Quy định về giảm trừ gia cảnh tại Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế Thuế thu nhập cá nhân 2007)
Tại Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế Thuế thu nhập cá nhân 2007), Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi quy định về giảm trừ gia cảnh.
Quy định về giảm trừ gia cảnh tại Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế Thuế thu nhập cá nhân 2007) (Hình từ Internet)
Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính và được lấy ý kiến toàn dân.
>> Xem toàn văn Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân
Quy định về giảm trừ gia cảnh tại Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế)
Cụ thể tại Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế Thuế thu nhập cá nhân 2007), Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi quy định về giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc như sau:
[1] Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế là cá nhân cư trú.
Giảm trừ gia cảnh gồm: giảm trừ đối với người nộp thuế và giảm trừ đối với người phụ thuộc.
Giao Chính phủ sẽ quy định mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
[2] Việc xác định mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc thực hiện theo nguyên tắc mỗi người phụ thuộc chi được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế.
[3] Người phụ thuộc là người mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, bao gồm:
- Con chưa thành niên; con bị tàn tật, không có khả năng lao động;
- Các cá nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức do Bộ Tài chính quy định, bao gồm con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề; vợ hoặc chồng không có khả năng lao động; bố, mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động; những người khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.
Đáng chú ý trong nội dung đề xuất nêu trên là việc Bộ Tài chính đề xuất giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chinh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
Theo Bộ Tài chính, đối với các nước đang phát triển, qua tham khảo về những thay đổi chính sách thuế TNCN ở các nước này trong thời gian qua cho thấy tần suất điều chỉnh các khoản giảm trừ ít thường xuyên hơn so với các nước phát triển. Luật thuế các nước này nhìn chung cũng không quy định cứng tần suất bao lâu sẽ thực hiện điều chỉnh nên thực tế thường được ổn định trong một thời gian nhất định.
Việc thực hiện chính sách thuế TNCN có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại, đảm bảo công bằng xã hội. Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế TNCN đã được sử dụng để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chỉ cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Việc áp dụng thuế TNCN cần đảm bảo phù hợp với hoàn cảnh sống của người nộp thuế đặt trong bối cảnh KT-XH, mức sống và thu nhập bình quân của người lao động.
Đề xuất 02 phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh từ năm 2026
Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã công bố Dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân từ năm 2026 (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị quyết).
Tại đây, Bộ Tài chính đã đề xuất 02 phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh từ năm 2026, cụ thể như sau:
[1] Phương án 1:
Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 như sau:
- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 13,3 triệu đồng/tháng (159,6 triệu đồng/năm);
- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 5,3 triệu đồng/tháng.
[2] Phương án 2:
Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 như sau:
- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 15,5 triệu đồng/tháng (186 triệu đồng/năm);
- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 6,2 triệu đồng/tháng.
Được biết, hiện hành mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 như sau: - Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); - Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. |
Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh từ năm 2026 dựa trên cơ sở nào?
[1] Cơ sở chính trị, pháp lý
- Ngày 22/11/2012, Quốc hội thông qua Luật số 26/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) số 04/2007/QH12, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2013.
Tại khoản 4 Điều 1 Luật Thuế TNCN số 26/2012/QH13 quy định:
"Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chinh mức giảm trù gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biển động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.
- Ngày 02/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) của thuế TNCN, theo đó: Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.
- Tại Nghị quyết 1326/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2024 của UBTVQH về chương trình công tác của UBTVQH năm 2025 thì dự kiến UBTVQH sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về điều chỉnh mức GTGC của thuế TNCN tại Phiên họp thứ 50 (tháng 10/2025) của UBTVQH.
Theo đó, kể từ thời điểm năm 2020, trường hợp CPI biến động trên 20% thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức GTGC phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
[2] Cơ sở thực tiễn
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê) đã công bố thì chỉ số CPI năm 2020 tăng 3,23%, CPI năm 2021 tăng 1,84%, CPI năm 2022 tăng 3,15%, CPI năm 2023 tăng 3,25% và CPI năm 2024 tăng 3,63%.
Theo Nghị quyết 192/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, trong đó tại khoản b Điều 1 điều chinh chỉ tiêu "Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%".
Theo đó, với mức biến động CPI năm 2025 dự kiến từ 4,5-5% thì biến động chỉ số CPI từ 2020 đến hết 2025 theo tính toán của Cục Thống kê sẽ vượt 20% (khoảng 21,24%).
Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13 nêu trên, cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh mức GTGC của thuế TNCN.
Xem thêm
Từ khóa: Giảm trừ gia cảnh Quy định về giảm trừ gia cảnh Dự thảo luật thuế thu nhập cá nhân Phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh Mức giảm trừ gia cảnh
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;
Bài viết liên quan
