Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
Đề xuất bảo lưu tiền lương công chức cấp xã sau khi sáp nhập
Tại Dự thảo Luật Cán bộ công chức (sửa đổi) mới nhất, Bộ Nội vụ đề xuất bảo lưu tiền lương công chức cấp xã sau khi sáp nhập.
Đề xuất bảo lưu tiền lương công chức cấp xã sau khi sáp nhập
Đây là nội dung được đề xuất tại Dự thảo Luật Cán bộ công chức (sửa đổi) mới nhất do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo.
Cụ thể tại dự thảo Luật mới nhất, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi khái niệm cán bộ, công chức, trong đó quy định cán bộ, công chức ở Trung ương, ở cấp tỉnh và cấp xã (bỏ cấp huyện). Đồng thời, bỏ Chương V về cán bộ, công chức cấp xã trong Luật Cán bộ công chức hiện hành.
Theo đó, dự thảo Luật thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã, không phân biệt công chức cấp xã với công chức cấp tỉnh, bảo đảm đúng chủ trương của Đảng về liên thông trong công tác cán bộ.
Đề xuất bảo lưu tiền lương công chức cấp xã sau khi sáp nhập (Hình từ Internet)
Tại điều khoản chuyển tiếp, Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm tính liên tục, không làm ảnh hưởng đến việc phục vụ hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Cụ thể nội dung điều khoản chuyển tiếp tại Điều 53 Dự thảo Luật Cán bộ công chức (sửa đổi) mới nhất như sau:
Điều 53. Điều khoản chuyển tiếp
1. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, cán bộ, công chức cấp xã theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019) được giữ nguyên số lượng biên chế cho đến khi hoàn thành việc rà soát, tinh giản, cơ cấu lại và sắp xếp theo vị trí việc làm của chính quyền địa phương; được bảo lưu mức tiền lương hiện hưởng cho đến khi bố trí việc làm mới theo quy định của Chính phủ. Trong thời hạn 5 năm, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải sắp xếp, tinh giản và cơ cấu lại đội ngũ theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt.
2. Chính phủ xây dựng lộ trình, ban hành quy định từng bước chuyển đổi quản lý theo vị trí việc làm trong thời hạn 05 năm tính từ ngày Luật này có hiệu lực. Trong thời hạn 05 năm, việc quản lý đội ngũ, các nội dung về tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức tiếp tục thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Như vậy sau khi hoàn thành sáp nhập, tiền lương của công chức cấp xã vẫn được bảo lưu như hiện hưởng cho đến khi bố trí việc làm mới theo quy định của Chính phủ.
Được biết hiện nay công chức cấp xã hiện nay có những chức danh sau: - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự; - Văn phòng - thống kê; - Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); - Tài chính - kế toán; - Tư pháp - hộ tịch; - Văn hóa - xã hội. |
Tiêu chuẩn chung của cán bộ, công chức cấp xã trước khi sáp nhập
Tiêu chuẩn chung của cán bộ, công chức cấp xã trước khi sáp nhập sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định 33/2023/NĐ-CP, cụ thể:
- Tiêu chuẩn chung đối với cán bộ, công chức cấp xã thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về cán bộ, công chức, điều lệ tổ chức và quy định của Đảng, của tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương.
- Đối với công chức là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã, ngoài các tiêu chuẩn nêu trên thì còn phải có khả năng phối hợp với các đơn vị quân đội nhân dân, công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự; giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, chính quyền, tài sản của Nhà nước và bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân.
Quy định về số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo Nghị định 33
Cụ thể tại Điều 6 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về số lượng cán bộ, công chức cấp xã như sau:
[1] Số lượng cán bộ, công chức cấp xã được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể như sau:
- Đối với phường: Loại I là 23 người; loại II là 21 người; loại III là 19 người;
- Đối với xã, thị trấn: Loại I là 22 người; loại II là 20 người; loại III là 18 người.
[2] Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ số lượng đơn vị hành chính cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên lớn hơn so với tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để tính số lượng công chức ở cấp xã tăng thêm như sau:
(i) Phường thuộc quận cứ tăng thêm đủ 1/3 (một phần ba) mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 01 công chức. Các đơn vị hành chính cấp xã còn lại cứ tăng thêm đủ 1/2 (một phần hai) mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 01 công chức;
(ii) Ngoài việc tăng thêm công chức theo quy mô dân số quy định tại (i) thì đơn vị hành chính cấp xã cứ tăng thêm đủ 100% mức quy định về diện tích tự nhiên được tăng thêm 01 công chức.
[3] Quy mô dân số (bao gồm dân số thường trú và dân số tạm trú quy đổi) và diện tích tự nhiên tính đến ngày 31 tháng 12 hàng năm để xác định số lượng cán bộ, công chức cấp xã quy định tại [2] thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Trường hợp ở đơn vị hành chính cấp xã tính đến ngày 31 tháng 12 hàng năm có thay đổi về quy mô dân số, diện tích tự nhiên quy định tại [2] hoặc có thay đổi về loại đơn vị hành chính thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, điều chỉnh tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã (tính cho cả đơn vị hành chính cấp tỉnh) bảo đảm theo đúng quy định.
[4] Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số lượng cán bộ, công chức cấp xã đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, nhưng phải bảo đảm tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã thuộc các đơn vị hành chính cấp huyện không vượt quá tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã tính cho cả đơn vị hành chính cấp tỉnh theo quy định tại [1], [2].
[5] Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định số lượng cụ thể cán bộ, công chức ở từng đơn vị hành chính cấp xã và bố trí số lượng công chức của từng chức danh công chức cấp xã thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng đơn vị hành chính cấp xã. Số lượng cán bộ, công chức ở từng đơn vị hành chính cấp xã có thể thấp hơn mức của cấp xã loại III hoặc có thể cao hơn mức của cấp xã loại I tại [1], nhưng phải bảo đảm không vượt quá tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã của cả đơn vị hành chính cấp huyện được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao.
[6] Số lượng cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Điều này bao gồm cả người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động được bầu giữ chức vụ cán bộ cấp xã và cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã.
Trường hợp luân chuyển về đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thì thực hiện theo quy định của Chính phủ về số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân.
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];