Chính thức bỏ lương cơ sở từ 01/7/2025 thay bằng mức tham chiếu theo Luật Bảo hiểm xã hội mới?
Chính thức bỏ lương cơ sở từ 01/7/2025 thay bằng mức tham chiếu theo Luật Bảo hiểm xã hội mới? Đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu năm thì được hưởng lương hưu từ 01/7/2025?
Chính thức bỏ lương cơ sở từ 01/7/2025 thay bằng mức tham chiếu theo Luật Bảo hiểm xã hội mới?
Căn cứ theo Điều 7 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về mức tham chiếu như sau:
Mức tham chiếu
1. Mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quyết định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội quy định trong Luật này.
2. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Đồng thời, theo khoản 13 Điều 141 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định như sau:
Quy định chuyển tiếp
...
13. Khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu quy định tại Luật này bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó.
...
Theo đó, theo quy định trên thì mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quyết định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội quy định. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó theo quy định.
Hiện hành, mức lương cơ sở đang được áp dụng là 2.340.000 đồng/tháng (theo quy định tại Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP).
Ngoài ra, theo tiểu mục 5.2 Mục 5 Kết luận 83-KL/TW năm 2024 quy định như sau;
Tổ chức thực hiện
Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp căn cứ Kết luận này khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:
5.1. Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị thông qua hệ thống Danh mục vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.
5.2. Ban Kinh tế Trung ương chủ trì sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và các ban, bộ, ngành có liên quan nghiên cứu đánh giá sự phù hợp, tính khả thi và đề xuất việc thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026 khi Bộ Chính trị ban hành và triển khai thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.
Qua đó, có thể thấy dự kiến sau năm 2026 mới bắt đầu triển khai 5 bảng lương mới theo vị trí việc làm.
Như vậy, từ các quy định nêu trên thì từ 01/7/2025 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực sẽ không còn áp dụng lương cơ sở nữa mà thay bằng mức tham chiếu để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, dự kiến sau năm 2026 thực hiện bảng lương mới sẽ bỏ lương cơ sở thì sẽ áp dụng mức tham chiếu và mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó theo quy định.
Trên đây là thông tin về "Chính thức bỏ lương cơ sở từ 01/7/2025 thay bằng mức tham chiếu theo Luật Bảo hiểm xã hội mới?"
Chính thức bỏ lương cơ sở từ 01/7/2025 thay bằng mức tham chiếu theo Luật Bảo hiểm xã hội mới? (Hình từ Internet)
Đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu năm thì được hưởng lương hưu từ 01/7/2025?
[1] Đối với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Căn cứ theo Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu như sau:
Đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu
1. Đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, g, h, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
...
2. Đối tượng quy định tại các điểm d, đ và e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
...
Đồng thời, theo Điều 65 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động như sau:
Đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động
1. Đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, g, h, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên thì được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 64 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
...
2. Đối tượng quy định tại các điểm d, đ và e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 64 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
...
Như vậy, từ quy định nêu trên thì từ 01/7/2025 trở đi, trong điều kiện lao động bình thường được quy định tại Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, người lao động đóng BHXH bắt buộc đủ 15 năm thì được hưởng lương hưu theo quy định.
Lưu ý: Trường hợp người lao động nghỉ hưu trước tuổi khi suy giảm khả năng lao động, điều kiện để được hưởng lương hưu là phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 20 năm. (Theo Điều 65 Luật Bảo hiểm xã hội 2024).
[2] Đối với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện:
Căn cứ theo Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu như sau:
Đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên.
Theo đó, từ 01/7/2025, người lao động đóng BHXH tự nguyện đủ 15 năm thì được hưởng lương hưu theo quy định.
Chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội ra sao?
Căn cứ theo Điều 6 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội bao gồm:
[1] Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng bao gồm trợ cấp hưu trí xã hội, bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm hưu trí bổ sung để hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
[2] Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội; có chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà bị mất việc làm.
[3] Ngân sách nhà nước bảo đảm các chế độ của trợ cấp hưu trí xã hội và một số chế độ khác theo quy định của Luật này.
[4] Bảo hộ, bảo toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội.
[5] Hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
[6] Khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
[7] Hoàn thiện pháp luật và chính sách về bảo hiểm xã hội; phát triển hệ thống tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch và hiệu quả; ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, giao dịch điện tử và yêu cầu quản lý về bảo hiểm xã hội.
[8] Khuyến khích tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Xem thêm
Từ khóa: Bỏ lương cơ sở Mức tham chiếu Luật Bảo hiểm xã hội Lương cơ sở Bảo hiểm xã hội Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội Bãi bỏ mức lương cơ sở
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;