Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã từ ngày 16/6/2025
Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã từ ngày 16/6/2025
Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã từ ngày 16/6/2025
Căn cứ Điều 1 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 quy định về đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức thành 02 cấp như sau:
Đơn vị hành chính
1. Đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức thành 02 cấp, gồm có:
a) Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);
b) Xã, phường, đặc khu trực thuộc cấp tỉnh (sau đây gọi chung là cấp xã).
Xã là đơn vị hành chính ở nông thôn; phường là đơn vị hành chính ở đô thị; đặc khu là đơn vị hành chính ở một số hải đảo có vị trí quan trọng được thành lập phù hợp với điều kiện địa lý, tự nhiên, đặc điểm dân cư và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
2. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là địa bàn có vị trí chiến lược, được tổ chức theo mô hình đặc thù, được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, thực hiện các chính sách mới về quản trị địa phương, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và cả nước. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập.
Theo đó, về nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã từ ngày 16/6/2025 như sau:
Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân xã được quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 như sau:
- Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét ban hành nghị quyết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, các điểm a, b, c, d khoản 2, các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 21 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 và tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.
- Tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp trên địa bàn; bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và các nguồn lực cần thiết khác để thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn.
- Thực hiện quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn, bảo đảm nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, quản trị hiện đại, trong sạch, công khai, minh bạch, phục vụ Nhân dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân.
- Quyết định phân bổ, giao dự toán chi đối với các khoản chưa phân bổ chi tiết; quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách cấp mình và các nội dung khác theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình; quyết định thành lập, tổ chức lại, thay đổi tên gọi, giải thể, quy định tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình theo quy định của pháp luật.
- Quản lý biên chế cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính của chính quyền địa phương cấp mình, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; thực hiện quản lý tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp của cơ quan nhà nước cấp trên.
- Quyết định theo thẩm quyền các quy hoạch chi tiết của cấp mình; thực hiện liên kết, hợp tác giữa các đơn vị hành chính cấp xã theo quy định của pháp luật.
- Ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân cấp mình.
- Ban hành quyết định và các văn bản hành chính khác về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật.
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường được quy định tại Điều 25 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 như sau:
- Ủy ban nhân dân phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét ban hành nghị quyết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 24 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 và tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp;
- Thực hiện liên kết, hợp tác phát triển về kinh tế, hạ tầng đô thị, giao thông, môi trường với chính quyền địa phương ở các phường lân cận theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và quy định của pháp luật, bảo đảm sự phát triển đồng bộ, liên thông, thống nhất, hài hòa giữa các khu vực đô thị trên địa bàn;
- Thực hiện thu phí, lệ phí trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp của chính quyền địa phương cấp tỉnh;
- Tổ chức thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phù hợp với đặc điểm của đô thị theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức thực hiện chương trình cải tạo, chỉnh trang, phát triển đô thị theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân ở đặc khu được quy định tại Điều 27 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở đặc khu
1. Chính quyền địa phương ở đặc khu thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn tương ứng của chính quyền địa phương ở xã quy định tại Mục 3 Chương này.
Trường hợp đặc khu được công nhận loại đô thị theo quy định của pháp luật thì chính quyền địa phương ở đặc khu thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn tương ứng của chính quyền địa phương ở phường quy định tại Mục 4 Chương này.
...
Theo đó, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân ở đặc khu tương ứng với nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân xã.
Trường hợp đặc khu được công nhận loại đô thị theo quy định của pháp luật thì chính quyền địa phương ở đặc khu thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn tương ứng của chính quyền địa phương ở phường.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã từ ngày 16/6/2025 (Hình từ Internet)
Nhiệm kỳ của Ủy ban nhân dân cấp xã theo nhiệm kỳ của ai?
Căn cứ Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 quy định như sau:
Ủy ban nhân dân
1. Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
2. Nhiệm kỳ của Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Ủy ban nhân dân tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Hội đồng nhân dân khóa mới bầu ra Ủy ban nhân dân khóa mới.
3. Chính phủ lãnh đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra tổ chức, hoạt động của Ủy ban nhân dân; ban hành Quy chế làm việc mẫu của Ủy ban nhân dân.
Như vậy, nhiệm kỳ của Ủy ban nhân dân cấp xã theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cấp xã. Khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Ủy ban nhân dân tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Hội đồng nhân dân khóa mới bầu ra Ủy ban nhân dân khóa mới.
Xem thêm
Từ khóa: Ủy ban nhân dân cấp xã Quyền hạn của Ủy ban nhân dân Ủy ban nhân dân xã Ủy ban nhân dân phường Quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã Nhiệm vụ và quyền hạn Nhiệm kỳ của Ủy ban nhân dân Ủy ban nhân dân
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;