Điều kiện công nhận doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan từ 01/7/2025
Bài viết dưới đây sẽ cập nhật mới quy định về điều kiện công nhận doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan từ 01/7/2025.
Điều kiện công nhận doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan từ 01/7/2025 (Hình từ Internet)
Điều kiện công nhận doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan từ 01/7/2025
Theo đó từ ngày 01/7/2025, doanh nghiệp được công nhận áp dụng chế độ ưu tiên khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
(i) Tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế trong 02 năm liên tục;
(ii) Có kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hằng năm đạt mức quy định;
(iii) Thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử; có phần mềm hoặc hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp kết nối hoặc chia sẻ với cơ quan hải quan;
(iv) Thực hiện thanh toán qua ngân hàng;
(v) Có hệ thống kiểm soát nội bộ;
(vi) Chấp hành tốt quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán.
Lưu ý:
- Doanh nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố là doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp thực hiện dự án công nghệ chiến lược; doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghệ số trọng điểm, dự án nghiên cứu và phát triển, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử sản phẩm chip bán dẫn, dự án xây dựng trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo; doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất sản phẩm phụ trợ trực tiếp trong công nghiệp bán dẫn được công nhận áp dụng chế độ ưu tiên khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại (iii), (iv), (v) và (vi).
- Doanh nghiệp ưu tiên thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ có ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên với Việt Nam được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định Luật Hải quan.
Cơ sở pháp lý: Điều 42 Luật Hải quan 2014 (sửa đổi, bổ sung tại Luật số 90/2025/QH15).
Trước ngày 01/7/2025, doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: - Tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế trong 02 năm liên tục; - Có kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng năm đạt mức quy định; - Thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử; có chương trình công nghệ thông tin quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp nối mạng với cơ quan hải quan; - Thực hiện thanh toán qua ngân hàng; - Có hệ thống kiểm soát nội bộ; - Chấp hành tốt quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán. - Doanh nghiệp ưu tiên thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ có ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên với Việt Nam được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của Luật Hải quan. |
Hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên hiện nay gồm những gì?
Theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên gồm:
- Văn bản đề nghị theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành: 01 bản chính;
- Báo cáo tình hình, thống kê số liệu xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp trong 02 năm gần nhất theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành: 01 bản chính;
- Báo cáo chấp hành pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán trong 02 năm gần nhất theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành: 01 bản chính;
- Báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong 02 năm gần nhất: 01 bản chụp;
- Báo cáo kiểm toán trong 02 năm gần nhất: 01 bản chụp;
- Bản kết luận thanh tra trong 02 năm gần nhất (nếu có): 01 bản chụp;
- Bản mô tả hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp trong đó mô tả đầy đủ quy trình quản lý, giám sát, kiểm soát vận hành thực tế trong toàn bộ dây chuyền cung ứng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp: 01 bản chụp;
- Các giấy chứng nhận khen thưởng, chứng chỉ chất lượng (nếu có): 01 bản chụp.
Khi nào doanh nghiệp bị đình chỉ áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực hải quan?
Doanh nghiệp bị đình chỉ áp dụng chế độ ưu tiên trong các trường hợp sau:
- Doanh nghiệp không còn đáp ứng một trong các điều kiện để áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định tại Điều 10 Nghị định 08/2015/NĐ-CP;
- Hết thời hạn tạm đình chỉ áp dụng chế độ ưu tiên mà doanh nghiệp không thực hiện các quy định tại Điều 45 Luật Hải quan 2014;
- Doanh nghiệp đề nghị dừng áp dụng chế độ ưu tiên.
Trường hợp doanh nghiệp đã bị đình chỉ áp dụng chế độ ưu tiên thì trong 02 năm tiếp theo, doanh nghiệp không được Tổng cục Hải quan (nay là Cục Hải quan) xem xét, công nhận doanh nghiệp ưu tiên.
Cơ sở pháp lý: Khoản 4 Điều 11 Nghị định 08/2015/NĐ-CP.
Được biết, các doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh hải quan phải có những trác nhiệm như sau: - Tuân thủ tốt pháp luật hải quan, pháp luật thuế, chấp hành tốt pháp luật về kế toán, kiểm toán; - Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 45 Luật Hải quan 2014; - Thực hiện việc trao đổi thông tin với cơ quan hải quan để báo cáo những vướng mắc phát sinh (nếu có), vấn đề liên quan đến việc duy trì các điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên; - Thực hiện việc rà soát, tự kiểm tra, phát hiện, khắc phục sai sót và báo cáo cơ quan hải quan về những sai sót đã phát hiện, khắc phục. |
Xem thêm
Từ khóa: Doanh nghiệp ưu tiên Doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan Điều kiện công nhận doanh nghiệp ưu tiên Luật Hải quan Hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;