi có lệnh động viên cục bộ hoặc tổng động viên và trong tình trạng chiến tranh. Động viên công nghiệp được tiến hành trên cơ sở năng lực của doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn đóng vai trò chủ đạo. Xây dựng mạng lưới cơ sở công nghiệp động viên rộng khắp, đa dạng về sản phẩm, gắn kết chặt chẽ với hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt.
Các hành vi nào bị cấm trong ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh?
Căn cứ Điều 8 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024 quy định 07 hành vi bị nghiêm cấm trong ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh như sau:
[1] Làm lộ bí mật nhà nước về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp.
[2] Huỷ hoại, cố ý làm hỏng, mua, bán, tặng cho, cho thuê, cầm cố, thế chấp, khai thác, sử dụng trái phép trang thiết bị và tài sản khác do Nhà nước giao cho cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh, cơ sở công nghiệp động viên.
[3] Mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vật tư kỹ thuật và sản phẩm động viên công nghiệp.
[4] Chiếm đoạt, sử dụng, mua, bán và chuyển giao trái phép thông tin, tài liệu, sáng chế, quy trình và bí quyết công nghệ thuộc bí mật nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
[5] Cản trở, trốn tránh trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, trong chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp.
[6] Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
[7] Phân biệt đối xử về giới trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Lưu ý: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Xem thêm:
Từ khóa: công nghiệp quốc phòng hoạt động công nghiệp quốc phòng công nghiệp an ninh sản xuất an ninh động viên công nghiệp
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;