Cách đặt tên hộ kinh doanh theo quy định pháp luật mới nhất? Điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh gồm những gì?
Cách đặt tên hộ kinh doanh theo quy định pháp luật mới nhất? Điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh là những gì?
Cách đặt tên hộ kinh doanh theo quy định pháp luật mới nhất?
Theo Điều 86 Nghị định 168/2025/NĐ-CP quy định thì Hộ kinh doanh có tên gọi riêng. Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
(1) Cụm từ “Hộ kinh doanh”;
(2) Tên riêng của hộ kinh doanh.
Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.
Lưu ý:
- Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.
- Không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “tổng công ty”, “tập đoàn”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh.
- Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh khác đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của hộ kinh doanh, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó.
Hộ kinh doanh tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đặt tên hộ kinh doanh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Việc xử lý tên hộ kinh doanh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Hộ kinh doanh có tên vi phạm phải đăng ký thay đổi tên hộ kinh doanh trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm yêu cầu. Trường hợp hộ kinh doanh không đăng ký thay đổi tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo yêu cầu, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã yêu cầu hộ kinh doanh báo cáo theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Nghị định này.
- Ngoài tên tiếng Việt, hộ kinh doanh có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài hoặc tên viết tắt. Tên hộ kinh doanh bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của hộ kinh doanh có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài. Tên viết tắt của hộ kinh doanh được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.
- Tên tiếng Việt của hộ kinh doanh không được trùng với tên tiếng Việt của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi cấp xã, trừ những hộ kinh doanh đã chấm dứt hoạt động. Tên trùng là tên tiếng Việt được viết hoàn toàn giống nhau, không kể chữ hoa hay chữ thường.
- Việc thay đổi tên hộ kinh doanh không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh.
- Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã có quyền chấp thuận hoặc từ chối tên dự kiến đăng ký của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật. Ý kiến của Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã là quyết định cuối cùng về tên của hộ kinh doanh. Trường hợp không đồng ý với quyết định của Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã, người thành lập hộ kinh doanh, hộ kinh doanh có thể khởi kiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Cách đặt tên hộ kinh doanh theo quy định pháp luật mới nhất? Điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh là những gì? (Hình từ Internet)
Điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh là những gì?
Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã cấp cho hộ kinh doanh, ghi lại thông tin đăng ký hộ kinh doanh do người thành lập hộ kinh doanh, hộ kinh doanh đăng ký. Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký thuế của hộ kinh doanh.
Căn cứ khoản 2 Điều 85 Nghị định 168/2025/NĐ-CP, hộ kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh khi có đủ các điều kiện sau đây:
(1) Ngành, nghề kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
(2) Tên hộ kinh doanh được đặt theo đúng quy định tại Điều 86 Nghị định này;
(3) Có hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh hợp lệ;
(4) Nộp đủ lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Hộ kinh doanh có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Trường hợp hộ kinh doanh đăng ký ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh sau ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh thì hộ kinh doanh được quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Lưu ý: Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh không phải là giấy phép kinh doanh.
Xem thêm
Từ khóa: Hộ kinh doanh Đăng ký hộ kinh doanh Cách đặt tên hộ kinh doanh Điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh Đặt tên hộ kinh doanh
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;