Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
Các trường hợp miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng
Quan hệ thương mại thường được xác lập bằng một hợp đồng kinh tế để làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên. Do đó, việc một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ những nghĩa vụ của hợp đồng thì phải gánh chịu những hậu quả bất lợi bằng các chế tài thương mại. Thế nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ về miễn trách nhiệm hợp đồng. Cụ thể như thế nào để Nhân Lực Ngành Luật liệt kê cho bạn.
Một một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ những nghĩa vụ của hợp đồng thì phải gánh chịu những hậu quả bất lợi bằng các chế tài thương mại.
Nhưng không phải trường hợp vi phạm hợp đồng nào cũng phải gánh chịu các chế tài thương mại. Theo đó nếu bên vi phạm chứng minh được mình không có lỗi, bằng cách chỉ ra những hoàn cảnh khách quan khiến cho mình không thể thực hiện được hợp đồng thì sẽ được miễn trách nhiệm đối với những vi phạm đó.
Luật Thương mại 2005 đã quy định rất rõ các trường hợp miễn trách nhiệm, bao gồm:
(1) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
(2) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
(3) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
(4) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Thứ nhất: Miễn trách nhiệm do các bên thỏa thuận
Ai cũng biết Hợp đồng về bản chất là sự thỏa thuận giữa các bên, do đó các bên hoàn toàn có thể tự do thỏa thuận trước trong hợp đồng về các trường hợp bên vi phạm sẽ được miễn trách nhiệm.
Nhưng tự do phải trong khuôn khổ pháp luật. Có nghĩa là: các bên được quyền tự do thỏa thuận, bao gồm cả những trường hợp không được pháp luật quy định, nhưng thỏa thuận đó không được vi phạm điều cấm của luật và trái đạo đức xã hội đâu mọi người nhé (Khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015)
Về hình thức thể hiện: Thỏa thuận miễn trách nhiệm có thể được ghi trong: hợp đồng; phụ lục hợp đồng; ghi nhận bằng lời nói, hành vi; theo thói quan thương mại giữa các bên
Tuy nhiên, việc chứng minh sự tồn tại thỏa thuận miễn trách nhiệm bằng lời nói, bằng hành vi hay thói quen thương mại không phải lúc nào cũng dễ dàng. Và trên thực tế cũng đã có rất nhiều tranh chấp liên quan đến nội dung này. Nên theo tôi, tốt nhất các bên nên ghi nhận thật chi tiết trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng là an toàn nhất.
Về thời điểm xác lập: Thỏa thuận miễn trách nhiệm này phải được lập trước thời điểm có vi phạm xảy ra. Nếu được lập sau thời điểm diễn ra sự kiện miễn trách nhiệm này thì sẽ không được thừa nhận đâu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Thứ hai: Miễn trách nhiệm do xảy ra sự kiện bất khả kháng
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. (Theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015)
Về đặc điểm nhận biết: Sự kiện bất khả kháng là những rủi ro có nguồn gốc khách quan (hay nói cách khác đó là những sự kiện xảy ra ngoài tầm kiểm soát của bên vi phạm).
- Nó có thể là những hiện tượng do thiên nhiên gây ra như lũ lụt, bão, động đất, sóng thần,…
- Hay là những hiện tượng xã hội như chiến tranh, bạo loạn, khủng bố, đảo chính,…
- Cũng có thể là dịch bệnh
- ….
Về điều kiện áp dụng: Một sự kiện được xem là bất khả kháng khi đáp ứng được các điều kiện sau đây:
(1) Đây phải là sự kiện khách quan xảy ra sau thời điểm các bên ký kết hợp đồng;
(2) Đây là những sự kiện mang tính chất bất thường, mà các bên không thể lường trước được;
(3) Khi xảy ra sự kiện này, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng vẫn không thể khắc phục được;
(4) Là nguyên nhân dẫn đến một bên không thể thực hiện đúng nghĩa vụ theo hợp đồng.
Trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng, tuy nhiên nếu quá thời hạn nêu trên mà vẫn không thể thực hiện hợp đồng thì các bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại.
Thứ ba: Miễn trách nhiệm khi hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia
Đây là trường hợp một bên vi phạm Hợp đồng nhưng nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm đó là do lỗi của bên bị vi phạm. Trong các hợp đồng song vụ, các bên chủ thể phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối ứng nhau. Nghĩa là chủ thể này phải thực hiện nghĩa vụ thì chủ thể kia mới thực hiện được nghĩa vụ của mình. Do đó, nếu hành vi vi phạm của một bên là hoàn toàn do lỗi của bên kia, thì bên vi phạm sẽ được xem là không có lỗi và sẽ được miễn trách nhiệm pháp lý.
Ví dụ: Công ty A ký hợp đồng mua 5000 sản phẩm X với công ty B. Hai bên thỏa thuận là bên A sẽ ứng trước cho bên B 50 % giá trị hợp đồng để bên B mua nguyên vật liệu sản xuất sản phẩm X. Tuy nhiên, công ty A đã không chuyển tiền ứng trước cho bên B, do đó bên B không thể thực hiện được hợp đồng. Trường hợp này tuy bên B đã vi phạm nhưng lại được miễn trách nhiệm.
Thứ tư: Miễn trách nhiệm do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng
Ở trường hợp miễn trách nhiệm này, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như quyết định trưng dụng phương tiện, quyết định thu hồi đất, quyết định tạm dừng hoạt động do dịch bệnh,…chính là nguyên nhân khiến cho các bên không thể thực hiện được Hợp đồng dẫn đến sự vi phạm.
Tuy nhiên cần lưu ý, ở thời điểm giao kết hợp đồng các bên không thể biết đến các quyết định này nhé, nếu đã biết hoặc có thể lường trước được mà vẫn tiếp tục ký kết hợp đồng thì sẽ không được miễn trách nhiệm.
Trên đây là: 04 trường hợp được miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Theo đó, để được miễn trách nhiệm, bên vi phạm nghĩa vụ phải:
Thứ nhất: Thực hiện nghĩa vụ thông báo
Đó là việc bên vi phạm phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia khi xảy ra các trường hợp được miễn trách nhiệm và khi chúng chấm dứt. Nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại. (Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 295 Luật Thương mại 2005)
Thứ hai: Thực hiện nghĩa vụ chứng minh
Nội dung này yêu cầu bên vi phạm phải có nghĩa vụ chứng minh với bên bị vi phạm về trường hợp miễn trách nhiệm của mình. Nếu không chứng minh được thì bên vi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm như thường nha. (Theo quy định tại khoản 3 Điều 295 Luật Thương mại 2005)
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];
Tung thông tin sai sự thật về việc Nghị định 168 bị bãi bỏ bị phạt bao nhiêu tiền? Nghị định 168 do ai ký?
Tất niên là ngày gì? Người lao động được nghỉ Tết bao nhiêu ngày? Lương, thưởng cho người lao động đi làm vào ngày Tết sẽ như thế nào?
Vạch 3.1 là gì? Được phép đè lên vạch 3.1? Lỗi đè lên vạch kẻ đường đối với xe máy bị phạt bao nhiêu tiền theo Nghị định 168?
Thời gian, địa điểm bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 tỉnh Bình Thuận? Người dân có được sử dụng pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2025 không?