Bảng lương chính thức 2025 của người lao động phải được doanh nghiệp công khai đúng không?
Doanh nghiệp phải công khai bảng lương chính thức của người lao động năm 2025 theo quy định hiện hành.
Bảng lương chính thức 2025 của người lao động phải được doanh nghiệp công khai đúng không? (Hình từ Internet)
Bảng lương chính thức 2025 của người lao động phải được doanh nghiệp công khai đúng không?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 93 Bộ luật Lao động 2019, thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.
Ngoài ra, từ ngày 15/4/2025, thang lương, bảng lương được xây dựng dựa trên các nguyên tắc được quy định tại Điều 6 Nghị định 44/2025/NĐ-CP, cụ thể như sau:
[1] Căn cứ vào cơ cấu tổ chức quản lý, tổ chức lao động và tổ chức sản xuất, doanh nghiệp xây dựng, ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương đối với người lao động, bảng lương đối với Ban điều hành và bảng lương đối với Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên chuyên trách làm cơ sở để xếp lương, thỏa thuận tiền lương trong hợp đồng lao động, thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
[2] Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do doanh nghiệp quyết định nhưng phải bảo đảm tổng tiền lương của người lao động, Ban điều hành, Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên chuyên trách tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác (nếu có) không vượt quá tổng tiền lương kế hoạch tương ứng của người lao động, Ban điều hành, Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên chuyên trách, trong đó mức tiền lương của Tổng giám đốc, Giám đốc không vượt quá mức tiền lương quy định tại điểm b khoản 1 Điều 19 Nghị định 44/2025/NĐ-CP.
[3] Khi xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật lao động và công khai tại doanh nghiệp trước khi thực hiện. Trước khi ban hành, doanh nghiệp báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận đối với bảng lương của Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên chuyên trách doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, cho ý kiến đối với bảng lương của Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên chuyên trách doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
[4] Đối với người lao động, Ban điều hành, Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên chuyên trách là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu tiếp tục xếp lương theo bảng lương và các chế độ phụ cấp lương theo quy định của Chính phủ đối với lực lượng vũ trang và người làm công tác cơ yếu.
Vậy ngoài việc thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai cho người lao động, mà khi xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật lao động và công khai tại doanh nghiệp trước khi thực hiện.
Các đối tượng nào được áp dụng về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước?
Từ ngày 14/5/2025, các đối tượng sau đây được áp dụng quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước bao gồm:
[1] Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu.
[2] Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng (sau đây gọi chung là Ban điều hành).
[3] Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, không bao gồm thành viên độc lập Hội đồng quản trị (sau đây gọi chung là Thành viên hội đồng).
[4] Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát (sau đây gọi chung là Kiểm soát viên).
[5] Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
[6] Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các quy định tại Nghị định 44/2025/NĐ-CP.
Cơ sở pháp lý: Điều 2 Nghị định 44/2025/NĐ-CP.
Người lao động có quyền tham gia ý kiến về những nội dung gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Nghị định 44/2025/NĐ-CP, người lao động được tham gia ý kiến về những nội dung sau:
[1] Xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động;
[2] Xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động; đề xuất nội dung thương lượng tập thể;
[3] Đề xuất, thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ;
[4] Nội dung khác liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật.
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];