Trường hợp nào được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 01/01/2026?
Từ năm 2026, người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc trường hợp này sẽ được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Việc làm 2025.
Trường hợp nào được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 01/01/2026? (Hình từ Internet)
Luật Việc làm 2025 (Luật số 74/2025/QH15) đã được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2025 tại Kỳ họp thứ 9, áp dụng từ ngày 01/01/2026.
Trường hợp nào được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 01/01/2026?
Theo Luật Việc làm 2025, người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc trường hợp sau đây được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo:
[1] Có việc làm và thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội;
[2] Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, dân quân thường trực;
[3] Đi học tập có thời hạn trên 12 tháng;
[4] Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
[5] Bị tòa án tuyên bố mất tích;
[6] Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.
Tuy nhiên, quyền lợi nêu trên không áp dụng với trường hợp không thông báo tình trạng của người lao động.
Lưu ý:
Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi không thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 40 Luật Việc làm 2025.
Người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp trong thời gian bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp và thời gian tạm dừng thì không được bảo lưu.
Cơ sở pháp lý: Khoản 2, 5 Điều 41 Luật Việc làm 2025.
Người lao động nào được tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 01/01/2026?
Bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm bắt buộc do Nhà nước tổ chức mà người lao động, người sử dụng lao động tham gia để hỗ trợ duy trì việc làm, đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm và bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Từ ngày 01/01/2026, người lao động thuộc đối tượng dưới dây sẽ tham gia bảo hiểm thất nghiệp:
(i) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;
(ii) Người lao động quy định tại (i) làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội;
(iii) Người làm việc theo hợp đồng làm việc;
(iv) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Trong trường hợp người lao động đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp khác nhau quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp cùng với việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Lưu ý: Người lao động thuộc các đối tượng nêu trên mà đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ hoặc đủ điều kiện hưởng lương hưu; người lao động đang làm việc theo hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động; người lao động là người giúp việc gia đình thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Cơ sở pháp lý: Khoản 1, 2 Điều 31 Luật Việc làm 2025.
Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2026 được quy định ra sao?
Theo quy định mới, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:
- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);
- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Trường hợp người lao động ngừng việc vẫn hưởng tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất thì đóng theo tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc.
Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp cao nhất bằng 20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Cơ sở pháp lý: Khoản 1, 2 Điều 34 Luật Việc làm 2025.
Xem thêm
Từ khóa: Bảo hiểm thất nghiệp Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp Luật Việc làm 2025 Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp Người lao động
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;