Bóng đá Việt từng chao đảo vì những câu chuyện “bán độ”

Những năm gần đây, dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam đã thật sự trở mình. Người Việt chưa bao giờ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc cùng bóng đá Việt hơn thế. Tuy nhiên, trước đây, những trang sách về bóng đá Việt vẫn còn lưu lại những vệt tối màu với rất nhiều câu chuyện “bán độ”. Cùng điểm lại một số đại án chấn động ở bài viết này.

Đăng bài: 14:28 17/03/2022

1. Đại án Bacolod - Quốc Vượng và đồng đội bán độ tại SEA Game 23

 Đại án Bacolod là vụ bê bối chấn động của bóng đá Việt Nam khi 6 tuyển thủ U.23 VN tự biến mình thành kẻ môi giới hối lộ và nhận hối lộ tại SEA Games lần thứ 23 trên đất Philippines vào năm 2005.

Cụ thể, ngày 24/11/2005 cầu thủ Lê Quốc Vượng gặp 05 cầu thủ khác trong đội để bàn bạc rằng nếu Việt Nam thắng cách biệt Myanmar 01 bàn thì sẽ có người cho tiền từ 20 - 30 triệu đồng. Sau đó, Vượng còn gọi thêm một số cầu thủ khác để lôi kéo tham gia vụ việc. Trong đó có cả Phan Văn Tài Em nhưng bị Tài Em từ chối và chính Tài Em là người đã báo cáo toàn bộ vụ việc này với hai ông Lê Thụy Hải và Trần Hùng Cường.

Quay trở lại vụ việc, thỏa thuận xong với các đồng phạm, Vượng điện thoại cho Trương Tuấn Hải, người môi giới để dàn xếp tỷ số và ra kèo cho các đối tượng cá độ ở Việt Nam tham gia. Vượng cũng nhờ Hải theo kèo Myanmar với số tiền 250 triệu đồng. 

Trong trận đấu, sau khi Tài Em mở tỷ số, U23 Việt Nam có thêm rất nhiều cơ hội nhưng không ghi bàn được. Để giữ khoảng cách 1 bàn này, các cầu thủ đã phân phát bóng chậm lại và cố ý giữ bóng bên phần sân của mình. Tỷ số 1-0 đủ để Việt Nam vào bán kết và để các cầu thủ nhận tiền như đã bàn bạc, đồng thời giúp Quốc Vượng thắng độ 250 triệu đồng.

Sự việc trở thành tâm điểm nghi vấn khi đến ngày 02/12, trước trận bán kết gặp Malaysia, có thông tin cho biết khi trở về VN, số cầu thủ trên đã nán lại TP.HCM để tiếp xúc với một số trùm cá độ tại đây để "giải quyết công việc" và đã lọt vào tầm quan sát của cơ quan điều tra.

Sau khi có thông tin nghi vấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - thiếu tướng Phạm Xuân Quắc - đã ký quyết định triệu tập 10 người liên quan. Ngày 15/12, sau nhiều lần làm việc với các cầu thủ Văn Quyến, Văn Trương, Hải Lâm… các cầu thủ đã khai nhận toàn bộ sự việc về hành vi bán độ của mình, từ lúc bắt đầu cho đến khi nhận "hợp đồng" và tiến hành rủ rê các đồng đội.

Ngày 20/12/2005, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án "đánh bạc và tổ chức đánh bạc", thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với hai cầu thủ Phạm Văn Quyến và Lê Quốc Vượng về cùng tội danh trên, đây là lần đầu tiên cái tên Lê Quốc Vượng xuất hiện kể từ sau khi nghi án bán độ bị phát giác. Tiếp sau đó, cơ quan điều tra quyết định ra lệnh bắt Quốc Anh và Bật Hiếu. Việc Quốc Anh dính líu tới việc bán độ là một cú sốc lớn cho người hâm mộ vì anh đã thi đấu cực kỳ xuất sắc tại SEA Games 23.

Vụ việc được Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 25/01/2007 và phúc thẩm ngày 20/4/2007. Kết thúc phiên tòa, các cầu thủ phải chịu mức án như sau. Cụ thể:

- Lê Quốc Vượng: 6 năm tù (sau giảm xuống còn 4 năm) vì tội tổ chức đánh bạc (chủ mưu).

- Phạm Văn Quyến, Lê Văn Trương, Trần Hải Lâm, Châu Lê Phước Vĩnh: 2 năm tù treo và 2 năm thử thách về tội tổ chức đánh bạc.

- Lê Bật Hiếu, Huỳnh Quốc Anh: 2 năm 6 tháng tù treo và 3 năm thử thách vì tội tổ chức đánh bạc.

Bán độ

2.  Lương Trung Việt và vụ tiêu cực lịch sử của trọng tài bóng đá Việt Nam

Vào năm 2004 trọng tài Lương Trung Việt đã tham gia dàn xếp các trận đấu của đội Ngân hàng Đông Á - Thép Pomina. Cáo trạng của Viện KSND tối cao truy tố 9 bị cáo gồm các trọng tài: Lương Trung Việt, Lê Văn Tú, Trương Thế Toàn, Phạm Hữu Lộc, Hoàng Thế Dũng, Vũ Trọng Chiến, Nguyễn Hữu Thành; Vũ Tiến Thành và nguyên giám đốc Sở TDTT Cần Thơ Lê Văn Cường về các tội: nhận hối lộ, đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ. 

Trong đó, bị cáo Lương Trung Việt là đối tượng cầm đầu trong vụ án, trực tiếp đứng ra nhận tiền và môi giới cho các trọng tài khác.

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, trọng tài Lương Trung Việt đã nhúng tay vào hầu hết các phi vụ dàn xếp trận đấu của CLB Ngân hàng Đông Á - Thép Pomina. Các cán bộ lãnh đạo một số đội bóng như Vũ Tiến Thành (Ngân hàng Đông Á - Thép Pomina), Lê Văn Cường (CLB Tôn Hoa Sen - Cần Thơ) đã móc nối với Lương Trung Việt để nhờ quan hệ với các trọng tài, đề nghị họ điều khiển các trận đấu theo hướng có lợi cho đội bóng của mình.

Tại V-League 2004, Lương Trung Việt đã giúp Ngân hàng Đông Á - Thép Pomina một số trận đấu và được bồi dưỡng 30-50 triệu đồng mỗi trận. Số tiền này được Việt chi cho các trọng tài Phạm Hữu Lộc (nhận 15 triệu đồng), Trương Thế Toàn (12 triệu), Hoàng Thế Dũng (35 triệu), Lê Văn Tú (15 triệu).

Cũng với “mánh” bắt có lợi trong trận đấu, Lương Trung Việt đã nhận lời của Lê Văn Cường - nguyên giám đốc Sở TDTT Cần Thơ - giúp đội này thắng Quân Khu 5 tại Giải hạng Nhất quốc gia năm 2004. Qua các phi vụ trên, Lương Trung Việt nhận tổng số 134 triệu đồng, trong đó chi cho các trọng tài khác hết 89,8 triệu đồng và Việt bỏ túi riêng 44,2 triệu đồng.

Trong quá trình điều tra, các bị can và những người liên quan đã nộp lại tổng số 224,3 triệu đồng đã nhận từ phía CLB để “bắt có lợi”. Trong đó nhiều nhất là trọng tài Phạm Công Đức với 80 triệu đồng, tiếp đến là Hoàng Thế Dũng (32,5 triệu), Nguyễn Quang Huy (30 triệu), Nguyễn Tiến Dũng (20 triệu), Nguyễn Hữu Thành (14 triệu), Trương Thế Toàn (12 triệu)...

Tại phiên tòa,  Hội đồng xét xử tuyên án: Lương Trung Việt: 7 năm tù giam về tội làm môi giới hối lộ; Lê Văn Cường (nguyên Giám đốc Sở TDTT Cần Thơ), Vũ Tiến Thành (nguyên HLV phó CLB Đông Á - Thép Pomina) tội đưa hối lộ -  36 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 45 tháng. Tội nhận hối lộ của các trọng tài: Lê Văn Tú: 24 tháng tù, án treo, thử thách 30 tháng; Trương Thế Toàn, 4 năm tù giam; Phạm Hữu Lộc, 4 năm tù giam; Hoàng Thế Dũng: 4 năm 6 tháng tù giam; Vũ Trọng Chiến: 24 tháng tù giam, thử thách 40 tháng; Nguyễn Hữu Thành: 30 tháng tù treo, thử thách 40 tháng.

Các bị cáo phải nộp lại toàn bộ số tiền bất chính đã nhận. Nhiều mức án nghiêm khắc đã được đưa ra và khép lại vụ án lớn nhất liên quan đến giới trọng tài trong lịch sử bóng đá Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. 

3. Lã Xuân Thắng: Pha phản lưới nhà gây sốc năm 1997

Nguồn cơn bắt đầu ở phút 90 trong trận đấu giữa Công an Hà Nội  thắng An Giang với tỷ số 4-3 (giải VĐQG Việt Nam 1997-1998). Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu trung vệ Lã Xuân Thắng (CAHN) không có pha đá phản lưới nhà phản cảm và lộ liễu ở phút cuối cùng.

Ngay sau pha bóng tai tiếng đó, trước sự bủa vây của dư luận khi trận đấu đá được trực tiếp khắp cả nước, Xuân Thắng như thừa nhận và còn gợi mở với câu nói đầy ẩn ý: "Tôi làm tôi chịu, nhưng tôi làm có phải chỉ vì mình tôi đâu".

Vì bàn thắng khá "có mùi" này mà công an đã nhanh chóng điều tra ra những hoạt động bán độ của Lã Xuân Thắng và thủ môn Đỗ Thành Tôn.

Kết quả Lã Xuân Thắng đã bị treo giò vĩnh viễn, còn sự việc này sau đó được điều tra là được giật dây bởi Toàn “còi” (anh trai thủ môn Đỗ Thành Tôn) – Mạnh “bệu”, những trùm cá độ có tiếng của Hà Nội thời ấy. Cũng chính vì cú sút của Lã Xuân Thắng mà một trùm cá độ khác, Thắng “tài dậu” đã mất gần một tỷ tiền độ vì ra kèo Công an Hà Nội chấp 1 trái rưỡi.

Còn Đỗ Thành Tôn, người cũng dính dáng đến vụ này thì còn thi đấu tiếp vài năm nữa trước khi giải nghệ. Sau đó, anh đột ngột chết ở tuổi 30, và có người cho rằng đó là một vụ tự tử do nợ đến… 6,3 tỷ đồng.

4. Vụ án điểm của Sơn “cao” và Hải Quan

Mùa bóng giải VĐQG 1997 diễn ra rất quyết liệt khi đội bóng nào cũng đặt chỉ tiêu trụ hạng. Chính vì áp lực đó khiến nhiều đội bóng rủ nhau đá “trên bàn” theo công thức 3 đi, 3 về (mỗi đội có 3 điểm). Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ khui ra được việc bán độ liên quan đến đội Hải Quan, xuất phát từ việc cầu thủ Trương Văn Dưỡng bị xã hội đen dọa cắt gân chân vì dám “lật kèo”.

Qua điều tra, cơ quan chức năng đã xác định trùm cá độ Trần Phi Sơn (Sơn "cao") thông qua đầu mối Trương Văn Dưỡng đã móc ngoặc với 2 cầu thủ của Hải Quan là Trần Minh Trung và Nguyễn Phúc Nguyên Chương để dàn xếp tỷ số các trận đấu.

Trương Văn Dưỡng sau đó bị kết án 1 năm tù. Nguyễn Phúc Nguyên Chương dù là người hùng của ĐT Việt Nam tại SEA Games 1997 nhưng cũng bị phạt 10 tháng tù treo cùng 2 năm thử thách vì tội đánh bạc.

Ngoài một số vụ “bán độ” điển hình vừa nhắc đến, còn rất nhiều vụ án khác, có những câu chuyện trở thành nghi vấn mà đến nay vẫn chưa có lời giải đáp. Chính những điểm tối này đã khiến cho bóng đá Việt Nam trở nên ù lỳ, chậm chạp, trở thành chuyện cười đối với nền bóng đá thế giới. 

Tuy nhiên, với lứa cầu thủ hiện nay, với sự dẫn dắt tài tình của những HLV vừa có tài vừa có tâm, bóng đá Việt Nam ngày một khởi sắc. Con đường chinh phục các giải đấu đẳng cấp thế giới ngày một gần hơn. Bóng đá chính là món ăn tinh thần, tạo nên nhiều nguồn cảm hứng và là một trong những niềm tự hào dân tộc rất lớn đối với người Việt. 

0

- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;

- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;

- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];

23/01/2025

Tung thông tin sai sự thật về việc Nghị định 168 bị bãi bỏ bị phạt bao nhiêu tiền? Nghị định 168 do ai ký?

23/01/2025

Tất niên là ngày gì? Người lao động được nghỉ Tết bao nhiêu ngày? Lương, thưởng cho người lao động đi làm vào ngày Tết sẽ như thế nào?

23/01/2025

Vạch 3.1 là gì? Được phép đè lên vạch 3.1? Lỗi đè lên vạch kẻ đường đối với xe máy bị phạt bao nhiêu tiền theo Nghị định 168?

23/01/2025

Thời gian, địa điểm bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 tỉnh Bình Thuận? Người dân có được sử dụng pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2025 không?

Giấy phép kinh doanh số: 0315459414

Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều Phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028)39302288

Zalo: (028)39302288

Email: [email protected]


CHỦ QUẢN: CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

GP thiết lập trang TTĐTTH số 30/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP.HCM cấp ngày 15/06/2022.

Địa chỉ trụ sở: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM

Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ

Hướng dẫn sử dụng

Quy chế hoạt động

Quy trình tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tranh chấp

Chính sách bảo mật thông tin

Quy chế bảo vệ DLCN

Thỏa thuận bảo vệ DLCN

Phí dịch vụ

Liên hệ

Sitemap


© 2025 All Rights Reserved