Không được thuyên chuyển nhà giáo trong các trường hợp nào kể từ ngày 01/01/2026?
Không được thuyên chuyển nhà giáo trong các trường hợp nào kể từ ngày 01/01/2026? Nhà giáo có các quyền lợi và nghĩa vụ gì theo quy định của pháp luật?
Không được thuyên chuyển nhà giáo trong các trường hợp nào kể từ ngày 01/01/2026?
Căn cứ Điều 19 Luật Nhà giáo 2025 quy định về thuyên chuyển nhà giáo như sau:
Thuyên chuyển nhà giáo
1. Việc thuyên chuyển nhà giáo phải được sự đồng ý của cơ sở giáo dục, cơ quan, đơn vị nơi nhà giáo chuyển đi và chuyển đến. Cơ sở giáo dục, cơ quan, đơn vị nơi nhà giáo chuyển đi và chuyển đến có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý theo quy định của pháp luật.
2. Các trường hợp không được thuyên chuyển bao gồm:
a) Nhà giáo đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật; đang bị kiểm tra, xác minh, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử;
b) Nhà giáo chưa đủ 03 năm công tác tính từ ngày được tuyển dụng nhà giáo, trừ trường hợp tự nguyện thuyên chuyển công tác đến cơ sở giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
3. Cơ sở giáo dục nơi nhà giáo chuyển đi chấm dứt hợp đồng với nhà giáo; cơ sở giáo dục, cơ quan, đơn vị nơi nhà giáo chuyển đến thực hiện việc nhận nhà giáo.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, theo quy định, từ ngày 01/01/2026 (ngày Luật Nhà giáo 2025 có hiệu lực thi hành) nhà giáo sẽ không được thực hiện thuyên chuyển trong các trường hợp sau đây:
+ Nhà giáo đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật; đang bị kiểm tra, xác minh, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử;
+ Nhà giáo chưa đủ 03 năm công tác tính từ ngày được tuyển dụng nhà giáo.
Lưu ý: trường hợp chưa đủ 03 năm công tác nhưng nhà giáo tự nguyện thuyên chuyển công tác đến cơ sở giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được thuyên chuyển.
Không được thuyên chuyển nhà giáo trong các trường hợp nào kể từ ngày 01/01/2026? (Hình ảnh Internet)
Nhà giáo có các quyền lợi gì theo quy định của pháp luật?
Căn cứ Điều 8 Luật Nhà giáo 2025 quy định nhà giáo có các quyền lợi sau đây:
(1) Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật về viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(2) Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(3) Ngoài quy định (1), (2) được nêu trên, nhà giáo còn có các quyền sau đây:
+ Được giảng dạy, giáo dục phù hợp chuyên môn đào tạo; chủ động phân phối thời lượng, sắp xếp nội dung theo chương trình giáo dục; lựa chọn, sử dụng tài liệu, học liệu phục vụ hoạt động giảng dạy, giáo dục; nhận xét, đánh giá, tham gia khen thưởng, xử lý kỷ luật người học theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục;
+ Được nghiên cứu khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học, hưởng chính sách ưu đãi trong hoạt động nghiên cứu khoa học; tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập, hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật;
+ Được tôn trọng, bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm; được đối xử bình đẳng trong hoạt động và phát triển nghề nghiệp;
+ Được nghỉ hè và các ngày nghỉ khác theo quy định của pháp luật;
+ Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ;
+ Được tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục.
Nhà giáo có các nghĩa vụ gì theo quy định của pháp luật?
Căn cứ Điều 9 Luật Nhà giáo 2025 quy định nhà giáo có các nghĩa vụ sau đây:
(1) Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(2) Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(3) Ngoài quy định (1), (2) được nêu trên, nhà giáo còn có các nghĩa vụ sau đây:
+ Giảng dạy, giáo dục đúng mục tiêu, nguyên lý giáo dục; thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục;
+ Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự, nhân phẩm, đạo đức nhà giáo; mẫu mực, nêu gương trong hoạt động nghề nghiệp và ứng xử trong quan hệ xã hội; bảo đảm liêm chính học thuật;
+ Phát huy phẩm chất, năng lực và phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu của người học;
+ Tôn trọng, đối xử công bằng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người học;
+ Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; nghiên cứu và áp dụng khoa học giáo dục; cập nhật nâng cao kỹ năng thực hành, tiếp cận công nghệ mới theo quy định của pháp luật;
+ Tham gia xây dựng môi trường giáo dục an toàn, dân chủ, đổi mới, sáng tạo.
>> Xem thêm: Áp dụng mức phụ cấp mới cao hơn cho nhà giáo trong trường hợp nào từ 01/01/2026?
Từ khóa: Thuyên chuyển nhà giáo Không được thuyên chuyển nhà giáo Không được thuyên chuyển nhà giáo trong các trường hợp nào Nhà giáo có các quyền lợi Nhà giáo có các nghĩa vụ Luật Nhà giáo 2025
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;